Tìm về khu phố Khánh Lộc, phường Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên thăm mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Chàm (1919), chúng tôi xúc động với câu chuyện một bà mẹ có 2 con là liệt sĩ.
Mẹ kể: “Ngày xưa, khi biết ông Huỳnh Văn Xù là thanh niên chăm chỉ làm ruộng giỏi nên mẹ ưng và lấy làm chồng, rồi theo ông về Tân Khánh (nay là phường Tân Phước Khánh) cùng cày cấy và âm thầm giúp đỡ, tiếp tế lương thực cho cách mạng”.
“Thời chiến tranh, nhà nhà người người ủng hộ cách mạng bằng nhiều phương cách, cách an toàn nhất là lén chừa lúa gạo ngoài đồng để cán bộ, du kích, bộ đội về lấy lúc ban đêm, lẫn trong lúa gạo ấy còn có thuốc men và một số vật dụng cần thiết khác nữa”, mẹ Chàm cười tủm tỉm kể.
Sống trong cảnh đói nghèo và khổ cực, cùng bom đạn chiến tranh nên trong lòng mẹ luôn khao khát đất nước mau chóng hòa bình. Vì thế, khi các con trai của mẹ vừa đủ tuổi trưởng thành, vợ chồng mẹ đã động viên con tham gia kháng chiến.
Năm 1962, người con trai thứ ba tên Huỳnh Văn Xệ thoát ly gia đình làm du kích ở xã Tân Phước Khánh. 2 năm sau, anh trở thành Tiểu đội trưởng đặc công thuộc Đại đội 2, Trung đoàn 4, lập nhiều chiến công và hy sinh trong trận càn tại Suối Cả (Bình Sơn, Long Thành, Biên Hòa) vào tháng 8-1968.
Năm 1964, người con trai đầu tên Huỳnh Văn Em thoát ly gia đình theo cách mạng, gia nhập Đoàn 83 tại Bến Súc (Thanh An, huyện Bến Cát). Trong một trận càn ác liệt trong Chiến dịch mùa khô (1965-1966) tại vùng Tam giác sắt, anh Huỳnh Văn Em bị thương và chuyển sang làm hậu cần ở Đoàn 814. Hiện anh là bệnh binh loại 2/3 nhưng rất vui và tự hào với huy hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” và 3 huân chương giải phóng.
Noi gương các anh, Huỳnh Văn Hòa, người con trai thứ sáu của mẹ cũng hăng hái lên đường nhập ngũ tại Tiểu đoàn Phú Lợi năm 1976, rồi tham gia chiến trường biên giới Tây Nam, sang Campuchia giúp bạn chống Khmer Đỏ. Anh Hòa đã chiến đấu anh dũng, lập được nhiều chiến công. Trong một lần tác chiến dưới mưa bom bão đạn tại chiến trường Campuchia, anh Huỳnh Văn Hòa đã hy sinh vào tháng 5-1978. Đơn vị chôn xác anh tại Nghĩa trang Lộc Tấn (Lộc Ninh), sau này hài cốt của anh được di dời về Nghĩa trang TX.Tân Uyên. Khi cầm tờ giấy báo tử của các con trên tay, trái tim mẹ Chàm như bị bóp nghẹt.
Đất nước đã thống nhất gần 40 năm, nhưng nỗi lòng người mẹ vẫn luôn quặn đau khi nhớ về những người con hy sinh. Tuy vậy, mẹ cũng rất tự hào về các con đã hy sinh thân mình cho công cuộc giải phóng đất nước và vì sự bình yên của bờ cõi.
Chiến tranh đã lùi xa, mẹ sống trong hòa bình với những đứa con còn lại và không lúc nào mẹ thôi nhắc nhở con cháu phải sống thật mẫu mực, chấp hành tốt pháp luật, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhờ vậy mà gia đình mẹ luôn đạt danh hiệu “Gia đình cách mạng gương mẫu” nhiều năm liền, hoàn thành tốt cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa mới tại địa phương và đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa tiêu biểu” hàng năm, thường xuyên được lãnh đạo các cấp đến thăm hỏi, tặng quà vào các dịp lễ, tết.
Chia sẻ với chúng tôi về niềm vui khi Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Mẹ Việt Nam anh hùng”, mẹ Chàm nói: “Đây là niềm vinh dự và rất đỗi tự hào của bản thân và gia đình. Mẹ vui mừng nhất là khi chiến tranh đã chấm dứt, đất nước được thanh bình. Bây giờ, mẹ không mong muốn gì hơn là có thật nhiều sức khỏe và sự minh mẫn để là chỗ dựa tinh thần cho con cháu, để tiếp tục động viên con, cháu phấn đấu, cống hiến xây dựng đất nước và trở thành những người công dân kiểu mẫu trong cuộc sống văn minh hiện đại ngày nay”.
MINH HIẾU