Nghề trồng mai ở xã An Tây, TX.Bến Cát đã có từ lâu. Ban đầu chỉ có vài hộ trồng chưng trong nhà vào dịp tết, dần dần do nhu cầu lớn nên nhiều hộ dân trong xã đã tận dụng diện tích đất quanh nhà và cả đất ruộng để trồng mai. Mỗi năm, vào dịp tết, hàng ngàn chậu mai vàng đã được các hộ trồng mai nơi đây cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh.
Các nhà vườn trồng mai ở xã An Tây chăm sóc vườn cây chuẩn bị cho mùa tết. Ảnh: Q.NHIÊN
Dự kiến cung ứng 8.000 cây mai tết
Để phát huy nghề trồng mai, tháng 2-2012, Tổ hợp tác trồng mai xã An Tây được thành lập với 19 hộ tham gia trồng mai, trên diện tích gần 10 ha. Anh Bùi Đức Dũng, thành viên tổ hợp tác cho biết, để có cây mai vàng nở đúng thời điểm đòi hỏi người trồng phải tính toán thời gian theo dõi thời tiết, chăm sóc suốt cả năm, chứ không chỉ mấy ngày cận tết. Trồng, chăm sóc và xử lý cho mai trổ bông đẹp, đúng dịp tết không chỉ đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ, nắm vững kỹ thuật chăm sóc, xử lý, mà còn cả sự am hiểu về nghệ thuật chơi mai của người trồng mới có thể nâng giá trị cây mai.
Tết Nguyên đán năm 2017 vừa qua, nhờ thời tiết thuận lợi nên cây mai trổ hoa đúng vào dịp tết, Tổ hợp tác trồng mai xã An Tây đã cung ứng cho thịtrường trên 5.000 cây mai, mang lại lợi nhuận hơn 2 tỷ đồng. Dựkiến, Tết Nguyên đán năm 2018 tổ hợp tác sẽ cung ứng cho thịtrường trong và ngoài tỉnh khoảng 8.000 cây mai các loại.
Theo ông Huỳnh Ngọc Cẩn, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng mai xã An Tây, đến thời điểm này thời tiết tương đối thuận lợi cho cây mai. Thời gian từ ngày 13 đến 15-12 âm lịch là giai đoạn quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến việc mai có nở hoa đúng dịp tết hay không. “Đầu tư ba năm, ăn ba ngày” chính là câu nói vui mà những người trồng mai thường nói với nhau trong giai đoạn này. Bởi cây mai phải mất 3 năm chăm sóc mới có thể bán ra thị trường và trong 3 ngày quyết định là phải tiến hành lặt lá cho cây; nếu lặt lá sớm hoặc muộn đều ảnh hưởng đến việc mai cho hoa đúng thời điểm, hoa to, đẹp hay không.
Chuẩn bị tốt cho mùa mai tết
Ông Nguyễn Lê Công Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Tây cho biết, hiện nay, trong Tổ hợp tác trồng mai xã An Tây, hội viên có ít đất trồng mai nhất cũng có hơn 5.000m2. 1.000m2 đất trồng được 500 - 700 gốc mai, dịp tết tuyển 300 gốc mai ưng ý bán ra thị trường mang lại doanh thu cho hội viên 200 - 300 triệu đồng, lãi ròng không dưới 50%.
Những năm gần đây, người trồng mai ở An Tây còn nhận chăm sóc, cho thuê mai kiểng. Đối với dịch vụ cho thuê mai, cây mai ở đây thường sẽ được cho thuê từ ngày 25 tháng Chạp đến mùng 8 tháng Giêng với giá khoảng 50 - 70% giá trị của cây. Sau tết, nếu có nhu cầu, người chơi mai có thể gửi lại cho nhà vườn chăm sóc.
Anh Dũng cho biết thêm, hiện anh đang chuẩn bị hơn 700 chậu mai để đưa ra thị trường dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Anh cũng chuẩn bị 300 chậu mai để cho thuê vào dịp tết. Anh thường cho thuê mai từ ngày 28 tháng Chạp đến mùng 7 tháng Giêng với giá trung bình từ 2 - 8 triệu đồng/cây. Đặc biệt, có những cây to, tán đẹp, hoa nhiều, anh cho thuê với giá từ 15 - 20 triệu đồng/cây. Ông Cẩn chia sẻ, từ khi chuyển sang trồng mai, đời sống của gia đình ông cũng như các hộ trồng mai trong xã ổn định, khấm khá hơn. Trung bình 1.000m2 đất, nông dân trồng khoảng 500 gốc mai; sau 3 năm chăm sóc, bán với giá trung bình từ 2 - 5 triệu đồng/cây, người trồng mai thu lãi gần 200 triệu đồng. Trong khi đó, cùng với diện tích nói trên, người trồng lúa mỗi năm 2 vụ chỉ có thể thu lãi khoảng 8 triệu đồng/năm.
Để Tổ hợp tác trồng mai xã An Tây phát triển ổn định, Hội Nông dân xã thường xuyên phối hợp với Hội Nông dân TX.Bến Cát cung cấp thông tin khoa học - kỹ thuật, tạo điều kiện cho các thành viên trong tổ trao đổi kinh nghiệm sản xuất và dần hình thành thương hiệu cho sản phẩm mai An Tây. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ nông dân, vừa qua các thành viên trong tổ đều được vay 50 triệu đồng/người để có thêm nguồn vốn mở rộng quy mô, phát triển vườn cây.
QUỲNH NHIÊN