Sáng qua (13-4), ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì phiên họp lần thứ 96 của UBND tỉnh bàn các nội dung: Chương trình phát triển đô thị Bình Dương giai đoạn 2016- 2020 và 3 chương trình đột phá tập trung đầu tư xây dựng khu đô thị mới gắn với nâng cấp, chỉnh trang TP.Thủ Dầu Một và các đô thị vệ tinh. Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng tham dự cuộc họp.
Công tác quy hoạch cơ bản hoàn thành
Theo báo cáo, tính đến năm 2015, Bình Dương có 1 thành phố, 4 thị xã và 4 huyện với 91 xã, phường, thị trấn. Công tác quy hoạch đã cơ bản hoàn thành, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung đạt 100%, quy hoạch phân khu đạt 73,2%; các khu chức năng, các dự án đầu tư xây dựng đều có quy hoạch chi tiết. Mật độ dân số trung bình của tỉnh là 695 người/km2.
Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: XUÂN THI
Ông Nguyễn Thành Tài, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, việc chuyển Trung tâm Hành chính tập trung của tỉnh vào khu đô thị mới tại 2 phường Hòa Phú và Phú Tân của TP.Thủ Dầu Một đã từng bước khẳng định vai trò của đô thị trung tâm. Trong khi đó, Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương được quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm kết nối liên hoàn với khu vực và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bên cạnh đó, chương trình phát triển nhà ở xã hội luôn được tỉnh quan tâm triển khai, thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng với giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu của người dân nói chung và đối tượng có thu nhập thấp nói riêng.
Đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã được tỉnh chú trọng đầu tư với nhiều nguồn lực kinh tế nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển chung toàn đô thị. Trong khi đó, kết cấu hạ tầng giao thông được xây dựng theo hướng đồng bộ, kết nối hợp lý giữa các trục quốc lộ, đường tỉnh với các đường huyện, đồng thời bảo đảm sự kết nối với hệ thống liên vùng. Cùng với đó, hệ thống cấp điện trong đô thị của tỉnh được chỉnh trang, cải tạo bảo đảm nhu cầu sử dụng; hạ tầng cấp thoát nước được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của các khu đô thị và khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Riêng hạ tầng viễn thông ngày càng được nâng cấp theo hướng hiện đại; cây xanh đô thị được nhân rộng và định hướng chủng loại cây đặc thù, tạo nét riêng cho đô thị Bình Dương...
Nâng cấp, phát triển đô thị
Theo Tờ trình Chương trình phát triển đô thị Bình Dương giai đoạn 2016-2020, mục tiêu cụ thể là nâng cấp đô thị TP.Thủ Dầu Một đạt tiêu chí đô thị loại I, 2 TX.Thuận An và Dĩ An đạt tiêu chí đô thị loại II, 2 TX.Bến Cát và Tân Uyên đạt tiêu chí đô thị loại III. Bên cạnh đó, xác định các khu vực phát triển đô thị theo từng giai đoạn 5 năm làm cơ sở để triển khai thực hiện theo nghị quyết của Chính phủ; xác định các danh mục thứ tự những dự án đầu tư xây dựng theo quy hoạch chung xây dựng, khái toán, cơ cấu vốn đầu tư phù hợp quy hoạch kinh tế - xã hội của tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt.
Trong khi đó, Chương trình đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng bộ tỉnh về phát triển đô thị xác định, mục tiêu cụ thể phát triển đô thị Bình Dương đến năm 2020 là tập trung đầu tư xây dựng đô thị mới tại 2 phường Hòa Phú và Phú Tân thuộc Khu liên hợp công nghiệp-dịch vụ - đô thị; nâng cấp, chỉnh trang TP.Thủ Dầu Một và các đô thị Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên theo hướng văn minh, sạch đẹp và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân; cùng với đó xác định danh mục các công trình trọng điểm và thí điểm mang tính đột phá trong lĩnh vực phát triển đô thị.
Tại phiên họp sáng qua, theo đề xuất của Sở Xây dựng về phát triển đô thị, trong thời gian tới sẽ tập trung rà soát điều chỉnh quy hoạch chung và xây dựng giải pháp để thu hút đầu tư lấp đầy Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị. Trong đó, ưu tiên các dự án thương mại - dịch vụ nhằm tăng tỷ lệ cơ cấu kinh tế về dịch vụ; tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn chỉnh đô thị mới tại 2 phường Hòa Phú và Phú Tân; đồng thời xây dựng đô thị thông minh gắn với đề án thành phố Bình Dương thông minh...
