Để sản phẩm thịt heo nhiều nạc, ít mỡ, màu sắc đỏ tươi đẹp đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng nhưng vẫn bảo đảm thịt sạch, Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, người chăn nuôi cần chú ý các biện pháp về con giống, dinh dưỡng, vệ sinh phòng bệnh…
Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông cho biết, về giải pháp con giống, hiện nay nước ta đã có những giống heo ngoại nhập, heo thuần hoặc lai 3,4 máu có tỷ lệ nạc cao đó là các giống heo như: Duroc, Pietrain, Landrace, Yorshirk, Hamshirk. Các công ty giống sẵn sàng cung cấp heo nái hậu bị và tinh heo tạo ra dòng thương phẩm 3,4 máu chất lượng tốt và tạo nhiều nạc. Với các biện pháp nuôi dưỡng thích hợp sẽ tạo ra những sản phẩm thịt tỷ lệ nạc cao mà không cần đến tác động của các hóa chất. Tuy nhiên, những dòng heo này đòi hỏi người chăn nuôi phải đáp ứng các yêu cầu như kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, yêu cầu tiểu khí hậu chuồng trại thích hợp, đồng nghĩa với việc chuồng trại phải được xây dựng thiết kế phù hợp, trình độ chăn nuôi tiên tiến.
Đối với giải pháp về dinh dưỡng, trong chăn nuôi thức ăn chiếm 70 - 80% giá thành sản phẩm. Vì vậy, sử dụng thức ăn phù hợp theo từng giai đoạn phát triển của vật nuôi sẽ giúp tiết kiệm chi phí và làm tăng hiệu quả sử dụng thức ăn. Bên cạnh đó, để tăng tỷ lệ nạc trong thịt heo và phát huy tối đa hiệu quả chất lượng giống, việc cân đối các chất dinh dưỡng trong thức ăn là rất quan trọng. Theo đó, ngoài việc phải bảo đảm hàm lượng đạm tối thiểu theo nhu cầu vật nuôi, cần bổ sung các vi khoáng, vitamin, các axít amin thiết yếu, bởi vì những chất này thường thiếu trong các nguyên liệu khi phối hợp thức ăn.
Theo Trung tâm Khuyến nông, để tạo màu cho gà có màu vàng ở da, ở chân, lòng đỏ trứng, trong quá trình chăn nuôi nên sử dụng tỷ lệ bắp cao; gà thịt nên sử dụng thời gian 2 - 3 tuần trước khi xuất chuồng. Ngoài ra, cần cho gà ăn bổ sung thêm rau có màu xanh lục, vì màu xanh lục là tiền vitamin A. Về giải pháp vệ sinh phòng bệnh, các chuyên gia cho rằng người chăn nuôi cần thực hiện tốt biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm mầm bệnh từ môi trường lên vật nuôi, đồng thời hạn chế sự lan truyền bệnh của vật nuôi ra môi trường.
Ngành khuyến nông cũng cho rằng, cần thực hiện tốt công tác phòng bệnh bằng vắc xin, vệ sinh sát trùng chuồng trại, sát trùng dụng cụ chăn nuôi, người chăm sóc, khách tham quan, thăm viếng, cách ly heo mới nhập, heo bệnh… Trong điều kiện sử dụng thuốc thú y trong phòng, cần thực hiện đúng nguyên tắc ngưng thuốc trước khi giết mổ theo hướng dẫn ghi trên bao bì của nhà sản xuất.
NGUYỄN THỊ PHƯƠNG DUNG (Trung tâm Khuyến nông Bình Dương)