Tưởng chừng như việc chuyển đổi qua việc trồng rau an toàn (RAT) theo hướng hiện đại sẽ góp phần nâng cao giá trị sản xuất của người nông dân nhưng cho đến nay người trồng RAT ở Bình Dương lại gặp khó về đầu ra.
Hướng đi mới
Sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại an toàn là một hướng đi đúng đắn trước những yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. Qua quá trình triển khai cho thấy sản xuất RAT đã được chứng minh là một hướng đi đúng đắn. Các sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là tiền đề để nâng cao giá trị của rau Bình Dương.
Người trồng RAT Bình Dương vẫn gặp khó về đầu ra
Trong thời gian qua, Bình Dương đã triển khai thực hiện dự án: “Xây dựng vùng sản xuất RAT tỉnh Bình Dương giai đoạn 2010-2012” ở xã Tân Định (Bến Cát) và thị trấn Uyên Hưng (Tân Uyên) với diện tích 10 ha. Hiện tại xã Tân Định có khoảng trên 30 hộ thường xuyên canh tác theo đúng quy trình RAT với nhiều loại rau ăn lá và ăn quả như: dưa leo, khổ qua, bầu, bí... Tổng diện tích canh tác đã triển khai bước đầu là 5 ha, dự kiến sẽ mở rộng trong thời gian tới lên 6,8 ha. Còn tại thị trấn Uyên Hưng nông dân tập trung sản xuất chủ yếu các loại rau như: hành, dưa leo, khổ qua nhưng cây trồng chính vẫn là cây hành. Hiện tại ở Tân Uyên có 20 hộ tham gia sản xuất thường xuyên trên diện tích 5 ha. Qua quá trình dài chuẩn bị với sự mong chờ của nông dân, trong đợt Tết Tân Mão vừa qua, hầu hết diện tích trồng RAT này đã cho sản phẩm thu hoạch đạt các tiêu chuẩn quy trình sản xuất RAT. Ông Nguyễn Hữu Hiền - Tổ trưởng tổ sản xuất RAT thị trấn Uyên Hưng cho biết: “Người nông dân chúng tôi từ lâu đã nghe về RAT và cũng đã được đi tham quan nhiều mô hình sản xuất tại các địa phương khác. Khi được tham gia vào các mô hình sản xuất RAT chúng tôi rất vui vì được hỗ trợ về giống và vật tư. Bên cạnh đó điều quan trọng là được trang bị kiến thức về quy trình sản xuất RAT cũng như biết cách sản xuất như thế nào cho hiệu quả mà không gây nguy hại đến sức khỏe của chính mình và cộng đồng”.
Tắc vì đầu ra
Hầu hết diện tích sản xuất RAT đều cho năng suất ổn định, chi phí trồng trọt được tiết giảm đến mức thấp nhất và điều quan trọng là mùa vụ vừa qua các mẫu sản phẩm được đem đi kiểm tra đều đạt các tiêu chẩn về RAT. Tuy nhiên hiện nay nỗi lo lớn nhất của người sản xuất là đầu ra cho sản phẩm. Nhiều nông dân tham gia sản xuất RAT than thở, mang tiếng là sản xuất RAT nhưng khi đem ra thị trường tiêu thụ thì chưa có nơi nào chuyên về tiêu thụ RAT, vẫn chỉ có thể bán tại các chợ hay dọc đường. Hiện nay người sản xuất RAT vẫn chỉ có thể bán các loại RAT cho các thương lái mua tại vườn với giá bán như rau thường. Thương lái thì không cần biết sản phẩm nào là an toàn hay không an toàn, họ chỉ áp dụng đúng một giá. Ông Hiền cho biết thêm: “Với tình hình sản xuất như hiện nay thì việc sản xuất RAT không còn ý nghĩa thiết thực nữa. Rau thì sản xuất đúng quy trình, sản xuất ra nhiều mà vẫn không có nơi tiêu thụ. Nhiều thành viên trong tổ sản xuất của chúng tôi đã tỏ ra nản chí”. Được các cơ quan hữu quan hướng dẫn ông Hiền cũng đã “khăn gói” đến các siêu thị nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm rau của tổ mình nhưng khi đến nơi mới biết rằng sản xuất đã khó rồi, muốn bán được cho các siêu thị còn khó hơn rất nhiều tuy là giá chào hàng cao hơn rất nhiều so với việc bán cho các thương lái. Theo yêu cầu, ông Hiền cũng đã cố gắng làm bảng báo giá gửi lên cho các siêu thị nhưng cho đến nay vẫn “bặt vô âm tín”.
Đúng là rất khó để các sản phẩm RAT Bình Dương có thể xâm nhập vào các siêu thị để bán được với giá cao. Người sản xuất RAT thì cho rằng các thủ tục nhập hàng của các siêu thị quá rườm rà, khắt khe như đòi phải có bảng báo giá, có hóa đơn xuất hàng... trong khi đó các siêu thị chỉ có thể mua với số lượng hạn chế (50kg/ngày) trong khi thực tế người dân sản xuất ra tới cả chục tấn một ngày. Ông Ba Lành - người sản xuất RAT tại xã Tân Định cho biết: “Được công nhận là vùng sản xuất RAT rồi, nông dân chúng tôi mong muốn chính quyền và ngành chức năng làm cầu nối để đưa sản phẩm đến các siêu thị. Chúng tôi cũng đã xây dựng thương hiệu, làm logo cho sản phẩm của mình nhưng mỗi ngày tiêu thụ chỉ được 50kg thì quá bẽ bàng. Muốn bán được sản phẩm chúng tôi phải đợi khá lâu để làm theo đúng các yêu cầu của các siêu thị, trong khi đó giá cả nông sản thì biến đổi liên tục làm cho nông dân không biết đâu mà lường”.
Có thể đoán trước các khó khăn cho người trồng RAT Bình Dương khi sản phẩm “sinh sau đẻ muộn” so với các địa phương khác. Từ lâu các siêu thị đã có các đầu mối thu mua ổn định nên việc người sản xuất RAT Bình Dương khó chen chân vào là điều dễ hiểu. Bên cạnh đó có thể thấy hướng liên kết sản xuất của các nông dân sản xuất RAT hiện nay là còn quá lỏng lẻo, chưa hỗ trợ tích cực cho nhau. Thiết nghĩ ngay từ bây giờ các cơ quan chức năng hãy nhanh chóng làm cầu nối để đưa sản phẩm của người sản xuất RAT Bình Dương đến đúng nơi tiêu thụ. Nếu sản phẩm RAT Bình Dương tiêu thụ được sẽ kích thích nông dân sản xuất và quan trọng hơn là tạo nên tiền đề cho những chiến lược lâu dài về sau.
Sản xuất RAT phải hội đủ các điều kiện như: đất phải thoát nước tốt, không chịu ảnh hưởng xấu của các chất rác thải công nghiệp; nước tưới rau phải là nước sạch, tốt nhất là nước giếng khoan; giống cây phải tốt và chỉ dùng phân hữu cơ, phân xanh, phân chuồng đã được ủ hoai mục, không được dùng phân tươi. Chỉ tiêu nội chất phải bảo đảm dưới mức cho phép như dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; hàm lượng nitrat (NO3); hàm lượng kim loại nặng chủ yếu như đồng (Cu), chì (Pb), thủy ngân (Hg), Asen (As), thiếc (Cd), kẽm (Zn); mức độ nhiễm các vi sinh vật gây bệnh và ký sinh trùng đường ruột.
CAO SƠN