Niềm vui lớn nhất của ông ở tuổi xế chiều là đọc báo và chăm sóc cháu Ảnh: Q.NHƯ
Khi tôi đến tìm gặp, ông đang chơi với đứa cháu nội. Hai ông cháu thật vui vẻ khi cùng chơi đùa với nhau. Niềm vui này dường như làm cho ông khỏe mạnh hơn so với tuổi 79 của mình. Ông kể: “Tôi sinh năm 1935, xã Long Nguyên, nay thuộc huyện Bàu Bàng. Năm 1948, khi mới 13 tuổi đã thoát ly đi theo cách mạng. Và cũng từ đó, tôi luôn đam mê lịch sử, luôn tìm hiểu để biết về truyền thống lịch sử của quê nhà” . Năm 1960, ông giải ngũ, chuyển ngành và được chọn đi học ở trường Lý luận nghiệp vụ của Bộ Văn hóa ở Hà Nội. Ông nói ngắn gọn, rõ ràng về những mốc quan trọng trong cuộc đời của mình. Từ năm 1970-1977, ông ở Từ Liêm, Hà Nội và làm công việc liên quan đến nghiên cứu lịch sử ĐảngTrung ương. Năm 1977, ông đưa vợ về quê hương Bình Dương để lập nghiệp.
Tiếp đó là giai đoạn ông làm Phó Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh Sông Bé. Năm 1978, ông Nguyễn Minh Đức được ông Nguyễn Xuân Quang, nguyên Tổng Biên tập Báo Sông Bé, giai đoạn 1978- 1986 mời cộng tác với các bài viết cho chuyên mục lịch sử Đảng bộ Sông Bé, đất và người Sông Bé… Ông nhớ lại: “Đó là giai đoạn Báo Sông Bé tập trung tuyên truyền về lịch sử, cuộc kháng chiến chống Mỹ vừa thắng lợi, chính trị, phát triển kinh tế mới, công tác cứu đói, trấn áp các phần tử chống phá cách mạng trong những năm tháng rất khó khăn sau chiến tranh”.
Hỏi ông tâm đắc với những bài báo nào nhất, ông cho biết đó là những bài nhiều kỳ về giai đoạn lịch sử 1930-1945. Trong đó, ấn tượng nhất là viết về việc thành lập 2 chi bộ Đảng đầu tiên của Sông Bé là chi bộ của công nhân ở Đề pô xe lửa Dĩ An (tháng 1-1930) và chi bộ của nông dân ở Bình Nhâm, TX.Thuận An (tháng 8-1930). Theo ông Nguyễn Minh Đức kể lại, khi còn học ở Hà Nội, ông đọc tài liệu của giáo sư Trần Văn Giàu, nghe các bậc cách mạng lão thành khác nói về những chuyến công tác cùng các đảng viên đầu tiên của Sông Bé. Điều này khiến ông rất tự hào về quê hương, về con người ở vùng đất của mình. Thế là bằng niềm tự hào này, khi đã về Sông Bé làm việc, ông đi thực tế để tìm về những nhân chứng sống, những dấu tích cho bài viết thật sinh động.
Luôn đau đáu với vấn đề thời sự, sự kiện lịch sử của đất nước nên ông Nguyễn Minh Đức theo dõi sát sao các sự kiện liên quan đến vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trái phép tại vùng biển Việt Nam. Theo ông, làm báo trong lúc này phải càng thể hiện rõ ràng chính kiến của mình. Cần nói theo tiếng nói của Trung ương Đảng, theo đường lối đấu tranh mềm dẻo, không tuyên chiến và tận dụng những lợi thế mà cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam. Hơn ai hết, nhà báo hiện nay phải nắm thật chắc các vấn đề, viết bài kêu gọi lòng yêu nước, sự đồng lòng, đoàn kết, tương thân tương ái. Chúng ta phải mạnh mẽ, thể hiện bản lĩnh và lòng yêu nước trong giai đoạn hiện nay. Bởi, theo ông nghĩ, những trang báo nóng hổi thời sự hiện nay cũng là tư liệu lịch sử sau này vậy…
Với niềm đam mê tìm tòi lịch sử địa phương, ông Nguyễn Minh Đức tiếp tục viết về nhiều người con ưu tú của Bình Dương được vinh dự đặt tên đường. Tất cả theo ông là “nhắc nhở với thế hệ sau về những người con gan dạ, kiên trung đã cống hiến cuộc đời, sự nghiệp của mình cho quê hương Bình Dương có được ngày hôm nay”.
Tiếp tục kể về những ngày tháng gắn bó với Báo Sông Bé - Bình Dương, ông Nguyễn Minh Đức nói thân tình: “Trước kia chú cộng tác với báo rất tích cực. Gần đây do sức khỏe yếu nên chú ít viết hơn, chủ yếu là đọc và theo dõi… bút lực của từng phóng viên. À này, viết hay dở, ít nhiều gì chú biết hết đó nghe nhà báo”. Ông nói như động viên cho tất cả những ai trót đam mê nghiệp viết lách, nghiên cứu như ông.
Năm 1990, ông Nguyễn Minh Đức đã xin nghỉ hưu trước tuổi (khi đó ông 55 tuổi và đang là Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy). Thời gian này, ông tích cực đọc sách, nghiên cứu lịch sử và viết lại những bài báo hữu ích cho độc giả. Cũng trong từng ấy năm, ông yêu quý, gắn bó với tờ báo Đảng địa phương và luôn mong muốn tờ báo ngày càng phát triển hơn, phản ánh đầy đủ, sinh động cuộc sống đang diễn ra.
QUỲNH NHƯ