Trong căn nhà nhỏ tại ấp Đồng Sặc (xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên), mẹ Lê Thị Năm vui mừng khi được chúng tôi đến thăm. Mẹ có chồng, con trai hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.
Mẹ Lê Thị Năm, năm nay bước vào tuổi 94. Mắt mờ, giọng nói hơi yếu nhưng mẹ vẫn còn rất minh mẫn, nhớ như in những ngày cùng chồng hoạt động cách mạng. Thời trẻ, mẹ Năm vốn là cô gái hiền lành, chịu khó của mảnh đất Bình Mỹ anh hùng. Từ khi còn là cô gái 17 tuổi, mẹ đã làm liên lạc, nuôi giấu cán bộ, bộ đội về nằm vùng. Những người anh hoạt động cách mạng của mẹ đã giới thiệu và làm cầu nối cho mối nhân duyên giữa mẹ với ông Nguyễn Văn Cang (SN 1922). Sau khi lập gia đình, mẹ về sống tại quê chồng ở xã Vĩnh Tân. Sống trong vùng căn cứ Vĩnh Tân, vợ chồng mẹ mỗi người mỗi nhiệm vụ: ông hoạt động bí mật, tập hợp lực lượng đánh giặc; mẹ với vỏ bọc nông dân, chân lấm tay bùn nhưng thực chất là một mắt xích thông tin liên lạc trong và ngoài vùng căn cứ. Họ có với nhau 5 người con.
Do hoạt động mật nên chồng mẹ rất ít khi có ở nhà. Mọi việc trong gia đình (chăm sóc ba mẹ chồng, nuôi các con) mình mẹ gánh vác. Thế nhưng, người phụ nữ chịu thương, chịu khó ấy vẫn đảm đang, hoàn thành tốt vai trò của người vợ hiền, dâu thảo. Đêm đến, mẹ lại dẫn các con ra đầu làng mong ngóng tin chồng. Mẹ nói: “Mặc dù chồng mẹ đi công tác liên tục nhưng mỗi lần về đến nhà, ông lại dành hết thời gian cho vợ con. Ông thường nhắc nhở các con nghe lời ông bà và mẹ, nỗ lực học tập để cống hiến trí tuệ, sức lực cho đất nước”.
Học theo tinh thần hy sinh vì đất nước của ba mẹ, người con thứ 4 Nguyễn Văn Đại (SN 1952) cũng tự nguyện xin làm du kích xã Vĩnh Tân. Năm 1967, khi địch mở đợt càn quét lên Vĩnh Tân, anh cùng một số du kích địa phương chống trả quyết liệt. Anh Đại đã hy sinh trong trận đánh này. Anh Nguyễn Văn Thông (con thứ 5 của mẹ) kể lại, bọn chúng (địch) bắn chết anh Đại và một số du kích khác. Chúng bắt nhân dân đào hố chôn. Sau khi giặc rút khỏi vùng Vĩnh Tân, những người dân chôn anh Đại báo về cho gia đình biết. Lúc này, mọi người lên mua hòm về chôn cất anh tại mảnh đất quê hương Vĩnh Tân. Anh Thông cho biết thêm: “Từ nhỏ anh Đại đã có tinh thần vì cách mạng. Mới 15 tuổi, anh đã xin ba mẹ cho đi du kích. Mọi người khuyên để lớn hơn rồi tham gia nhưng anh một mực không chịu. Anh từng nói với ba mẹ, giặc không chờ mình lớn, chúng thản nhiên đàn áp, giết dân nên anh phải đứng lên chống lại chúng”.
Sau khi anh Đại hy sinh được 1 năm, mẹ Năm đau đớn nhận được giấy báo tử của chồng - liệt sĩ Nguyễn Văn Cang. Lúc này, ông đang giữ chức vụ Bí thư Chi bộ xã Vĩnh Tân. Mẹ chỉ được nghe kể lại, một lần, ông vào rừng hoạt động cách mạng thì bị địch bắt. Sau đó, không còn ai gặp, biết thông tin của ông. Đến nay, gia đình vẫn chưa tìm thấy hài cốt của ông Cang. Mẹ Năm bộc bạch: “Điều mẹ mong mỏi nhất là có thể biết được hài cốt của chồng. Mẹ sẽ đưa ông về nằm chung với con trai. Hai cha con gần nhau để không bị lạnh lẽo”.
Chỉ trong 2 năm, hai người thân yêu của mẹ mãi mãi ra đi. Nỗi đau tiếp nối nỗi đau nhưng không hề khiến mẹ quỵ ngã mà mẹ lại mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn. Biết gia đình mẹ là cơ sở cách mạng, địch đã bắt mẹ đưa lên Phú Giáo nhốt hơn 3 tháng, với bao đòn roi, hành hạ về thể xác lẫn tinh thần. Với ý chí kiên trung, bất khuất của người phụ nữ cách mạng, mẹ vẫn một mực không khai báo, không chỉ điểm. Mẹ kể: “Chúng thường trói mẹ vào một gốc cây phía sau nhà giam ở Phú Giáo. Ngày nào chúng cũng đánh đập, bỏ đói, bắt mẹ khai chồng, con, những người bạn tham gia cách mạng. Thà chết, mẹ không hé răng nữa lời. Sau đó, mẹ được bộ đội giải cứu”.
Hiện nay, mẹ đang sống cùng các con tại xã Bình Mỹ. Niềm vui cuối đời sau những năm tháng khó khăn là được con cháu chăm sóc tận tình. Các con, cháu của mẹ giờ đây đã thành đạt, mỗi người một công việc. Mẹ vẫn sống mẫu mực tại địa phương. Gia đình mẹ luôn được công nhận là gia đình cách mạng gương mẫu.
THIÊN LÝ