Người mẹ dũng cảm

Cập nhật: 19-08-2014 | 08:57:04

rong căn nhà nhỏ tại ấp Long Hưng (xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng), mẹ Nguyễn Thị Nhương vui mừng khi chúng tôi đến thăm. Mẹ vừa được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng trong tháng 7-2014. Mẹ có chồng, con trai hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.

 

Mẹ Nhương thắp nén nhang tưởng nhớ chồng, con trai hy sinh anh dũng  

Cuộc đời của mẹ Nguyễn Thị Nhương (SN 1929) đầy biến động, nhiều hy sinh, mất mát và cả niềm tự hào vô bờ bến. Mẹ cùng người đồng chí, sau này là chồng, liệt sĩ Bùi Văn Thì (SN 1927) sát cánh cùng nhau từ nhỏ khi còn mưa bom bão đạn trên quê hương Lai Hưng (cũ). Năm 1956, chồng mẹ làm Bí thư Chi bộ xã Lai Hưng. Trên đường đi công tác bị giặc phục kích, hy sinh một cách oanh liệt. Lúc đó người con gái út Nguyễn Thị Đẹp chưa đầy 1 tuổi. Nghe tin báo về, mẹ rụng rời tay chân nhưng không thể để nước mắt rơi. Chồng mẹ bị giặc đưa xác về Thủ Dầu Một treo lên “khoe” chiến tích. Chồng mất, mẹ một mình nuôi 4 người con và hoạt động binh vận. Mẹ dứt khoát, là một đảng viên, hoạt động cách mạng không sợ gì hết. Chồng mẹ đã tròn trách nhiệm, giờ mẹ và các con phải lấy đó làm gương để cống hiến cho nước nhà.

Bà Nguyễn Thị Ngọc - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Long Hưng cho biết, xã, ấp thường xuyên tổ chức thăm, tặng quà cho mẹ mỗi dịp lễ, tết. Ngoài ra, chị em phụ nữ ấp chia nhau đến tâm sự với mẹ mỗi tuần. Mẹ kể nhiều câu chuyện về lịch sử, hình ảnh những anh bộ đội, những người mẹ dũng cảm nên ai cũng thích nghe. Từ những câu chuyện ấy, mọi người học được nhiều điều cho bản thân, sống sao cho xứng đáng với những hy sinh của thế hệ cha anh đi trước.

Tiếp bước tinh thần cách mạng của ba mẹ, cậu con trai Bùi Văn Thà (SN 1950) cũng tham gia đội viên du kích khi mới 15 tuổi. Sợ mẹ lo lắng, anh Thà theo chân các chú bộ đội vào rừng hoạt động nhưng báo với gia đình đi làm kinh tế. Sau 4 ngày không thấy con về, mẹ tìm vào rừng gặp con trai. Trước ước mơ quyết tâm đánh đuổi giặc của anh Thà đã làm mẹ yên lòng. Năm 1968, trong lúc đang canh bắt gián điệp, anh Thà bị trúng mìn và hy sinh. Con mất, một lần nữa mẹ Nhương nuốt nước mắt vào trong để tránh sự tình nghi của địch. Mẹ không thể tự tay chôn cất con trai yêu nhưng hàng ngày vẫn gọi tên anh, hát cho anh nghe để con ấm lòng.

Sau khi con trai hy sinh, lần nữa mẹ nhận được giấy báo tử của người em trai, liệt sĩ Nguyễn Văn Rong (hy sinh năm 1968) trong lúc đánh đuổi giặc ở Bến Cát. Tết Mậu Thân 1968, gia đình mẹ ăn tết trong nước mắt. Thế nhưng, không để mình bị gục ngã, mẹ càng cố gắng hơn để chăm sóc tốt cho bố mẹ mình và nuôi các con thành người. Bên cạnh đó, mẹ vẫn tiếp tục đi con đường của chồng, con. Tình nghi hoạt động cách mạng, giặc đã bắt giam mẹ gần 2 năm tại tiểu khu Bình Dương. Trong tù, chúng đánh đập, bắt mẹ khai nhưng không có kết quả. Giờ đây, hòa bình lập lại, những vết thương ngày ấy ngày đêm vẫn làm mẹ đau âm ỉ. Thế nhưng, vượt qua tất cả mẹ cố gắng sống tốt, giáo dục con cháu thành người. Bà Nguyễn Thị Thật, con gái thứ 3 của mẹ Nhương tâm sự: “Không phút giây nào mẹ quên căn dặn các thế hệ trong gia đình phải sống sao cho xứng đáng với cha, ông”.

THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=235
Quay lên trên