Những điểm nhấn qua các kỳ đại hội - Bài 14

Cập nhật: 02-10-2015 | 09:09:58

Bài 14: Thương mại, dịch vụ phát triển nhanh chóng

Từ khi được tái thành lập (1997), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương đã kiên trì mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa nền kinh tế của địa phương phát triển mạnh theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp gắn liền với đô thị hóa, quy hoạch phát triển Bình Dương thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020. Với tốc độ công nghiệp hóa nhanh và mạnh, lĩnh vực thương mại - dịch vụ (TM-DV) của tỉnh cũng phát triển không ngừng, như là một hệ quả tất yếu bởi nguyên lý phát triển liên ngành.

Trong giai đoạn 2005 - 2010, loại hình dịch vụ tài chính - ngân hàng bắt đầu phát triển mạnh tại Bình Dương. Trong ảnh: “Phố ngân hàng” trên đại lộ Bình Dương Ảnh: P.V

Đại hội (ĐH) Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ VII (năm 2001) đã đề ra mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010 là: Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, hội nhập kinh tế với vùng và khu vực; biến tiềm năng thành lợi thế so sánh để thu hút đầu tư; chú trọng phát triển công nghệ hiện đại, tiên tiến sản xuất hàng hóa có sức cạnh tranh cao; giữ vững và nâng cao vai trò, vị trí của tỉnh trong công cuộc phát triển của vùng kinh tế động lực. Tiếp đó, Nghị quyết ĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII (năm 2005) đặt mục tiêu tổng quát của giai đoạn 2005-2010 là “Tạo ra bước đột phá mới nhằm đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, nâng cao mức sống dân cư”, “tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao và bền vững gắn với phát triển văn hóa - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh”... Đặc biệt, nghị quyết cũng nhấn mạnh: “Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng mạnh tỷ trọng dịch vụ, ổn định tỷ trọng công nghiệp và giảm tỷ trọng nông nghiệp”, “đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, hình thành các thị trường tài chính, bất động sản”…

Cũng trong giai đoạn 2005-2010, nhiều trung tâm thương mại siêu thị, trong đó có hệ thống Siêu thị Co.op Mart đã xuất hiện tại địa phương, góp phần đưa lĩnh vực TM-DV của tỉnh phát triển theo hướng hiện đại Ảnh: P.V

Bám sát những mục tiêu tổng quát từng giai đoạn cũng như trong cả thời kỳ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào điều kiện cụ thể của địa phương và đã đạt được những kết quả to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, đưa Bình Dương trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Cùng với sự tăng trưởng kinh tế, các ngành dịch vụ được mở rộng và chất lượng phục vụ được nâng lên, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế và đời sống nhân dân. Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng trung bình 10% trong giai đoạn 1997-2000, 15% trong giai đoạn 2001-2005 và 24,1% trong giai đoạn 2006- 2010. Các hoạt động TM-DV thu hút sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế.

Giai đoạn 2005-2010, các ngành dịch vụ như: Bưu chính - viễn thông, tài chính - ngân hàng, công nghệ thông tin, điện, cấp nước, vận tải chuyên dùng, thương mại, du lịch, dạy nghề… phát triển mạnh, đa dạng với nhiều thành phần kinh tế tham gia, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh.

Trong năm 2010, tỉnh đã đưa vào sử dụng 6 chợ (trong đó nâng cấp 4 chợ, xây mới 2 chợ) nâng số chợ đầu tư theo quy hoạch là 83 chợ. Toàn tỉnh đã có 13 siêu thị (không tính 5 siêu thị chuyên doanh); 5 TTTM với quy mô đầu tư theo tiêu chuẩn loại II và III. Các TTTM đã đi vào hoạt động từng bước hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại, nâng cao chất lượng các hình thức kinh doanh, mua sắm, vui chơi giải trí trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, có 7 dự án siêu thị, TTTM đang đầu tư và 7 dự án đã được UBND tỉnh cấp phép nhưng chưa triển khai. Bên cạnh còn có một số doanh nghiệp đầu tư xây dựng cửa hàng phân phối bán lẻ, showroom mang lại hiệu quả cao góp phần phát triển TM-DV của địa phương.

