Nhân rộng hoạt động dự án Tổng hợp nguồn lực xã hội trong công tác giảm thiểu rác thải

Cập nhật: 10-04-2022 | 12:20:54

(BDO) UBND TP. Dĩ An vừa có báo cáo kết quả thực hiện dự án “Tổng hợp nguồn lực xã hội trong công tác giảm thiểu rác thải trên địa bàn TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương” - (VNM/UNDP/2020/08). Đây là dự án phối hợp giữa Hội LHPN tỉnh Bình Dương, UBND TP.Dĩ An được Đại sứ quán Na Uy, Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình tài trợ dự án nhỏ, Chương trình phát triển Liên hiệp quốc tài trợ trong năm 2021.

Đào tạo, tuyên truyền và triển khai thực hiện

Theo ông Võ Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP.Dĩ An, trong bối cảnh lực lượng cán bộ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường còn khá mỏng thì công tác đào tạo là một trong những phương án giúp nâng cao năng lực nhân sự của địa phương. 

Do đó, sau khi tiếp nhận Kế hoạch của dự án, giữa tháng 4-2021, UBND TP.Dĩ An đã triệu tập hơn 100 người tham gia các lớp BOT (lớp đào tạo nguồn) với chuyên đề: Quản lý tổng hợp, giảm thiểu rác thải;  mô hình kinh tế tuần hoàn, mô hình biến bãi rác thành vườn hoa; học tập phân loại rác tại nguồn và rác tái chế tại UBND phường Tân Bình; đồng thời học tập, tham quan thực tế mô hình tại khu xử lý chất thải rắn tập trung Nam Bình Dương.

Vườn hoa tại Khu phố Bình Minh, phường Dĩ An được thực hiện từ dự án Tổng hợp nguồn lực xã hội trong công tác giảm thiểu rác thải.

Sau thời gian phòng chống dịch bệnh Covid-19 và thực hiện giãn cách xã hội, tháng 10-2021, TP.Dĩ An tiếp tục triển khai hoạt động đào tạo cho tổ cộng đồng quản lý rác thải, đội ngũ giáo viên lớp phân loại rác, mô hình kinh tế tuần hoàn cũng như kỹ năng giám sát hoạt động dự án. Để cổ vũ, lao tỏa thông điệp về mục đích ý nghĩa của dự án, TP.Dĩ An đã thực hiện một số ấn phẩm tuyên truyền thông qua âm nhạc, video phát trên các kênh thông tin đại chúng.

Song song với công tác triển khai các hoạt động đào đạo và đẩy mạnh tuyên truyền, UBND thành phố đã chỉ đạo UBND 2 phường Tân Bình và Dĩ An thành lập, ra mắt Tổ cộng đồng quản lý rác thải và trao thùng rác kèm các ấn phẩm truyền thông cho các hộ dân. Để công tác tuyên truyền thêm phần sinh động, hấp dẫn, ngoài khuôn khổ dự án này, UBND TP.Dĩ An phối hợp Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh thực hiện video hoạt hình “Ước mơ màu xanh” nhằm phục vụ cho chương trình phân loại rác tại nguồn của địa phương, cũng như truyền thông cho khu vực thực hiện PLR của dự án.

Thành công từ dự án

TP.Dĩ An đã hoàn thành thiết kế in ấn, giao và lắp đặt cho khu vực thực hiện dự án là khu dân cư Biconsi gồm 1.600 logo, 28 pano, 1.000 tờ bướm với nội dung hướng dẫn thực hiện phân loại rác tại nguồn và giảm thiểu rác thải nhựa. Đồng thời, thành phố thực hiện chương trình phát thanh mỗi ngày 2 lần về nội dung bảo vệ môi trường, quản lý rác thải, nêu gương người tốt việc tốt và các mô hình hay trong việc thu gom, phân loại rác thải tại nguồn. 

Thành phố cũng đã hỗ trợ và giao 1.600 thùng rác cho người dân khu vực Biconsi thực hiện phân loại rác (trong đó có 800 thùng rác từ nguồn kinh phí của dự và 800 thùng do kinh phí của địa phương thực hiện),  tổ chức 3 lớp tập huấn về phân loại rác tại nguồn cho Tổ cộng đồng quản lý rác thải, đại diện người dân ở khu vực Biconsi với sự tham gia của hơn 150 người dân trong khu vực.

