Những năm gần đây, thời tiết diễn biến bất thường, thị trường tiêu có nhiều biến động, giá tiêu giảm mạnh đã ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người trồng tiêu. Tuy vậy, ở huyện Phú Giáo - thủ phủ cây tiêu của tỉnh Bình Dương, vẫn có những người vẫn kiên trì gắn bó với loại cây trồn g này. Ông Nguyễn Đăng Liệu, ngụ ấp Đồng Thông, xã Phước Sang là một điển hình.
Ông Nguyễn Đăng Liệu đã gắn bó với cây tiêu 23 năm, chứng kiến và trải qua những thăng trầm của cây tiêu. Ông tâm tình, người nông dân nói chung, người trồng tiêu nói riêng phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Dù có giàu kinh nghiệm bao nhiêu cũng không thể khẳng định hay tự hào mình làm chủ được mọi thứ liên quan đến cây tiêu. Đối với cây tiêu, năm nào thời tiết diễn biến phức tạp như mưa nhiều thì người trồng tiêu gặp khó khăn, bởi mưa nhiều ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển của cây.
Nhiều năm gắn bó với cây tiêu, gia đình ông từng trải qua những thăng trầm của nó. Có những năm cây tiêu được mùa được giá, nhiều gia đình đổ xô đi trồng tiêu. Như năm 2016, cây tiêu “lên ngôi” khiến các gia đình nông dân trên địa bàn sốt sắng trồng tiêu, dù vậy gia đình ông vẫn duy trì diện tích khoảng 1,5 ha tiêu từ ban đầu. Sau đó, trong 2 năm 2017 và 2018, giá tiêu giảm sâu nhiều gia đình lại chặt bỏ cây tiêu để trồng cây khác. Tuy vậy, gia đình ông vẫn duy trì diện tích, cây tiêu nào chết ông lại dặm vào, chăm sóc cẩn thận để nó phát triển tốt, đều hơn. “Cây cao su từng một thời huy hoàng; điều từng một thời lên đỉnh cao rồi thê thảm, thì việc cây tiêu lên đỉnh rồi xuống đáy cũng là chuyện bình thường”, ông Liệu chia sẻ.
Ông Nguyễn Đăng Liệu chăm sóc vườn tiêu của gia đình. Ảnh: HẢI SÂM
Ông Liệu nói: Chỉ có niềm đam mê và cũng từ niềm đam mê mà các gia đình trồng tiêu đã gây dựng cho Phú Giáo thêm một sản phẩm nông nghiệp có tiếng trên thị trường trong thời gian qua. Và cũng chính những gia đình này đang xây dựng tiêu Phú Giáo thành một thương hiệu nông sản sạch, đạt chuẩn VietGAP để duy trì vị thế, lợi nhuận cho người trồng tiêu huyện nhà trong thời gian tới.
Những năm qua, giá cả các mặt hàng nông sản có không ít biến động: lúc thuận lợi khi khó khăn. Tuy vậy, theo các nhà chuyên môn, không vì thế mà người nông dân mãi chạy theo xu hướng nhất thời của thị trường; cần có những phân tích thị trường để quyết định việc trồng, duy trì loại cây trồng nào phù hợp với thế mạnh của địa phương, nếu không sẽ khó thoát được điệp khúc “chặt, trồng…”.
Ông Nguyễn Trường Hải, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Phú Giáo, cho biết ông Liệu là một trong những người có kinh nghiệm và kỹ thuật trồng, chăm sóc cây tiêu nhất hiện nay ở Phú Giáo. Không những giàu kinh nghiệm và niềm đam mê, ông còn tuân thủ rất chặt chẽ những khuyến cáo về cây tiêu do trạm đưa ra. Trước khi trồng tiêu, ông Liệu tìm hiểu rất kỹ vùng đất, chất đất nơi định trồng rồi mới có quyết định trồng hay không. Những kinh nghiệm trồng tiêu của ông đã hỗ trợ đơn vị trong việc khuyến cáo, hướng dẫn các hộ trồng tiêu có hướng đi phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Ông Nguyễn Trường Hải, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Phú Giáo, cho biết đơn vị luôn khuyến cáo người nông dân không nên chạy theo xu hướng nhất thời; trước khi trồng cây gì, nuôi con gì nên tính toán kỹ và gắn bó với nó. Điều quan trọng các gia đình nông dân phải nắm chắc kỹ thuật, tuân thủ khuyến cáo của ngành chức năng và nhất là phải có định hướng chuyển đổi kỹ thuật sản xuất từ sản xuất lạc hậu sang áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để nâng cao năng suất, sản lượng, giảm chi phí đầu tư. Có như vậy, sản phẩm các gia đình làm ra, trong đó có cây tiêu mới có thể ổn định được giá thành, thu nhập. |
HOÀI PHƯƠNG