Trong năm 2010, tổng mức bán lẻ hàng hóa của tỉnh thực hiện đạt trên 44.130 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2009. Các hoạt động xây dựng, phát triển mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM) trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến và đạt được những kết quả quan trọng. Ngành công thương và các cấp chính quyền đã có nhiều chính sách ưu đãi và hỗ trợ thiết thực nhằm khuyến khích doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực chợ, siêu thị, TTTM. Do đó, năm 2010 là năm có nhiều kết quả nhất trong việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng TM-DV, tạo đà phát triển cho những năm tiếp theo.

Trong giai đoạn 2005-2010, Bình Dương cũng đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển cơ sở hạ tầng về tài chính, tín dụng và TM-DV. Hàng chục ngân hàng trong và ngoài nước đã thiết lập chi nhánh ở Bình Dương (Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam - BIDV, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - VCB, Ngân hàng Xuất nhập khẩu - Eximbank, Ngân hàng Á Châu - ACB...). Nhiều tập đoàn thương mại lớn của cả nước đã đầu tư phát triển hệ thống siêu thị, xây dựng TTTM ở Bình Dương như: Co.opmart; Citimart, Big C, Metro... Dịch vụ bưu chính viễn thông cũng phát triển nhanh, mạng lưới viễn thông trong tỉnh đã được hiện đại hóa. Các phương tiện thông tin hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế đã được đầu tư, ứng dụng, đáp ứng nhu cầu thông tin, giao dịch thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế trên địa bàn tỉnh.

Bình Dương cũng tập trung đầu tư nhiều công trình hạ tầng, cải tạo và nâng cấp các chợ truyền thống, tạo quỹ đất sạch để mời gọi đầu tư ngành TM-DV. Qua đó đạt được nhiều thành tựu đáng kể cả về số lượng và chất lượng, góp phần tăng tỷ trọng ngành TM-DV trong cơ cấu kinh tế. Các dịch vụ du lịch, lưu trú, lữ hành, dịch vụ viễn thông và các dịch vụ khác từng bước phát triển. Nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách được đáp ứng tốt; dịch vụ kho vận, logistics bước đầu phát triển thuận lợi với nhiều nhà đầu tư tham gia. Cơ sở hạ tầng văn hóa, thể thao được quan tâm đầu tư và phát triển cả từ nguồn ngân sách lẫn huy động các thành phần kinh tế tham gia. Hình thành nhiều cơ sở khám chữa bệnh theo hướng xã hội hóa với chất lượng cao, hiện đại. Nhiều cơ sở giáo dục, đào tạo từ cấp học mầm non đến đại học đã đi vào hoạt động, chất lượng giáo dục và dạy nghề từng bước được nâng cao. Nhiều dịch vụ mới, cao cấp như: nhà ở, tư vấn quản lý dự án, bất động sản, chứng khoán và một số dịch vụ thiết yếu bước đầu được hình thành tạo cơ sở quan trọng để phát triển đô thị trên toàn tỉnh.

Có thể nói, trong giai đoạn 2005-2010, lĩnh vực TM-DV của Bình Dương phát triển mạnh mẽ, góp phần thay đổi đáng kể bức tranh kinh tế tỉnh nhà. Với sự chỉ đạo xuyên suốt, kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, hệ thống hạ tầng TM-DV đã được quan tâm đầu tư, tạo tiền đề phát triển, từ đó, thu hút được các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước mạnh dạn đầu tư phát triển TM-DV trên địa bàn tỉnh trong những năm tiếp theo. (còn tiếp)

 

 

 NGỌC THANH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1129
Quay lên trên