Những câu chuyện... từ trang nhật ký

Cập nhật: 24-06-2011 | 00:00:00

Hàng trăm cuốn nhật ký, sổ vàng làm theo lời Bác được triển lãm tại Liên hoan Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác đã trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của nhiều bạn trẻ. Mỗi trang nhật ký là những dòng cảm xúc, tâm tình của thế hệ thanh niên sôi nổi và đầy nhiệt huyết...

Một bạn học sinh thuộc Đoàn trường THPT Thái Hòa (Tân Uyên) đã mở đầu những trang nhật ký “Làm theo lời Bác” của mình bằng những lời tâm sự thân thương. Trước đây, bạn ấy chưa bao giờ quan tâm đến công việc của ba mẹ. Từ khi đọc được câu chuyện về tinh thần tiết kiệm của Bác đã khiến người bạn nhỏ suy nghĩ thật nhiều về cách tiêu xài hoang phí của mình. Mỗi đầu năm học “dù đồ đạc của năm trước vẫn còn sử dụng được và rất mới nhưng tôi vẫn đòi ba mẹ mua cho bộ mới mà không quan tâm rằng món đồ đó có cần thiết hay không...”, bạn ấy cho biết thêm.

  Các bạn trẻ chăm chú đọc những câu chuyện làm theo lời Bác trong trang nhật kýNhững câu chuyện kể về đức tính tiết kiệm của Bác Hồ đã thôi thúc nhiều bạn học sinh trường THPT Thái Hòa thay đổi cách suy nghĩ, biết tiết kiệm chi tiêu và để dành tiền giúp các bạn học sinh nghèo hiếu học tiếp tục ước mơ đến trường. Bạn Dương Hồng Ánh tâm sự: “Ngẫm lời Bác dạy, mỗi khi có ý định mua một món đồ, mình thường cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định. Ở trường, mình cũng vận động các bạn tận dụng những phế phẩm để tái chế thành những món đồ xinh xinh như lấy vỏ lon, ống hút làm bình cắm hoa, hộp bút hay gom quần áo cũ tặng bạn nghèo ở vùng sâu vùng xa...”; những việc làm ấy tuy rất nhỏ nhưng có ý nghĩa đặc biệt đối với các bạn học sinh.

Khác với các bạn học sinh trường THPT Thái Hòa, câu chuyện photo sách của một bạn ĐVTN thuộc Thị đoàn Dĩ An làm chúng ta phải suy ngẫm về cách học tập theo lời Bác. Bạn viết trong trang nhật ký: “Bắt đầu từ ngày chủ nhật xanh, anh em xúm nhau vào dọn dẹp nơi lưu trữ giấy tờ đã qua sử dụng. Ngồi nhẫm tính, số giấy này cũng được vài trăm ngàn đồng. Câu hỏi đặt ra, tại sao chúng ta không tận dụng mặt giấy trắng còn lại rồi hãy mang đi bán giấy vụn? Thế là mọi người bàn bạc, phân loại công văn, giấy tờ để tận dụng nguồn giấy trắng còn lại. Ý kiến đưa ra được trưởng phòng chấp thuận và từ số tiền tiết kiệm ban đầu vốn chỉ vài chục ngàn nhưng sau đó lại biến thành số tiền lớn khiến mọi người càng thêm phấn khởi. Giờ đây, thói quen tận dụng giấy một mặt ở nơi mình công tác đã trở nên khá phổ biến, ăn sâu vào tiềm thức của mỗi cán bộ, nhân viên.”

 Câu chuyện “Chăm sóc nuôi dưỡng trẻ suy dinh dưỡng” của chị Trần Thị Xuân, Chi đoàn Mầm non (xã Tân Thành, Tân Uyên) thì thấm đượm tấm lòng nhân ái. Đảm nhận công trình chăm sóc giáo dục trẻ suy dinh dưỡng, một công việc tương đối khó khăn nhưng chị luôn hào hứng khi nhắc đến nhóm trẻ này. Chị Xuân bộc bạch trong trang nhật ký của mình: “Nắm vững tâm sinh lý trẻ, mình luôn mài mò tìm hiểu các món ăn cho trẻ suy dinh dưỡng giúp các bé ăn ngon, ăn hết khẩu phần và tạo sự phấn khởi vui tươi trong bữa ăn. Cứ thế ngày qua ngày, thông qua danh sách cân đo sức khỏe trẻ, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở chi đoàn mình đã giảm hẳn, là nguồn động viên tinh thần cho chúng mình tiếp bước, góp một phần công sức nhỏ bé vào sự phát triển trẻ em. Đó là chưa kể đến việc phối hợp với phụ huynh của trẻ nhằm thực hiện chế độ dinh dưỡng tốt nhất”. 

Em Đặng Phạm Thanh Nhàn, học sinh Trường THCS Trần Hưng Đạo (Phú Giáo) kể trên trang giấy: “Khi biết chia sẻ yêu thương là lúc tôi biết lắng nghe những mảnh đời bất hạnh, biết đau khi thấy đồng bào miền Trung bị lũ lụt, biết nhịn quà sáng để mua gói tăm, cây thước ủng hộ người khuyết tật, biết thu gom từng mảnh giấy vụn cho kế hoạch nhỏ và biết vui khi thấy những xuất học bổng được trao”. Hay như một bạn học sinh ở trường THPT Thái Hòa giúp đỡ cô bán cam trên con đường mưa ướt sũng đã cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn khi biết quan tâm đến mọi người xung quanh.

Và còn rất nhiều, rất nhiều câu chuyện đầy ý nghĩa trong những trang nhật ký “Làm theo lời Bác” cho thấy, cuộc vận động “Tuổi trẻ học tập và làm theo lời Bác” đã phổ biến sâu rộng trong mọi hoạt động và trở thành một việc làm có ý nghĩa, sâu đậm tính nhân văn trong lòng mỗi bạn trẻ.

KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=430
Quay lên trên