Nhồi nhét năng khiếu cho trẻ: Đừng để quả non chín ép

Cập nhật: 07-01-2011 | 00:00:00

Không chỉ các bậc cha mẹ có con cái sớm bộc lộ “thiên tài”, là “thần đồng nhí” mới vội tìm cho con mình con đường trở thành “sao”, nhiều người trong chúng ta tuy con cái rất bình thường nhưng lại muốn nó phát triển... vượt bậc hơn bạn đồng trang lứa, hoặc ít ra cũng không thua kém bạn bè.

Học càng nhiều càng tốt

Không thể phủ nhận lợi ích của các lớp học năng khiếu, thông qua đó, phụ huynh có thể giúp trẻ có cơ hội bồi dưỡng, phát huy, khám phá khả năng của mình. Ví dụ như việc tham gia lớp học ca hát, múa, thể dục... có thể giúp trẻ vừa học vừa chơi, vận động cơ thể, rất có lợi cho sức khỏe và tâm lý như giúp trẻ tự tin hơn, dạn dĩ hơn. Tuy nhiên, việc học năng khiếu phải dựa trên sở thích, năng khiếu của trẻ. Không nên bắt trẻ học theo kiểu nhồi nhét, học theo sắp đặt của bố mẹ hay học theo phong trào.

  Nhiều bậc cha mẹ luôn muốn con mình giỏi giang và hơn người (Ảnh minh họa)

Bé Thảo Nhi, con của một chị bạn, mới học lớp 2 mà thấy bé còn vất vả hơn cả các anh chị học lớp 12. Thời khóa biểu từ sáng đến tối của cháu hầu như không còn chỗ trống. Từ sáng đến chiều, cháu học bán trú tại một trường quốc tế. Tối về, cháu lại được mẹ vội vàng chở đến các lớp học năng khiếu. Hai, tư, sáu thì học múa. Ba, năm, bảy thì học đàn... đó là chưa kể chủ nhật cháu còn phải học vẽ buổi sáng, còn buổi chiều thì học hát tại nhà cô giáo... Hỏi mẹ cháu rằng sao phải bắt cháu học dữ vậy? Chị trả lời tỉnh queo: “Phải học cho biết với người ta. Biết càng nhiều càng tốt”.

Sự ngây thơ bị đánh cắp

Xã hội ngày càng phát triển, các chương trình giải trí dành cho trẻ em ngày càng nhiều, đa dạng, hấp dẫn hơn và từ những chương trình đó có rất nhiều ngôi sao nhí được phát hiện và tỏa sáng. Gần đây, nhất là một số cuộc thi dành cho lứa tuổi thiếu nhi trên sóng truyền hình như: Một phút tỏa sáng, Đồ-Rê-Mí, Tiếng hát Măng Non... luôn tạo sự hấp dẫn không chỉ đối tượng trẻ em mà cả người lớn cũng hào hứng theo dõi và trong số họ có ước vọng một ngày nào đó con mình cũng tỏa sáng như thế.

Thấy bé Tin, cô con gái 4 tuổi của mình thích hát hò, nhảy múa suốt ngày, chị T.B.Phương, mẹ bé cứ đinh ninh rằng con mình có năng khiếu về âm nhạc. Chị bảo, bây chờ cháu lớn lên một chút chị sẽ cho cháu đi thi Đồ-Rê-Mí. Để thực hiện mơ ước đó, bây giờ chị mua hầu như tất cả đĩa nhạc của Xuân Mai, đĩa Đồ-Rê-Mí và một số đĩa của các ca sĩ nhí khác để bé Tin nghe, thuộc lời bài hát và biểu diễn lại y như vậy.

Không dừng ở đàn, hát, múa... trẻ em bây giờ còn được cha mẹ cho học các  môn đang “hot” như: vũ công, diễn viên, người mẫu... Có cung ắt có cầu, thế là từ đấy nhiều lò luyện, trung tâm dạy năng khiếu lần lượt ra đời với những lời quảng cáo, chào mời hấp dẫn như: để con bạn trở thành người nổi tiếng, các lớp năng khiếu dành cho “thần đồng”, phương pháp đào tạo chuyên nghiệp của Anh, Mỹ, Úc... làm nhiều bậc phụ huynh chóng hết cả mặt vì phải đắn đo lựa chọn môn học và sắp xếp thời gian cho con theo học.

Sai lầm phổ biến nhất của các bậc phụ huynh là luôn xem con mình là một người nổi tiếng. Từ sai lầm đó đã dẫn đến việc chính cha mẹ góp phần tước mất cơ hội để con cái được sống đúng bản chất là một đứa trẻ. Việc quan trọng nhất của trẻ là học tập. Học tập vừa là để học kiến thức, là cơ hội để được rèn luyện về ứng xử, về các mối quan hệ xã hội... Thiếu hụt kiến thức, các em sẽ chênh vênh khi bước vào đời. Nếu các em có tố chất của tài năng, đó là một điều vô cùng đáng mừng. Nhưng để thành hiện thực thì không phải một sớm một chiều mà phải có cả quá trình học tập, rèn luyện về kiến thức, ứng xử xã hội...

Chị Mỹ Hạnh, một chuyên viên tâm lý thuộc tổng đài 1080 cho biết: Tâm lý chung của các bậc phụ huynh là luôn muốn cho con mình thông minh, học giỏi càng nhiều lĩnh vực càng tốt và đó là ước muốn chính đáng. Tuy nhiên, cha mẹ cũng không nên ảo tưởng về năng khiếu của con mình. Trẻ em ở lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học có tâm lý thích học đàn, học hát, học vẽ là chuyện bình thường. Đừng tưởng con trẻ thích học cái này cái kia đã vội cho là có năng khiếu. Nhưng nếu đã phát hiện ra trẻ có năng khiếu đặc biệt trong một lĩnh vực nào đó, cha mẹ cần tạo điều kiện cho con tiếp xúc nhiều với lĩnh vực ấy. Tạo cho trẻ niềm say mê hứng thú, chứ không phải là gáng nặng thành tích, điểm số. Các lớp năng khiếu cũng là nơi giúp các em học sinh rèn luyện thể chất và phát triển năng khiếu của mình. Tuy nhiên, làm thế nào để các em thoải mái tham gia những lớp học mang tính chất “vừa học vừa chơi” này một cách đúng nghĩa là điều các bậc phụ huynh cần quan tâm đến. Phụ huynh hãy tạo điều kiện cho con tìm hiểu môn học một cách thoải mái và khoa học nhất để trẻ có khả năng phát huy sở trường của mình”.

NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=463
Quay lên trên
X