Nhìn lại 2011 đầy biến động

Cập nhật: 13-12-2011 | 00:00:00

Thế giới năm 2011 chứng kiến đầy ắp những sự kiện lớn, tác động đến tình hình chính trị và an ninh mỗi quốc gia.

Trùm khủng bố bin Laden bị tiêu diệt

Sau 10 năm dốc bao tiền của và sức lực vào cuộc chiến chống khủng bố, quân đội Mỹ đã gặt hái được thành công vang dội trong năm nay: tiêu diệt  Osama bin Laden, lãnh đạo mạng lưới khủng bố al Qeada đồng thời là tên khủng bố bị truy nã số 1 thế giới.

Nhờ những thông tin tình báo chính xác, quân đội Mỹ phát hiện, nơi ẩn náu của Osama bin Laden nằm sâu trong nội địa Pakistan, không phải vùng đồi núi hiểm trở giáp biên giới Afghanistan như phỏng đoán.

  Trùm khủng bố bin Laden từng gây bao sóng gió cho nước Mỹ giờ chỉ còn là người thiên cổ.

Sau một thời gian dài phân tích thông tin và lên kế hoạch, điệp vụ tiêu diệt Osama bin Laden mở màn lúc 22h30 (giờ địa phương) ngày 30-4 và kéo dài trong khoảng 40 phút. Có từ 20 đến 25 lính đặc nhiệm của hải quân Mỹ được phái đi trên ba chiếc chiếc trực thăng xuất phát từ Afghanistan.

Những chiếc trực thăng đáp xuống bên ngoài khu nhà để đặc vụ đổ bộ và ngay sau đó là những tiếng đạn nổ chát chúa khi lực lượng này giao tranh với các tay súng bảo vệ Osama bin Laden.

Khi đội đặc nhiệm tiếp cận khu nhà chính, họ gặp phải sự chống cự của bin Laden và ba người đàn ông khác. Cuối cùng cả bốn kẻ chống cự đều bị hạ gục. Theo công bố của quân đội Mỹ, trùm khủng bố bị bắn hạ bởi một viên đạn trúng đầu.

Với Tổng thống Mỹ Obama, vụ tiêu diệt bin Laden đánh dấu một điểm nổi bật trong thời kỳ nắm quyền của ông. Đôi khi bị coi là quá mềm mỏng về vấn đề khủng bố, Tổng thống Obama lần này đã làm được việc mà nhiều người tiền nhiệm của ông phải “bó tay”, đó là kết liễu cuộc đời của trùm khủng bố từng gây nhiều sóng gió cho nước Mỹ.

Trong khi đó, sự kiện này cũng tác động lớn tới an ninh chính trị khu vực Nam Á. Người ta đã chứng kiến khủng bố bạo lực bùng nổ trong những tháng qua ở Pakistan, những cuộc biểu tình rầm rộ chống Mỹ và cả sự căng thẳng trong quan hệ Pakistan- Mỹ xung quanh vụ việc này. Rõ ràng thời hậu bin Laden là không hề đơn giản và bàn cờ địa chính trị Nam Á cũng đang có những biến chuyển mới sau sự kiện lịch sử này.

Cách mạng Mùa xuân Arab

Một cuộc nổi dậy lan khắp Trung Đông và Bắc Phi được khởi động bằng cái chết của một thanh niên bán rau rong trên đường phố Tunisia có tên là Bouazizi.

Khi đang bán rau trên trên đường phố, Bouazizi bị một số nhân viên công lực của thành phố cấm bán hàng rong. Ngoài việc ném những mớ rau của anh ra khỏi xe, những nhân viên công lực còn sỉ nhục người cha quá cố của anh. Tinh thần phản kháng nổi dậy, Bouazizi tẩm xăng vào người và tự thiêu mình.

Hành động của anh lập tức châm ngòi cho làn sóng biểu tình phản đối rộng rãi trên cả nước về các vấn đề chính trị. Ngày 14-1-2011, Tổng thống Tusinia Zine El Abidine Ben Ali buộc phải từ chức.

 Cuộc cách mạng Mùa xuân Arab thành công tại Libya. 

Không dừng lại ở đó, làn sóng này nhanh chóng lan rộng khắp khu vực. Những người biểu tình Ai Cập lật đổ nhà lãnh đạo cầm quyền trong suốt 30 năm Hosni Mubarak, dẫn đến tình trạng bạo loạn đẫm máu kéo dài đến nay. Trong khi đó, tinh thần phản kháng cũng bùng phát tại Syria, Algeria, Yemen, Jordan, Mauritania, Saudi Arabia, Oman, Sudan và Morocco.