Đối với phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tại phiên họp sáng qua đã đề ra phương hướng sẽ ưu tiên đầu tư các dự án giao thông mang tính liên kết vùng nhằm kết nối giao thông của Bình Dương với giao thông vùng TP.Hồ Chí Minh. Theo đó, tiếp tục đầu tư đường Mỹ Phước - Tân Vạn đến Bàu Bàng để kết nối các đô thị phía bắc của tỉnh; đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư tuyến Metro Suối Tiên - Thủ Dầu Một - Bàu Bàng…
Về phát triển kết cấu hạ tầng xã hội, theo ông Tài, các ngành, các cấp có liên quan tới đây nên rà soát theo lĩnh vực quản lý nhà nước, đồng thời cập nhật, bổ sung, điều chỉnh để triển khai đồng bộ các thiết chế văn hóa trên địa bàn từ cấp huyện đến cấp xã, trên cơ sở đó tiến hành quy hoạch, xây dựng một cách đồng bộ, phân kỳ đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa. Cùng với đó, cần khuyến khích, đẩy mạnh xã hội hóa để tăng thêm nguồn đầu tư, góp phần nâng cao chất lượng của ngành giáo dục. Đối với việc nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, tới đây tỉnh Bình Dương tiếp tục thực hiện đồng bộ, toàn diện và hiệu quả các chương trình, dự án an sinh xã hội, gắn phát triển kinh tế với công bằng xã hội. Về sự nghiệp giáo dục, tập trung phát triển nền giáo dục hiện đại nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài nhằm đáp ứng kịp thời về số lượng và chất lượng lao động cho nền kinh tế phát triển…
Đưa ra nhiều giải pháp
Lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, phát triển hệ thống đô thị Bình Dương, tỉnh nhà lấy đô thị mới tại 2 phường Hòa Phú và Phú Tân làm trung tâm, cùng với đó hỗ trợ phát triển các đô thị vệ tinh trong vùng góp phần bảo đảm hài hòa phát triển giữa các đô thị nhằm đáp ứng, nâng cao chất lượng sống và sự thuận tiện trong cuộc sống của người dân.
Tại phiên họp, các đại biểu cũng nhấn mạnh giải pháp cần nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị; thực hiện cải tạo chỉnh trang đô thị và nâng cao chất lượng công tác quản lý đô thị. Theo ông Phạm Danh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cần chấn chỉnh lại chợ Thủ Dầu Một trên cơ sở giải quyết những tồn tại, đồng thời có cơ chế hoạt động phù hợp. Song song với đó, ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác quản lý đô thị và tập trung xây dựng cơ chế, chương trình, chính sách phát triển các nguồn lực, nhất là về nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, cần huy động và sử dụng tốt các nguồn lực, phát huy tính tích cực và sự chủ động của doanh nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa để thực hiện các dự án, công trình trọng điểm và thí điểm nhằm làm đòn bẩy thúc đẩy phát triển đô thị. Trong số những dự án, công trình trọng điểm và thí điểm cần thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 có 11 dự án phát triển đô thị, 6 dự án về cải tạo chỉnh trang đô thị…
Phát biểu kết luận phiên họp, ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, nội dung dự thảo chương trình đưa ra tại phiên họp cơ bản đã đạt yêu cầu đặt ra nhằm phát triển đô thị Bình Dương. Các sở, ngành và địa phương trong tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu, góp ý dự thảo Chương trình phát triển đô thị để Sở Xây dựng bổ sung, điều chỉnh hoàn thiện dự thảo trình UBND thông qua. Về chương trình đột phá, Sở Xây dựng cần xem xét lại bố cục, nội dung cho thống nhất, nhất là vấn đề đánh giá hạn chế phát triển đô thị của Bình Dương. Ông cũng nhấn mạnh, cần tính toán các công trình xã hội hóa; ưu tiên tập trung đầu tư trung tâm đô thị của các địa phương, nhất là quan tâm về những chỉ tiêu đô thị chưa đạt nhằm hoàn thành các chỉ tiêu đô thị.
PHƯƠNG LÊ