Những điểm nhấn qua các kỳ đại hội – Bài 11

Cập nhật: 29-09-2015 | 06:36:57

Bài 11: Bước đột phá trong phát triển kinh tế

Thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng, bằng sự năng động và sáng tạo, tỉnh đã huy động tối đa mọi nguồn lực vào phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, đạt tốc độ tăng trưởng cao và trở thành một trong những ngọn cờ đầu đổi mới trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Thành quả đó có được một phần lớn là nhờ tỉnh đã thực hiện quyết liệt các biện pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp. Trong những năm cuối thập niên 90, nhiều khu công nghiệp tập trung tiếp tục ra đời để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó có Khu công nghiệp (KCN) Việt Nam - Singapore (VSIP).

 Công nghiệp - những bước tiến dài

Ngày 1-1-1997, tỉnh Bình Dương chính thức được tái lập. Bước vào xây dựng tỉnh mới, Bình Dương có những thuận lợi cơ bản, đó là Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng và các nghị quyết Hội nghị Trung ương 2, 3 (khóa VIII) tiếp tục khẳng định và cụ thể hóa đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng. Các cơ chế và chính sách về kinh tế - xã hội đang dần dần hoàn thiện. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã thu được những kết quả nhất định, tạo cơ sở để tiếp tục phát triển. Trên cơ sở những thuận lợi đó và phát huy những thành quả đạt được trong nhiệm kỳ 1991-1996, Đảng bộ tỉnh Bình Dương tiếp tục lãnh đạo phát triển kinh tế nhiều thành phần, nhất là chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp. Sau khi chia tách tỉnh, cơ cấu kinh tế của Bình Dương là công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp với tỷ trọng tương ứng 43,7% - 29% - 27,3%.

Lễ ký kết hợp đồng liên doanh khu công nghiệp Việt Nam – Singapore. Ảnh: T.LIỆU

Sau khi Bình Dương được tái lập, kế thừa những thành tựu của Sông Bé, việc hình thành và phát triển các KCN tập trung là mục tiêu xuyên suốt vô cùng quan trọng trên con đường phát triển của tỉnh. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Dương đã nỗ lực tập trung thực hiện đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trước hết là ưu tiên phát triển các KCN tập trung, tạo môi trường thông thoáng thu hút nhanh nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước để thúc đẩy việc xây dựng và phát triển có chiều sâu, tạo đà cho kinh tế địa phương ổn định và phát triển bền vững. Từ thực tiễn của 10 năm đổi mới, lãnh đạo tỉnh xác định, chỉ có phát triển công nghiệp và xây dựng mới tạo động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng.

Trên cơ sở căn cứ vào những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức nghiên cứu và xây dựng phát triển các KCN trên địa bàn. Từ KCN đầu tiên được thành lập năm 1995 đã mở màn cho sự hình thành và phát triển các KCN sau này. Sau khi chia tách tỉnh, Bình Dương đã có 7 KCN được Chính phủ cấp phép xây dựng và đi vào hoạt động với tổng diện tích trên 1.500 ha gồm: Sóng Thần I, Sóng Thần II, Đồng An, Bình Đường, Việt Hương, Tân Đông Hiệp và VSIP. Quy mô các KCN phát triển nhanh chóng, đưa giá trị sản xuất công nghiệp tăng mạnh. Nếu như năm 1997 chỉ đạt 94,7 tỷ đồng thì đến năm 2000 con số đó đã là 3.081 tỷ đồng, chiếm gần 1/4 giá trị sản xuất công nghiệp trong toàn tỉnh. Trong đó các KCN Sóng Thần I, Việt Hương, VSIP là những KCN hoạt động hiệu quả nhất. Các dự án đầu tư vào các KCN đã đóng góp tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Mặt khác, sự hình thành của các KCN đã thu hút, thúc đẩy các loại hình dịch vụ phát triển, hình thành những khu đô thị mới.

Hiệu quả rõ nét nhất của các KCN là đã đóng góp lớn vào sự tăng trưởng kinh tế, làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt kinh tế - xã hội của tỉnh. Kết quả phát triển các KCN tập trung thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ và chính quyền tỉnh, tạo được lòng tin của quần chúng nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Môi trường đầu tư thông thoáng và thuận lợi, sự quan tâm tháo gỡ khó khăn kịp thời đã làm cho các nhà đầu tư an tâm khi đầu tư vào Bình Dương.

VSIP - một mô hình KCN kiểu mẫu

Ngày 16-9 vừa qua, tại tỉnh Nghệ An, Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore đã khởi công xây dựng KCN trên diện tích gần 1.500 ha. Đây là dự án thứ 6 của VSIP tại Việt Nam. Các VSIP lần lượt ra đời từ Bắc đến Nam không chỉ là KCN kiểu mẫu ở Việt Nam mà còn ở tầm khu vực. Đó là kết quả của một mô hình phát triển KCN rất hiệu quả đã được chứng thực từ KCN đầu tiên được xây dựng ở Bình Dương trong những năm của thập niên 90.

VSIP I - một mô hình KCN kiểu mẫu ra đời trong những năm thập niên 90 đã góp phần tạo nên bước đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh. Ảnh: P.V

VSIP I được hình thành dựa trên nền tảng tình hữu nghị và hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Singapore. Với sự hỗ trợ từ phía Chính phủ hai nước, một liên doanh đầu tư giữa các đối tác trong và ngoài nước do những tập đoàn có uy tín, kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng cơ sở và bất động sản là Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC) của Bình Dương (49% vốn) và các công ty do Tập đoàn Sembcorp Development của Singapore dẫn đầu (51% vốn) được thành lập để thực hiện dự án VSIP.

VSIP I được khởi công vào tháng 5-1996, với sự chứng kiến của cố Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt và nguyên Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong, có diện tích 500 ha. VSIP I đã phủ kín diện tích 100% và đã thu hút 240 dự án đến từ 29 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư khoảng 2,7 tỷ đô la Mỹ. VSIP I cũng tạo ra trên 76.700 việc làm cho người lao động, góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa tỉnh Bình Dương. Từ VSIP I đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng thêm VSIP II tại Khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ Bình Dương. Cũng như VSIP I, VSIP II tiếp tục cung cấp cho nhà đầu tư môi trường kinh doanh quốc tế với hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại và dịch vụ hỗ trợ khách hàng chuyên nghiệp.

Có thể nói, sau 10 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nền kinh tế của Bình Dương đã có những bước phát triển vượt bậc, đời sống người dân trong tỉnh đã được cải thiện đáng kể. Với việc huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là các KCN đầu tiên trên địa bàn tỉnh đã thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư. Thành công của những VSIP nói riêng và các KCN nói chung đã giúp Bình Dương có thêm những kinh nghiệm quý báu để tự tin triển khai những KCN khác sau này. (còn tiếp)

T.DŨNG - M.T.PHONG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1020
Quay lên trên