Nhiều nghị sĩ Mỹ từng nghi ngờ 'sự kiện Vịnh Bắc bộ'

Cập nhật: 16-07-2010 | 00:00:00
Tài liệu vừa được giải mật của Mỹ cho thấy nhiều nghị sĩ nước này đã nghi ngờ cái gọi là một vụ tấn công vào tàu khu trục Mỹ ở Vịnh Bắc bộ năm 1964, cái cớ khiến Nhà Trắng quyết định tấn công miền Bắc Việt Nam.

 

Theo hơn 1.100 trang tài liệu mới công bố hôm qua, các nghị sĩ thuộc Ủy ban quan hệ đối ngoại thượng viện Mỹ đã đặt câu hỏi gay gắt rằng liệu họ có bị Nhà Trắng và Lầu Năm góc lừa dối trong "sự kiện Vịnh bắc bộ" hay không.

 Tàu khu trục USS Maddox, tâm điểm trong "sự kiện Vịnh Bắc bộ" năm 1964. 

 

"Nếu đất nước này bị lừa dối, nếu ủy ban này, quốc hội này bị dẫn dụ vào một cuộc chiến tranh mà trong đó hàng nghìn thanh niên phải chết, hàng nghìn người khác tàn phế suốt đời, cuộc chiến khiến đất nước này mất cả vị thế về danh dự và đạo đức trên thế giới, hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng", thượng nghị sĩ Albert Gore Sr. - cha của người sau này là phó tổng thống Mỹ, phát biểu tháng 3-1968, trong một phiên họp của Ủy ban.

 

Số tài liệu nói trên thuộc loại bản ghi các cuộc họp của Ủy ban quan hệ đối ngoại thượng viện. Ủy ban này thường họp kín trong suốt thập niên 60, sau đó mới họp công khai theo yêu cầu của thượng viện. Các tài liệu này được sử gia của thượng viện là Donald Ritchie biên tập và ấn hành năm 1968, khi các thành viên nghị viện đang đau đầu về cuộc chiến tranh ở Việt Nam, và đang có mối quan hệ ngày càng xấu đi với Nhà Trắng, cũng vì cuộc chiến.

 

Các sử gia cho biết những bản ghi chép này chứa đầy sự giận dữ của các nghị sĩ đối với chính quyền của tổng thống Johnson, cũng như thái độ bực tức vì cảm thấy bị bó tay. Thời điểm đó, trong dư luận có một sự nghi ngờ về sự kiện Vịnh Bắc bộ, trong đó quân đội Mỹ nói rằng quân đội Bắc Việt Nam đã tấn công một tàu khu trục của Mỹ ngày 4-8-1964, hai ngày sau một cuộc giao tranh nhỏ.

 

Tổng thống Mỹ Johnson đã lấy cớ cái gọi là cuộc tấn công này để thuyết phục quốc hội Mỹ cho phép mở rộng chiến tranh ra miền Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, những năm gần đây nhiều sử gia Mỹ đã đi đến kết luận rằng chưa từng có vụ tấn công nào vào ngày 4-8-1964.

Các tài liệu mới được giải mật cho thấy sự tức giận của các nghị sĩ đằng sau những cánh cửa đóng kín. "Trong một xã hội dân chủ, anh không thể đòi hỏi người dân - những người có con trai bị giết và sẽ bị giết - chấp nhận rằng họ bị lừa dối", thượng nghị sĩ Frank Church phát biểu năm 1968.

 

Tuy nhiên các nghị sĩ cũng lo ngại rằng nếu đưa ra một cuộc điều tra về việc này thì có thể đổ thêm dầu vào ngọn lửa phản chiến đang cháy trong nước. Thượng nghị sĩ Mike Mansfield của bang Montana nói: "Các anh sẽ cho những người vốn không thực sự quan tâm đến chuyện này một cơ hội để khai thác và thổi phồng mọi chuyện".

 

Vào một thời điểm, chủ tịch của Ủy ban, thượng nghị sĩ William Fulbright, bày tỏ lo ngại rằng nếu các nghị sĩ không ủng hộ cuộc chiến, "chúng ta sẽ chỉ là khúc ruột thừa vô dụng của cơ cấu chính quyền mà thôi".

 

Thượng nghị sĩ John Kery, chủ tịch đương nhiệm của Ủy ban quan hệ đối ngoại, nói trong một cuộc phỏng vấn hôm qua rằng các tài liệu nói trên rất bất ngờ đối với ông.

Tháng 2-1968, khi những cuộc tranh luận căng thẳng nhất về vấn đề này diễn ra trong ủy ban, ông đang ở trên một con tàu tới Việt Nam.

 

Những tài liệu này cho thấy "rằng các vị đó cân nhắc sự phức tạp của vấn đề, trong khi cả một thế hệ chúng tôi sống với vấn đề đó theo cách riêng của bản thân mỗi người", ông nói.

 

"Khó mà tưởng tượng rằng trong quốc hội, các nhà lập chính sách đang đau khổ về vấn đề theo cách đó, và có những cuộc đối thoại như thế".

 

Cuối cùng thì các nghị sĩ vào năm 1968 đã không điều tra thêm về nghi vấn sự kiện Vịnh Bắc bộ. Như nghị sĩ Church phát biểu trong một phiên họp, rằng nếu ủy ban có những bằng chứng cho thấy vụ tấn công ngày 4-8-1964 là bịa đặt, "chúng ta sẽ vụ việc làm mất uy tín của quân đội Mỹ, làm mất thể diện và có thể hủy diệt cả tổng thống Mỹ".

 

Robert J. Hanyok, sử gia của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ, cho biết hôm qua rằng "đã có những nghi ngờ, nhưng không ai muốn điều tra sâu thêm", có lẽ là bởi "họ cảm thấy sẽ đi quá xa".

 

Từ năm 2001, Hanyok đã đi đến kết luận rằng các sĩ quan của NSA đã cố tình làm sai lệch các thông tin tình báo chặn thu được trong vụ này, để làm ra vẻ là đã có một cuộc tấn công hôm 4-8-1964, dù rằng họ làm thế không phải vì mục đích chính trị, mà chỉ để che đậy một sai sót trước đó.

 

Một số sử gia khác cho rằng tổng thống Mỹ Johnson có thể có những cớ khác để leo thang chiến tranh ra miền Bắc Việt Nam, và bản thân ông này cũng có những mối nghi ngờ về sự kiện. Nhiều sử gia nhấn mạnh rằng chỉ vài ngày sau hôm 4-8-1964, Johnson nói với thứ trưởng ngoại giao George W. Ball rằng "Này, có thể những chàng thủy thủ khờ khạo đó chỉ bắn phải mấy con cá nhảy thôi".

 

Theo wikipedia, ngày 4-8-1964, quân đội Mỹ nói rằng tàu khu trục của họ bị tàu của hải quân Việt Nam tấn công. Tuy nhiên trên thực tế không có vụ tấn công nào như vậy. Một ngày sau, quân đội Mỹ thực hiện chiến dịch ném bom nhiều địa điểm ở miền Bắc Việt Nam, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại kéo dài 9 năm bằng đường không và đường biển. Ngày 7-8-1964, Quốc hội Mỹ thông qua một nghị quyết cho phép chính quyền của tổng thống Johnson leo thang chiến tranh ra miền Bắc Việt Nam.

Theo VNE

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=519
Quay lên trên