Tuy nhiên, đáng chú ý nhất là cuộc giao chiến giữa quân đội của cựu Tổng thống Libya Gaddafi và quân nổi dậy với sự trợ giúp của NATO bằng chiến dịch không kích kéo dài tới 6 tháng. Kết cục là cái chết thảm nhà lãnh đạo suốt 42 năm Gaddafi sau khi bị bắt sống trong một ống cống ẩm thấp tại thành phố Sirte, Libya quê hương ông.

Cuộc cách mạng Mùa xuân Arab đến nay vẫn chưa tới hồi kết. Làn sóng biểu tình vẫn nổ ra mạnh mẽ ở nhiều quốc gia với hy vọng Mùa xuân Arab sẽ mở ra một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên của tự do và thịnh vượng.

Tuy nhiên, sự thành công của Mùa xuân Arab không chỉ gói gọn trong những thành công nhất thời ấy. Điều quan trọng hơn là, các nhà lãnh đạo mới của thế giới Arab tìm ra được hướng đi mới cho đất nước mình, giải quyết những khó khăn nghiêm trọng trước mắt và xây dựng lại thể chế chính trị đã bị tàn phá trong nhiều thập kỷ qua, lập lại trật tự xã hội trong tình trạng đầy hỗn loạn.

Nói cách khác, ước mơ về Mùa xuân Arab chỉ thực sự đến khi những bất ổn chính trị được đẩy lùi, cải cách kinh tế được thực hiện và mùa xuân ấy sẽ không bao giờ trọn vẹn nếu những nhà lãnh đạo mới không biết bảo vệ thành quả mà cuộc cách mạng hao tổn bao máu và nước mắt của người dân mang lại.

Biểu tình Chiếm phố Wall

Phong trào biểu tình Chiếm phố Wall bắt đầu từ ngày 17-9, khi một số người dựng trại để phản đối ngay trước thị trường chứng khoán New York.

Họ thể hiện sự tức giận trước nền kinh tế đang lung lay của nước Mỹ, cũng như sự phẫn nộ đối với những chính sách đã và đang mang lại lợi ích cho thiểu số 1% giới chủ ngân hàng và tầng lớp thượng lưu trong khi gánh nặng nợ lại di người đóng thuế Mỹ phải trả.

Lý tưởng phản đối sự bất công, chênh lệch giàu nghèo... của những người khởi xướng phong trào Chiếm Phố Wall lôi cuốn thêm nhiều tầng lớp nhân dân, tổ chức công đoàn, tổ chức xã hội tham gia.

Được sự tiếp sức của đông đảo người dân Mỹ, phong trào Chiếm Phố Wall có thêm động lực để tiến thêm bước mới là Đóng cửa Phố Wall như tuyên ngôn của những người biểu tình: "Chúng tôi sẽ không nhổ trại cho tới khi đóng được cửa Phố Wall".

Và như thế, những đánh giá ban đầu cho rằng cuộc biểu tình tự phát với vài chục người tham gia này sẽ nhanh chóng tan biến trong ngồn ngộn công việc và sự kiện diễn ra mỗi ngày tại quốc gia giàu mạnh nhất thế giới đã hoàn toàn sai lầm.

Không chỉ vậy, từ cuộc biểu tình chống những chính sách ưu đãi cho 1% người giàu ở Mỹ này, phong trào biểu tình Chiếm phố Wall còn lan ra toàn cầu, với sự hưởng ứng của hàng nghìn người dân tại các quốc gia và vùng lãnh thổ như Anh, Italy, Australia, Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan…

Hiện chưa rõ kết cục phong trào Chiếm Phố Wall sẽ diễn tiến đến đâu, nhưng theo nhiều nhà phân tích, phong trào này đang đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử nước Mỹ. Hơn thế, Chiếm Phố Wall không còn là câu chuyện riêng của nước Mỹ mà nó thực sự là tiếng chuông cảnh tỉnh nhiều nước trên thế giới về bộ mặt thật của giới tư bản tài chính.

Khủng bố kép tại Na Uy

Đất nước Bắc Âu nổi tiếng yên bình với xã hội cởi mở và người dân không thấy có lý do phải tự bảo vệ mình. Tuy nhiên, tất cả đã thay đổi khi chỉ trong một ngày, Na Uy chìm trong hai vụ khủng bố đẫm máu mang tính lịch sử.

Vụ tấn công thứ nhất xảy ra vào chiều 22-7 ở khu vực trung tâm Thủ đô Oslo khi một chiếc ô tô đậu gần tòa nhà Chính phủ bất ngờ phát nổ, khiến 7 người thiệt mạng và gây hư hại nặng cho văn phòng Thủ tướng.

Sau đó vài giờ là vụ xả súng kinh hoàng vào một trại hè thường niên do đảng Lao động của Thủ tướng Jens Stoltenberg tổ chức trên đảo Utoeya, Tây Bắc Oslo làm 80 người thiệt mạng.

Sự việc này được cho là có tính toán và lên kế hoạch khá cụ thể vì Thủ tướng Na Uy theo dự kiến sẽ có bài phát biểu trước 560 người có mặt tại trại hè trên.

Cả thế giới bàng hoàng vì bạo lực mang bóng dáng của khủng bố đã lan đến một trong những quốc gia bình yên nhất thế giới và là quê hương của giải Nobel Hòa bình.

Kể từ chiến tranh thế giới thứ 2, đất nước thanh bình ở Bắc Âu này chưa từng hứng chịu bất cứ hành động bạo lực nào tương tự.

Sự bình yên trong suốt một thời gian dài của Na Uy không phải vì nước này giỏi trong việc tự bảo vệ mình, mà phần nhiều là do chính sách của nước này tránh xa các cuộc xung đột quốc tế. Dù là thành viên của khối quân sự NATO từ lâu, nước này gần đây mới bắt đầu tham gia các chiến dịch quân sự tại Afghanistan và Libya.

Xã hội Na Uy hoàn toàn cởi mở với các nền văn hoá và tôn giáo khác nhau và vấn đề an ninh tại đây từng được nhiều người nước ngoài mơ ước. Các thành viên trong Hoàng gia Na Uy thường tự do đi lại với sự hỗ trợ rất hạn chế của lực lượng an ninh tại các thành phố cũng như trong các kỳ nghỉ bên bờ biển hoặc vùng đồi núi.

Đối với người Na Uy, sống trong một xã hội mở và thanh bình như vậy không chỉ là một đặc ân mà còn là lời tuyên bố đối với thế giới rằng, đó chính là nơi cho thấy mọi người có thể sống trong hoà bình như thế nào.

Tuy nhiên, vụ khủng bố kép đã phần nào đánh động những vấn đề an ninh của Na Uy và quan điểm về sự an toàn tuyệt đối của Na Uy có thể sẽ thay đổi nhanh chóng và toàn diện.

Thảm họa động đất – sóng thần tại Nhật Bản

Bên cạnh thảm họa do con người tạo ra, thế giới cũng phải chứng kiến những thiên tai kinh hoàng trong năm 2011 này.

Nhiều tháng trôi qua, nhân dân Nhật Bản vẫn chưa hết bàng hoàng về sức hủy diệt kinh hoàng của thảm họa động đất 9,0 độ ritcher gây sóng thần dọc bờ biển Thái Bình Dương.

Trận động đất chính xảy ra ở tây Thái Bình Dương, cách tỉnh Sendai, Honsu của Nhật Bản 130km. Theo Cơ quan Địa chất Mỹ, tâm chấn cách Thủ đô Tokyo 373 km về phía Đông Bắc và ở độ sâu 10km dưới đáy biển. Vỏ trái đất bị đứt gãy thành vệt dài 500km, rộng 200km, tạo ra sóng thần dữ dội.

Ban đầu, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cảnh báo sóng thần cao 6m ở khu vực bờ biển Thái Bình Dương, trong đó có tỉnh Iwate, đồng thời ra lệnh sơ tán ở mức cao nhất ở vùng bờ biển. Thực tế, cột sóng ập vào bờ đo được là có chiều cao 10m. Cảnh báo sóng thần còn được phát đi ở 50 quốc gia và vùng lãnh thổ bên bờ Thái Bình Dương.

Giới chức Nhật Bản xác nhận có 15.790 người chết, 5.933 người bị thương và 4.056 người mất tích. Ba tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất là Fukushima, Miyagi và Iwate.

Không chỉ vậy, động đất sóng thần còn phá hủy nhà máy điện hạt nhân khiến Nhật Bản rơi vào cuộc khủng hoảng hạt nhân trầm trọng. Nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi bị mất điện, dẫn tới việc lõi hạt nhân ở ba lò phản ứng bị tan chảy, phóng xạ rò rỉ ra không khí và nước nhiễm xạ chảy ra ngoài biển.

Tuy nhiên, ánh lên trong cơn nguy kịch đó là tinh thần của Nhật Bản. Người dân Nhật đã cho cả thế giới thấy được tinh thần đoàn kết chống lại thiên tai khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ.

Trận lụt lịch sử tại Thái Lan

Khốn khổ không kém Nhật Bản, người dân Thái Lan vừa phải đối phó với cơn "đại hồng thủy" tồi tệ nhất trong vòng nửa thế kỷ qua.

Từ cuối tháng 7, những cơn mưa lớn bắt đầu đổ xuống miền Bắc và các cao nguyên ở miền Trung của Thái Lan. Nước tích tụ từ những cơn mưa sau đó chảy vào các sông Chao Phraya, Chi và Mun, trước khi đổ tiếp vào sông Mekong, khiến mực nước tại các sông này lên cao. Tình hình càng nghiêm trọng hơn khi ảnh hưởng của cơn bão Nock-ten làm tăng lượng mưa ở miền Bắc và Đông Bắc Thái Lan, khiến tình trạng ngập lụt trên diện rộng nhanh chóng xảy ra.

Cuối tháng 8, những cơn mưa lớn vẫn không ngừng rơi do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina. Nhiều tỉnh phía Bắc và miền Trung Thái Lan bị ngập nặng, nhiều nơi thậm chí ghi nhận mức nước ngập cao kỷ lục trong nhiều thập kỷ.

Các hệ thống kiểm soát tiêu thoát nước, bao gồm các đập nước liên vòm, các kênh tưới tiêu và các hồ chứa nước đều hoạt động hết công suất, nhưng cuối cùng đã không đủ sức ngăn được dòng nước lụt dâng cao và đổ về phía Nam, tiếp đến là Thủ đô Bangkok, trung tâm chính trị, văn hoa và kinh tế của cả đất nước.

Theo số liệu của Cơ quan phòng ngừa thảm họa và giảm thiểu thiệt hại (DPMD) của Thái Lan, tính đến ngày 3-12, lũ lụt cướp đi sinh mạng của 666 người, làm ba người mất tích và hiện vẫn còn 16 tỉnh bị ngập lụt. Lũ lụt nghiêm trọng và kéo dài tác động mạnh tới sức khỏe thể chất và tinh thần của hơn hai triệu người với những biểu hiện căng thẳng của hơn 7.430 người, gần 9.550 người suy sụp tinh thần và 1.700 người có ý định tự tử.

Đám cưới hoàng gia Anh

Tuy nhiên, không phải mọi tin tức trong năm 2011 chỉ có một màu xám xịt. Vào tháng 4, thế giới chứng kiến một hôn lễ hoành tráng của Hoàng tử Anh William và Kate Middleton tại Westminster Abbey.

Đám cưới này là sự kiện thu hút sự quan tâm của cả thế giới. Khoảng 5.000 người đã cắm trại bên ngoài Tu viện Westminster suốt đêm để giữ chỗ, trong khi ước tính khoảng 600.000 người đổ về các con đường nơi có các hoạt động của lễ cưới.

Các hãng truyền thông thế giới cũng “phát sốt” trước những thông tin về sự kiện được mệnh danh là “lễ cưới thế kỷ” này.

Có tổng cộng 1.900 khách mời được dự nghi lễ trong Tu viện Westminster với nhiều thành phần khác nhau.

Trong số này có Thủ tướng Anh David Cameron, giới chính trị gia và những người nổi tiếng của Anh như cầu thủ David Beckham hay ca sĩ Elton John. Bên cạnh đó là đại diện các hoàng gia nước ngoài như Quốc vương Brunei, Hoàng tử Philip của Monaco, Vua Tonga.

Đám đông và giới truyền thông như vỡ oà với khoảnh khắc Kate trong váy cô dâu bước ra từ chiếc xe. Bí mật được chờ đợi từ lâu chính là chiếc váy cưới màu trắng, dài 2,17 mét, do nhà thiết kế Sarah Burton thực hiện. Cô xuất hiện và tươi cười vẫy chào đám đông bên ngoài tu viện, sau đó khoác tay cha bước vào bên trong lễ đường trong tiếng chuông ngân vang.

Khoảnh khắc linh thiêng nhất của lễ cưới diễn ra lúc 11h17 (giờ địa phương), khi William và Kate nói lời thề nguyện sống bên nhau trọn đời trước sự chứng kiến của chủ lễ là Tổng giám mục Canterbury, những người thân cùng quan khách trong khán phòng và đặc biệt là triệu triệu người trên khắp thế giới theo dõi qua truyền hình và internet.

Tổng hợp

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=360
Quay lên trên