Họ là những người trực tiếp tham gia kháng chiến, cùng đồng chí, đồng đội, đồng bào vượt qua mọi hiểm nguy, gian khổ, sẵn sàng chấp nhận hy sinh giành lại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Trong ngày họp mặt sau 40 năm giải phóng miền Nam, những nhân chứng lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ lại trào dâng những cảm xúc về một thời hào hùng và rực lửa nhiệt huyết.
Những người kháng chiến năm xưa trong dịp họp mặt kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: Q.CHIẾN
Ông Nguyễn Văn Lực, nguyên Bí thư Đảng ủy phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một, là người từng tham gia những trận đánh hiệp đồng với quân chủ lực để giải phóng địa phương tại cánh phía nam Thủ Dầu Một. Ông kể, lúc đó khí thế của quân và dân ta rất sôi sục. Trên tuyến quốc lộ 13, quân địch bỏ vũ khí trốn chạy khắp nơi, nhân dân ai cũng nhiệt tình ủng hộ và cùng chung tay góp sức để giải phóng quê hương, tạo nên khí thế rất hào hùng trong ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. “Sau 40 năm qua, hôm nay có thể nói, khí thế ấy lại đang sống lại nguyên vẹn trong những người lính chúng tôi. Bây giờ, nhìn lại thấy sự đổi thay của đất và người Bình Dương nói chung và của TP.Thủ Dầu Một nói riêng, tôi cho rằng đây là một sự đổi thay kỳ diệu, thể hiện sự lãnh đạo tài tình, toàn diện của Đảng, sự quản lý điều hành chặt chẽ của chính quyền các cấp, sự đồng tâm hiệp lực của nhân dân… Tôi rất đỗi vui mừng. Những lớp thanh niên như chúng tôi ngày ấy vẫn luôn tự hào, dù gian khổ, khó khăn nhưng chúng tôi đã vượt qua tất cả để chiến đấu, chiến thắng kẻ thù, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tôi mong rằng, lớp trẻ hôm nay cần phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ, ra sức học tập, trau dồi bản lĩnh chính trị vững vàng, gìn giữ và phát huy truyền thống cách mạng để cùng góp sức xây dựng Bình Dương ngày càng phát triển toàn diện”, ông Lực tâm sự.
Còn bà Đồng Thị Hương, nữ cán bộ kháng chiến tỉnh Thủ Dầu Một năm xưa, hiện ở khu phố Tân Lương, phường Thạnh Phước, TX.Tân Uyên lại kể về công tác dân vận trong thời kỳ kháng chiến. Thời điểm trước năm 1968, bà Hương đã bắt đầu tham gia công tác binh vận, xây dựng vững chắc hậu phương. Bà vận động đoàn viên thanh niên, phụ nữ tránh lính và nắm tình hình địch; đồng thời làm công tác tư tưởng, kêu gọi gia đình có con em là binh sĩ ngụy trở về với cách mạng. Những hoạt động của bà khi đó đã làm dao động mạnh mẽ tư tưởng của lính ngụy, khiến địch tuyên bố treo thưởng cho ai bắt được bà. Và dù bị địch bắt hai lần, tra tấn, đánh đập dã man nhưng bà vẫn giữ vững khí tiết của người cách mạng, nhất quyết không chịu chiêu hồi. Bà Hương nói: “Công tác binh vận đã làm bớt đổ xương máu của đồng bào. Nhiều binh sĩ ngụy đã bỏ súng đầu hàng, làm nội gián cho ta để cùng cách mạng giải phóng đất nước. Làm công tác dân vận là tạo ra một hậu phương vững chắc. Vì vậy, ở thời nào, muốn làm tốt công tác dân vận thì người cán bộ phải quan tâm, sâu sát với dân, tạo sự gắn bó máu thịt giữa cán bộ với dân”.
Không giấu được cảm xúc ngày gặp mặt trong không khí chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, bà Nguyễn Thị Hoa, một nữ kháng chiến chống Mỹ ở phường Chánh Mỹ, TP.Thủ Dầu Một nói: “Đã 40 năm rồi mà tôi cứ ngỡ như mới hôm qua. Bởi những vết thương chiến tranh, những trận đòn roi, tra tấn dã man vẫn thường xuyên nhức nhối”. Trong quá trình tham gia kháng chiến, bà Hoa đã trải qua gần 16 năm bị giam trong ngục tù Mỹ - ngụy. Mỗi nhà tù đi qua là những trận đòn tra tấn vô cùng dã man của địch. Bà Nguyễn Thị Hoa kể: “Tháng 6-1959, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một điều bà về làm Phó Bí thư Huyện ủy Lái Thiêu. Thời kỳ này, Mỹ - Diệm đã ban hành Luật 10-59, một thứ luật tàn bạo, dã man hòng tiêu diệt những người cộng sản, những người kháng chiến. Chúng lê máy chém đi khắp nơi để hù dọa, trấn áp tinh thần của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Bọn tề ngụy, mật vụ, lính tráng đi đến đâu cũng rêu rao: Ai chứa chấp Việt Cộng trong nhà nếu bị chúng bắt được sẽ tịch thu tài sản, tù đày không ngày về. Nhiều cán bộ, đảng viên bị bắt bớ, tù đày, bắn giết, cơ sở cách mạng bị tổn thất nghiêm trọng”. Vì vậy, khi bà về Lái Thiêu nhận nhiệm vụ, Huyện ủy chỉ còn 4 cán bộ. Để hoạt động bán hợp pháp ban ngày nhằm móc nối quần chúng tốt, nắm tình hình hoạt động của địch, xây dựng cơ sở cách mạng, hướng dẫn bà con đấu tranh hợp pháp, trực diện với địch, khi thì bà giả dạng đi thăm bệnh, đám cưới, buôn thúng bán bưng… Đêm 8-11- 1959, bà Hoa bị bắt tại ấp Thạnh Quý (thị trấn An Thạnh), từ đó đến ngày giải phóng, bà đã bị đày ải qua 8 nhà tù. Dù chiến tranh đã lùi xa, câu chuyện “tù đày” đã trải qua mấy chục năm nhưng mỗi khi nhắc lại lòng, bà Hoa vẫn còn quặn thắt. Bà nói: “Không có thứ cực hình nào mà tôi không từng nếm trải nhưng với ý chí của một người cộng sản, tôi đã chịu đựng, không hề khai ra một lời. Và hôm nay, trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, tôi tự thấy mình không hỗ thẹn với lời thề trung thành với Đảng…”.
Không chỉ chia sẻ về những dòng hồi ức về một thời rực lửa trong kháng chiến, cựu chiến binh Lê Hoàng Kế, sinh năm 1937, ấp Trảng Sắn, xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo, còn bày tỏ sự ngạc nhiên, vui mừng trước sự đổi thay kỳ diệu của vùng đất vốn là chiến trường ác liệt năm nào. Trong những ngày cuối tháng tư lịch sử năm 1975, ông được giao nhiệm vụ làm Chủ tịch quân quản huyện Long Thành, Đồng Nai. Lúc này, nhiệm vụ của ông là làm hậu cứ để bảo vệ tuyến sau cho tuyến trước chiến đấu; đồng thời sẵn sàng tiếp tế đầy đủ lương thực cho lực lượng tiền tuyến tiến công vào giải phóng Sài Gòn. Trước sự rệu rã của kẻ thù và trước khí thế tiến công mạnh mẽ, lực lượng của ta ai nấy đều phấn khởi, dù rất mỏi mệt nhưng tất cả vẫn hăng hái tiến lên phía trước để sẵn sàng chiến đấu. Trong niềm xúc động, ông bảo: “Chiến tranh thật sự tàn khốc. Tôi dường như vẫn chưa thể tin được Bình Dương lại đột phá trong phát triển kinh tế như bây giờ. Ngày xưa, không ai có thể mường tượng ra được một Bình Dương công nghiệp hóa, hiện đại hóa hôm nay…”. Từ năm 1990, sau khi nghỉ hưu, thấy Sông Bé - Bình Dương là vùng “đất lành chim đậu” ông đã chọn nơi đây lập nghiệp. Gắn bó với vùng đất này trên 25 năm, ông rất vui mừng vì thấy sau đổi mới, Sông Bé - Bình Dương đã đạt được tốc độ phát triển kinh tế - xã hội rất nhanh. “Sau 40 năm, Bình Dương hôm nay đang hướng tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020. Thành phố mới Bình Dương đang hiện hữu đã thể hiện được tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo tỉnh nhà, mở ra hướng phát triển hiện đại, năng động của Bình Dương trong tương lai. Bên cạnh việc phát triển kinh tế, tỉnh cũng rất quan tam đến việc chăm lo bảo đảm an sinh xã hội, nhất là đối với các đối tượng thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình có công với cách mạng...”, ông Kế nói.
CAO SƠN - HỒ VĂN