Theo nội dung kế hoạch, Hội LHPN TP.Dĩ An đã thực hiện mô hình biến bãi rác thành vườn hoa tại 3 phường Dĩ An, Tân Bình,m và  Đông Hòa với tổng diện tích khoảng 700 m2.  Về mô hình kinh tế tuần hoàn, thành phố đã lắp đặt 5 pano, 1.000 tờ bướm, chương trình tập huấn hướng dẫn thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn; đồng thời tổ chức tập huấn cho 60 giáo viên tại 2 trường (Trường Tiểu học Đông Hòa, trường Tiểu học Tân Bình) để giúp thầy cô cập nhật, bổ sung kiến thức về mô hình kinh tế tuần hoàn để giảng dạy  cho các em về nội dung này.

Chương trình giảm thiểu rác thải nhựa cũng thu được kết quả khả quan. Tại 3 phường Dĩ An, Đông Hòa và Tân Bình, chương trình được thực hiện tại 100 nhà hàng, quán ăn trên địa bàn nhằm hạn chế rác thải nhựa và đồ nhựa dùng một lần. Bên cạnh đó, dự án đã triển khai mua 150.000 ống hút Cỏ bàng để cấp phát cho 100 nhà hàng, quán ăn nhằm tuyên truyền, vận động hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần. 

Ngoài ra, TP.Dĩ An còn tổ chức cuộc thi “Chống rác thải nhựa” với sự tham gia của 80 người dân tại phường Dĩ An, Tân Bình; trao tặng 100 giỏ xách đi chợ cho người dân tham dự nhằm tuyên truyền người dân hạn chế sử dụng túi ni lông, tổ chức hội thảo “Rác nguồn tài nguyên vô tận”; trong đó tuyên truyền, giải đáp thắc mắc của người dân về tác hại cũng như rác là nguồn tài nguyên với 250 người tham dự. 

Đặc biệt, mô hình liên kết cơ sơ và người thu gom phế liệu đã khảo sát, thành lập nhóm người thu gom phế liệu và cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn 3 phường Dĩ An, Đông Hòa và Tân Bình với 51 thành viên. Hiện thành phố đã xây dựng quy chế hoạt động, phân công từng thành viên; tổ chức họp định kỳ hàng quý, đến nay được 3 kỳ. 

Ban điều hành Dự án tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề hướng dẫn các quy định pháp luật liên quan đến việc hoat động ngành nghề ve chai, phế liệu cho các chị. Hội LHPN tỉnh và TP.Dĩ An thường xuyên quan tâm đến đời sống của các thành viên tham gia dự án, nhất là trong mùa dịch Covid-19. Các cấp hội đã đến từng Tổ thu gom phế liệu của 3 phường thuộc dưn án trao quà, nước sát khuẩn, khẩu trang y tế, nhu yếu phẩm… được 50 phần với kinh phí 15 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Điều phối viên quốc gia chương trình UNDP/GEF SGP, cho biết qua thực tế khảo sát các mô hình tại TP.Dĩ An, đặc biệt là mô hình biến khu đất trống thành vườn hoa, hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ làm nghề mua bán phế liệu rất hiệu quả. Các hoạt động từ dự án nhận được phản hồi tích cực của các thành viên tham gia; người dân tham gia nhiệt tình cũng là một thành công đáng ghi nhận. Các chị làm nghề thu gom chất thải đã thấy được công việc mình đang làm góp phần nâng cao nhận thức người dân trong việc thực hiện việc phân loại rác thải tại gia đình, góp phần xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp. 

Bên cạnh đó, việc tham gia tổ, nhóm thu gom chất thải cũng giúp họ phấn khởi vì trong thành phần tham gia hầu hết làm cùng ngành nghề, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, cách thức thu gom phế liệu để có nguồn thu nhập ổn định hơn. Họ được nhận phúc lợi từ dự án, như: Hoạt động trao tặng đồ bảo hộ lao động, tham quan, tham gia lớp tập huấn... 

Bà Huyền mong rằng, dự án này sẽ mang lại lợi ích thật sự cho việc xây dựng và phát triển TP.Dĩ An theo hướng xanh, sạch, đẹp, văn minh…

Theo bà Trương Thanh Nga, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, Trưởng Ban điều hành dự án, qua thực tế đi giám sát các mô hình và báo cáo sơ kết, dự án đã triển khai thực hiện được khoảng 80% các chương trình, hoạt động đã đề ra. Những phần việc còn lại sẽ được các đơn vị liên quan như Hội PHPN, Phòng Giáo dục – Đào tạo, Phòng Tài nguyên- Môi trường TP.Dĩ An…  tăng cường triển khai để hoàn thành đúng tiến độ. 

Quỳnh Như

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1669
Quay lên trên