Người thương binh “tàn nhưng không phế”

Cập nhật: 27-07-2019 | 07:52:47

 Trở về đời thường sau khi tham gia giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng ông Nguyễn Văn Đức (thương binh 4/4), ngụ khu phố Thạnh Bình, phường An Thạnh, TX.Thuận An luôn phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ vươn lên trong cuộc sống. Thực hiện tốt lời dạy của Bác “thương binh tàn nhưng không phế”, ông không ngại khó khăn, quyết tâm phát triển kinh tế gia đình, sớm ổn định cuộc sống.

 Nhớ về một thời oanh liệt

Năm nay đã gần 60 tuổi, ông Đức vẫn nhớ như in những năm tháng vào sinh ra tử tại chiến trường Campuchia (những năm cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 của thế kỷ XX). Ông kể, sinh ra trong gia đình nông dân có đông anh chị em, ông là người con thứ 2. Giữa năm 1978, ông cùng nhiều thanh niên Thuận An lên đường tòng quân giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi ách diệt chủng của Pôn Pốt. Trong 5 năm (1978-1983), ông cùng các đồng đội trong Trung đoàn cơ động 205 đóng quân và truy quét địch khắp các mặt trận trên chiến trường Campuchia.

Sống trong cảnh rừng thiêng nước độc, ăn uống thiếu thốn lại bệnh dịch, ông và các đồng đội phải động viên, giúp đỡ, kề vai sát cánh để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Khi chúng tôi hỏi về những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong 5 năm chiến đấu, một hồi tâm tư, ông nói: “Kỷ niệm thì có rất nhiều, nhưng có 3 kỷ niệm gắn liền giữa sự sống và cái chết làm ông nhớ mãi”.


Tuy sức khỏe không tốt do vết thương hành hạ nhưng ông Đức vẫn miệt mài với nghề sắt của mình. Ảnh: VĂN TIẾN

Lần đó, ông cùng 20 chiến sĩ nhận lệnh càn quét địch. Không may, đồng đội trong trung đội hy sinh gần hết, chỉ còn lại một số chiến sĩ bị thương nặng, riêng ông bị thương do mảnh bom găm vào tay, chân và phổi. Sau lần đó, ông - với vai trò là trung đội trưởng cùng 14 chiến sĩ tham gia càn quét tàn dư chế độ Pôn Pốt. Tuy nhiên, sau trận càn quét, trung đội của ông bị rơi vào ổ phục kích, chỉ còn 2 người sống sót, trong đó có ông. Đặc biệt, ông suýt bỏ mạng tại chiến trường Campuchia khi bị bắn xuyên qua cổ họng sau một trận đánh, may mắn không ảnh hưởng đến tính mạng.

Vươn lên xây dựng cuộc sống mới

Hiện thân thể ông vẫn còn 3 mảnh bom ở trong đầu, trong phổi và trong cánh tay chưa lấy ra. Những lúc trái gió trở trời, vết thương trong người lại tái phát khiến ông đau nhức, nhất là vết thương ở phổi gây hẹp đường hô hấp, phải can thiệp bằng máy trợ khí. Trong nhà ông luôn có nhiều loại thuốc, vì nếu không dùng thuốc giảm đau ông sẽ không chịu nổi do vết thương hành hạ. Mỗi ngày, ông phải nhờ sự trợ giúp của máy trợ khí 3 - 4 lần. Ông có may mắn là vợ ông, bà Mai Thị Thanh, thường xuyên ở bên cạnh chăm nom, giúp đỡ khi bệnh tình tái phát.

Sau khi xuất ngũ, thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ông đi làm thuê kiếm tiền phụ giúp ba mẹ nuôi các em nhỏ. Kể từ ngày xây dựng tổ ấm riêng, vợ chồng ông chăm chỉ làm ăn, nuôi các con ăn học nên người. Ông luôn chịu thương chịu khó, cần cù lao động, phấn đấu vươn lên xây dựng cuộc sống mới.

Hơn 10 năm trở lại đây, ông Đức đầu tư vốn mở cửa hàng sắt nhận làm cửa sắt, nhà tiền chế, cổng sắt, hàng rào… Do nhu cầu khách đặt nhiều sản phẩm, ông thuê thêm nhân công, có lúc lên đến 10 người phụ giúp để kịp thời giao hàng cho khách. Thời gian gần đây, do vết thương tái phát nên ông không nhận nhiều đơn hàng, chủ yếu làm bàn, ghế, võng bán cho khách hàng. Vợ của ông thì mở thêm quán nước, bán trái cây để kiếm thêm thu nhập.

Không chỉ tham gia phát triển kinh tế gia đình, ông Đức còn chăm lo, giáo dục con cháu sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.

 Ghi nhận những công lao đóng góp trong công cuộc đấu tranh giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi diệt chủng, ông Đức vinh dự được tặng Huân chương Kháng chiến hạng ba, Huy chương Chiến sĩ yêu nước, Huy chương Nghĩa vụ Quốc tế. Hàng năm, ông được công nhận danh hiệu người công dân kiểu mẫu; gia đình đạt văn hóa nhiều năm liền. Lãnh đạo Hội Cựu chiến binh phường An Thạnh, cho biết ông Nguyễn Văn Đức là tấm gương sáng nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, tham gia công tác xã hội tại địa phương.

 VĂN TIẾN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên