Nhiều mô hình hay trong học tập, làm theo Bác

Cập nhật: 27-05-2016 | 07:46:10

Thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, 5 năm qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay. Qua đó, việc học tập và làm theo Bác đã đi vào thực tiễn cuộc sống, đem lại hiệu quả thiết thực, tác động tích cực đến mọi mặt đời sống xã hội.

  Mô hình “Đảng viên gắn bó với nhân dân nơi cư trú” của Đảng bộ xã Hưng Hòa, huyện Bàu Bàng ngày càng tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, giúp cán bộ, đảng viên biết cái dân cần và điều dân muốn giúp. Trong ảnh: Cán bộ, đảng viên Chi bộ ấp 4, xã Hưng Hòa cùng nhân dân góp sức làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: TÂM BÌNH

“Gần dân, giúp dân”

Xuất phát từ mục đích, luôn gần dân, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, vì lợi ích nhân dân mà phục vụ, mô hình làm theo Bác với tên gọi “Gần dân, sát dân”, sau phát triển thành “Gần dân, giúp dân” ở TX.Bến Cát đã ra đời và nhanh chóng được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chọn để nhân rộng ra toàn tỉnh. Ông Đỗ Trọng Nhơn, Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy Bến Cát cho biết, mục đích của mô hình này là để cán bộ, đảng viên gần dân, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, vì lợi ích của nhân dân mà phục vụ.

Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên được giao nhiệm vụ phải trang bị cho mình một cuốn nhật ký đi cơ sở để ghi chép nội dung khi gặp gỡ nhân dân. Và mỗi tháng, từng cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo phải sắp xếp 1 - 2 ngày để gặp gỡ ít nhất 2 hộ gia đình ở địa bàn được phân công phụ trách hoặc nơi cư trú. Hộ gia đình chọn để gặp gỡ trước tiên là gia đình chính sách, đảng viên 40 năm tuổi Đảng trở lên, gia đình chức việc tôn giáo, gia đình tôn giáo tiêu biểu, hộ nghèo, cận nghèo... Tại những buổi tiếp xúc này, cán bộ, đảng viên đã lắng nghe ý kiến góp ý của người dân cũng như các kiến nghị, phản ánh của người dân với cán bộ, chính quyền. Những phản ánh của người dân được cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo ghi chép cẩn thận vào sổ nhật ký. Và thông qua những buổi tiếp xúc này, cán bộ đảng viên đã giúp dân hiểu hơn về những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... Những vấn đề được người dân phản ánh, kiến nghị sẽ được cán bộ đi tiếp xúc trực tiếp giải thích, giải quyết nếu thuộc phạm vi, thẩm quyền. Những ý kiến chưa trả lời được tại chỗ, cán bộ tiếp xúc với dân sẽ tập hợp lại để báo cáo với cấp ủy Đảng, lãnh đạo, đơn vị, cơ quan. Tính đến nay, TX.Bến Cát đã có 1.929 hộ dân được cán bộ, đảng viên đến gặp gỡ, thăm hỏi.

Đánh giá về hiệu quả của mô hình này, ông Đỗ Trọng Nhơn cho biết: “Trong quá trình gặp gỡ, các hộ dân rất tích cực tham gia ý kiến, góp ý cho Đảng, chính quyền địa phương trong công tác lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Từ đó, mô hình tạo được mối quan hệ gần gũi, gắn bó giữa cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể với nhân dân, khắc phục được tình trạng quan liêu, xa dân; đồng thời tiếp nhận được nhiều ý kiến góp ý chân thành của nhân dân để giúp cho cấp ủy, chính quyền đề ra những giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát, đúng tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Qua góp ý của dân, lãnh đạo cấp ủy tại địa phương đã kịp thời chấn chỉnh giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên và đánh giá cán bộ sát hơn”.

Đảng viên gắn bó với nhân dân nơi cư trú

Với mục đích tìm gặp dân để giúp dân, mô hình “Đảng viên gắn bó với nhân dân nơi cư trú” của Đảng bộ xã Hưng Hòa, huyện Bàu Bàng ngày càng tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo nên các phong trào thi đua yêu nước sôi nổi. Với mô hình này, mỗi đảng viên đăng ký gắn bó từ một hoặc hai hộ gia đình trở lên tại địa phương nơi đảng viên đang cư trú. Bằng hình thức mỗi đảng viên làm bản đăng ký gửi tới hộ gắn bó cùng trao đổi nội dung trong bản đăng ký, vận động hộ dân cùng tham gia gắn bó thực hiện các nội dung trong bản đăng ký. Nội dung cơ bản của bản đăng ký là thường xuyên gần gũi, thăm hỏi, chuyện trò thân tình với nhân dân; cùng nhân dân sống chan hòa, thân ái, đoàn kết, gắn bó mật thiết; luôn tự tu dưỡng đạo đức, lối sống làm tấm gương tốt để dân tin yêu và cùng làm theo; gương mẫu trong tuyên truyền, bảo vệ và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương và vận động nhân dân cùng thực hiện, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân để phản ánh về chi bộ nơi sinh hoạt.

Bà Ngô Thu Hương, Bí thư Đảng ủy xã Hưng Hòa cho biết: “Thông qua mô hình này đã giúp cán bộ, đảng viên có điều kiện gần gũi gắn bó với nhân dân, nắm rõ tình hình thực tế tại các hộ dân, trực tiếp nghe dân trình bày, phản ánh những tâm tư nguyện vọng của dân để kịp thời giải quyết; đồng thời vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước”.

Xây dựng chính quyền công sở thân thiện

Đây là nội dung chính mô hình điểm “Chính quyền thân thiện của dân, do dân và vì dân; công sở thân thiện vì nhân dân phục vụ” của phường Bình Thắng, TX.Dĩ An trong thực hiện Chỉ thị 03. Điểm nhấn đặc biệt của mô hình này là xây dựng các mẫu thư “thư chúc mừng” đối với đăng ký kết hôn, khai sinh; “thư chia buồn” đối với trường hợp khai tử; “thư xin lỗi” khi giải quyết hồ sơ không đúng hẹn hoặc không kịp thời công việc hành chính phục vụ cho nhân dân, tổ chức; thực hiện “thư cảm ơn” đối với tổ chức, cá nhân có những đóng góp xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Vì người nghèo hoặc những đóng góp khác.

Tính đến nay, UBND phường đã tổ chức trao 83 thư chúc mừng cho các gia đình có thành viên mới khi lập thủ tục khai sinh, 32 thư chúc mừng trăm năm hạnh phúc đối với trường hợp đăng ký kết hôn, 20 thư chia buồn khi gia đình có người thân qua đời. Nhiều người dân khi nhận được giấy kết hôn hay giấy khai sinh kèm thư chúc mừng đã tỏ rõ niềm vui và hài lòng về những thay đổi ban đầu từ mô hình thí điểm này. Đối với trường hợp có thân nhân mất, họ cũng cảm thấy ấm lòng hơn khi UBND phường thực hiện việc báo tử kèm theo sự quan tâm, chia sẻ, động viên bằng thư chia buồn. Riêng thư xin lỗi đến nay chưa phải áp dụng vì thực tế hầu hết người dân đến làm thủ tục hành chính đều tỏ rõ sự hài lòng thông qua phiếu góp ý và thực tế hồ sơ giải quyết hành chính của phường đều đúng hẹn. Đồng thời, UBND phường Bình Thắng cũng xây dựng các tiêu chí để cán bộ, công chức (CBCC) phấn đấu quyết tâm thực hiện gồm “5 biết”, đó là biết nghe dân nói, biết nói dân hiểu, biết làm dân tin, biết xin lỗi, biết cảm ơn và “3 thể hiện”, đó là thể hiện sự tôn trọng (trong quan hệ giao tiếp), văn minh (lịch sự, văn hóa trong giao tiếp, giải quyết công việc), gần gũi (trong quan hệ, giải quyết công việc nhanh chóng, không quan cách, trịch thượng, khó chịu).

 THU THẢO

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên