Người tiêu dùng cần sự sòng phẳng

Cập nhật: 11-10-2022 | 08:37:44

Liên quan đến thông tin một số cửa hàng xăng dầu trên địa bàn đóng cửa, nghỉ bán hoặc bán nhỏ giọt gây bức xúc dư luận những ngày qua, cơ quan chức năng tại nhiều địa phương đã vào cuộc xác minh, làm rõ và xử lý những trường hợp sai phạm, nếu có. Sự việc chưa rõ nguyên nhân, nhưng trước mắt, thiết nghĩ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu nói riêng và các lĩnh vực nói chung cần có sự sòng phẳng với người tiêu dùng.

Giá cả thị trường của các mặt hàng luôn có sự biến động tùy theo điều kiện của nền kinh tế - xã hội và nhiều nguyên nhân khác. Sau đại dịch Covid-19, nhiều mặt hàng đồng loạt tăng giá từ 20 - 30%, trong đó dẫn đầu là mặt hàng xăng dầu và lương thực, thực phẩm. Trong bối cảnh giá xăng dầu trong nước “nhảy cóc” từng ngày và lập kỷ lục với mức giá bán lẻ có lúc lên đến hơn 33.000 đồng/ lít, nhiều doanh nghiệp, cửa hàng xăng dầu đã hưởng không ít lợi từ mức chênh lệch giá nhập vào và bán ra.

Khi tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - chính trị toàn cầu cơ bản được ổn định trở lại cũng là lúc các mặt hàng phải trở lại với quỹ đạo bình ổn là lẽ đương nhiên, cả doanh nghiệp và người tiêu dùng đều phải chấp nhận thực tại khách quan này. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, cửa hàng xăng dầu lại vin vào cớ “thua lỗ” để ngừng bán hoặc bán nhỏ giọt gây khó khăn, bức xúc cho người dân thì đúng là không sòng phẳng chút nào.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin nêu ra hai sở cứ khẳng định rằng tình trạng ngừng bán và bán nhỏ giọt xăng dầu là hành động không đẹp, không sòng phẳng và vi phạm pháp luật về kinh doanh các mặt hàng thiết yếu. Thứ nhất, khi xăng dầu tăng giá, các doanh nghiệp, cửa hàng đã hưởng không ít lợi nhuận từ khoản chênh lệch giá nhập vào, bán ra giữa các phiên điều chỉnh tăng giá thì nay, khi xăng dầu giảm, doanh nghiệp cũng cần chia sẻ lại số lợi nhuận trên bởi đó là quy luật kinh doanh. Thứ hai, theo quy định của pháp luật, bất cứ hành vi ghim hàng chờ tăng giá hoặc tạo khan hiếm giả để trục lợi đối với các mặt hàng tiêu dùng, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu đều vi phạm pháp luật về thương mại - dịch vụ. Việc này sẽ được cơ quan chức năng ghi nhận, lập biên bản xử lý vi phạm, xử phạt hành chính. Thậm chí, đối với những trường hợp nặng hơn có thể bị tước giấy phép kinh doanh hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Có như vậy mới giữ ổn định thị trường, bảo vệ tối đa quyền lợi của người tiêu dùng.

ĐÌNH THẮNG

Chia sẻ bài viết
Tags
Covid-19

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên