Những “bóng hồng” tần tảo, thủy chung

Cập nhật: 02-09-2015 | 07:32:00

Sau khi hòa bình lập lại, Bình Dương đã ban hành nhiều chính sách chăm lo đối tượng chính sách, người có công (NCC), đặc biệt là thương bệnh binh (TBB) nặng, gia đình liệt sĩ (LS). Thế nhưng, để vượt qua khó khăn trong cuộc sống, TBB, gia đình LS không thể thiếu vắng những “bóng hồng” tần tảo, chung thủy, sắt son một lòng chăm sóc chồng, các con, xây dựng kinh tế gia đình.

 

 Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Đã kể cho con cháu nghe sự hy sinh anh dũng của chồng con

 

“Đúng là rất nhiều người viết về chúng tôi, nhưng những người vợ của TBB thì rất ít, rất hiếm. Nói thật, thương binh (TB) như chúng tôi mà không có các bà ấy thì làm sao sống nổi”, lời tâm sự của TB 1/4 Nguyễn Văn Sơn, xã Thanh An (Dầu Tiếng) thay lời cảm ơn sâu sắc dành cho vợ mình. Tham gia cách mạng năm 1968, trong một trận đánh tại Dầu Tiếng, ông bị địch phục kích và bị thương. Sau khi tỉnh dậy, ông thấy đau, khi nhìn xuống mới biết 2 chân của ông đã bị cắt bỏ do trúng mìn. Lúc này, ông như sụp đổ hoàn toàn, mất đi niềm tin cuộc sống. Cũng thời khắc đó, bà Trương Thị Nguyệt đã đến với ông không hề do dự. Mất đi đôi chân, đi lại khó khăn, nên ông ở nhà phụ bà những việc nhỏ, còn bà cùng chị em trong làng làm kinh tế, tiếp tế lương thực cho bộ đội. Cứ thế, cuộc sống ông bà êm đềm trôi qua và lần lượt 3 người con ra đời. Giờ đây, các con đã lớn khôn, có việc làm ổn định. Thế nhưng, ông không bao giờ quên ơn người vợ tần tảo luôn ở bên mình.

Những tưởng mất mát, đau đớn cùng cực sẽ khiến những người vợ LS không còn nghị lực để đứng lên. Nhưng chính khắc nghiệt của cuộc sống đã tôi luyện để họ vượt qua tất cả. Trò chuyện với chúng tôi trong căn nhà nằm sâu trong con hẻm, mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Đã (ấp Bến Liễu, xã Phú An, TX.Bến Cát) tâm sự, năm 1971 giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc đang diễn ra ác liệt, chồng mẹ - ông Võ Văn Chánh tham gia kháng chiến và hy sinh, để lại cho mẹ 10 người con nhỏ. Một năm sau (1972), người anh trai Võ Văn Minh tham gia du kích xã Phú An cũng hy sinh. Hai năm, mẹ chịu đựng nỗi đau vì mất đi 2 người thân trong gia đình. Thế nhưng, mẹ cũng như những người phụ nữ thời đó luôn kiên định, dù đau thương vẫn không mềm lòng. Mẹ và các chị em phụ nữ xã tiếp tục làm kinh tế, góp gạo nuôi quân, nuôi các con khôn lớn. Anh Võ Văn Vững, con trai mẹ nói: “Ngày chúng tôi khôn lớn, lập gia đình và hạnh phúc bên gia đình nhỏ, mà thấy thương mẹ đơn thân. Nhiều đêm giật mình thức giấc, tôi thấy mẹ đứng trước di ảnh cha, anh khóc mà thấy thương mẹ vô cùng”.

Nhiều, thật nhiều trường hợp cũng tương tự như thế! Dù mỗi người có hoàn cảnh khác nhau, nhưng ai cũng có điểm chung ở họ là sự đảm đang, tần tảo, đức hy sinh, lòng vị tha và nghị lực phi thường. Thể hiện những tình cảm đó, Bình Dương đã ban hành nhiều chính sách chăm lo TBB, gia đình LS và người có công (NCC) với cách mạng.

Từ khi được thành lập, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp đã có những hoạt động thiết thực động viên giúp các mẹ, các chị vượt qua nỗi đau mất mát, vươn lên trong cuộc sống. Ngoài những chính sách của Đảng, Nhà nước, thời gian qua, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ trong tỉnh thường xuyên thăm hỏi và có nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa như tặng quà, tặng sổ tiết kiệm; giúp nhau xóa đói, giảm nghèo... Về phía Hội Chữ thập đỏ tỉnh cũng đã tổ chức nhiều đợt khám, phát thuốc cho gia đình chính sách, gia đình NCC. Từ đó, giúp họ sống vui, sống khỏe bên con cháu.

Với nhiệm vụ chăm lo cho đối tượng chính sách, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cũng xây tặng nhà tình nghĩa; tặng sổ tiết kiệm; hỗ trợ xe lăn, xe lắc; miễn giảm học phí cho con em TBB, con em gia đình LS; tạo việc làm cho con em, gia đình LS… Cụ thể, trước khi có chính sách của Nhà nước quy định, Bình Dương đã cân đối ngân sách mua bảo hiểm y tếhàng năm cho 1.797 vợ (hoặc chồng) của TBB đã hết tuổi lao động, con TBB dưới 18 tuổi hoặc trên 18 tuổi nhưng còn đang đi học, 175 con LS đã hết tuổi lao động 1.522 thân nhân chủ yếu của LS đã hết tuổi lao động.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phùng Chí Lập, Trưởng phòng NCC của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, mặc dù trải qua khó khăn, thử thách trong cuộc sống, nhưng những người vợ TB, vợ LS đã cùng chồng, con vượt qua mất mát trở thành những điển hình, như vợ chồng TB Cao văn Hóa (TX. Bến Cát), vợ chồng TB Phan Bình (TX. Thuận An) không cam chịu đói nghèo luôn vươn lên xây dựng cuộc sống khá giả. Nhiều TBB và gia đình LS vẫn tiếp tục cống hiến sức lực của mình để làm giàu cho đất nước trở thành những nhà quản lý kinh tế giỏi, đồng thời tiếp tục thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ hộ nghèo, đem lại việc làm cho nhiều người. Và còn rất nhiều các gia đình tiêu biểu khác luôn xứng đáng là người công dân kiểu mẫu, gia đình cách mạng gương mẫu, là tấm gương tiêu biểu cho mọi người noi theo.

THIÊN LÝ 

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=495
Quay lên trên