Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, em Nguyễn Võ Anh Tuấn, học sinh (HS) trường THPT Võ Minh Đức (TP.Thủ Dầu Một) đã đạt 9,5 điểm môn sử. Em cũng là thí sinh đạt điểm cao nhất theo khối xét tuyển đại học khối C, với sử: 9,5 điểm, văn 8 điểm, địa 8,75 điểm. Không chỉ đạt thành tích nổi bật ở kỳ thi vừa qua, năm học lớp 11 và lớp 12 em đạt giải ba kỳ thi HS giỏi tỉnh môn sử và đạt giải khuyến khích kỳ thi HS giỏi quốc gia năm 2018.
Sinh ra trong gia đình lao động bình thường, Tuấn đã có nhiều nỗ lực trong học tập. Ngay từ những năm học cấp II em đã có ý thức tự học và em có năng khiếu ở nhiều môn. Với môn sử, con đường dẫn đến đam mê môn học xuất phát từ những bài học lịch sử nước nhà. Em quan niệm, học sử không đơn giản chỉ là ghi chép những ngày tháng, những chiến công oanh liệt, mà còn là bài học về truyền thống dựng nước và giữ nước do cha ông để lại cho thế hệ sau. Hâm mộ những vị anh hùng của dân tộc như: Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại tướng Võ Nguyên Giáp, hay những thế hệ đi trước như vua Quang Trung… nên em càng say sưa tìm hiểu về lịch sử nước nhà.
Đam mê môn sử, Tuấn dành nhiều thời gian nghiên cứu môn học
Xuất phát từ tình yêu sử, em dùng niềm đam mê để học nên với em học sử rất nhẹ nhàng, chủ yếu học theo sách giáo khoa, học trên lớp. Ngoài ra, em còn tự bổ sung vào kho kiến thức của mình qua sách báo, từ internet. Tuấn cho biết, ngoài nắm vững kiến thức đã được thầy cô trang bị, em cũng thường xuyên theo dõi tình hình thời sự qua những chương trình thời sự trên truyền hình. Qua đó, giúp em vận dụng hiệu quả và đáp ứng được yêu cầu đối với những câu hỏi liên hệ thực tế. Thích học sử nên đến bất cứ nơi nào, như thư viện, nhà sách… em đều không bỏ qua những quyển sách sử. Chính nhờ học sử qua nhiều kênh thông tin khác nhau, nên vốn kiến thức lịch sử của em ngày càng phong phú.
Giỏi sử, Tuấn cũng học giỏi cả môn ngữ văn. Cách học của em là đọc kỹ tác phẩm trong sách giáo khoa, kết hợp với giáo viên giảng. Em không học theo kiểu nhồi nhét, mà mỗi ngày dành khoảng 30 phút để xem lại bài. Theo em, văn học và lịch sử gắn liền với nhau, nên em cũng đầu tư cho môn học này. Tuấn kể với chúng tôi, thấy em học nổi trội ở các môn xã hội, giáo viên các môn: Văn, sử, địa đều muốn chọn em vào đội tuyển HS giỏi, nhưng em quyết định chọn sử vì yêu thích hơn và đầu tư thật nhiều cho môn này. Dù vậy, Tuấn cũng học giỏi đều các môn khác, nên em đạt thành tích HS giỏi trong 3 năm học cấp III. Tuấn còn cho biết, suốt 3 năm học em chỉ duy nhất học thêm môn văn, còn lại tự học, tự nghiên cứu là chính. Em không học theo kiểu thuộc lòng, mà học kết hợp với lập luận, có sự tư duy logic.
Nhắc lại đề thi THPT quốc gia vừa qua, Tuấn cho biết, em hoàn tất bài thi trong thời gian khoảng 30 phút. Em có lời khuyên với các bạn, với môn sử, địa để đạt kết quả tốt nên tự học, chú trọng đọc sách giáo khoa nhiều hơn. Nội dung đề thi THPT quốc gia môn sử chủ yếu trong sách giáo khoa, tuy nhiên, cũng cần nắm vững những nội dung cơ bản, bởi đề thi ngoài những câu khó, còn có những câu rất dễ lấy điểm. Để học tốt sử, địa cần vừa học, vừa tư duy thì làm bài mới đạt kết quả cao, vì đề thi đòi hỏi tư duy nhiều hơn, HS phải học hiểu, học và vận dụng.
Xuất sắc trong học tập, Tuấn còn là một bí thư chi đoàn lớp năng động, tích cực tham gia mọi phong trào hoạt động của Đoàn trường và Thành đoàn phát động. Năm học lớp 11, em đạt giải nhất cuộc thi an toàn giao thông cấp tỉnh; năm lớp 12, em cùng các bạn tham gia và đạt giải nhì toàn đoàn cuộc thi tìm hiểu về chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh do Tỉnh đoàn tổ chức.
Nhìn lại kết quả thi THPT quốc gia vừa qua, đạt hơn 26 điểm theo khối xét tuyển đại học, Tuấn có thể tự tin đeo đuổi đam mê của mình, đó là ngành sử của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh.
“Ngay từ khi Tuấn vào lớp 10 cô đã phát hiện ở em có tố chất và đam mê học sử, từ đó cô đã chọn em vào đội tuyển HS giỏi. Tuấn không chỉ học giỏi sử mà còn học tốt ở các môn tự nhiên. Trong quá trình bồi dưỡng em, cô hài lòng khi em có tính tự học cao. Em không chỉ học những gì giáo viên yêu cầu, mà còn chủ động, tự mày mò tìm kiếm tài liệu học tập. Có được những học sinh như Tuấn, là động lực để giáo viên dồn tất cả tâm huyết cho học trò, nhất là trong tình hình HS ít mặn mà với các môn xã hội”.
(Cô Lê Hoa Thùy Trinh, giáo viên dạy sử)
H.THÁI