Bài 7: Đại hội Đảng bộ tỉnh Sông Bé lần thứ IV: Đổi mới cách nghĩ, cách làm, tư duy kinh tế
Đại hội (ĐH) đại biểu Đảng bộ tỉnh Sông Bé lần thứ IV là ĐH đổi mới cách suy nghĩ, cách làm, đổi mới tư duy kinh tế, đổi mới phong cách làm việc, gắn bó với quần chúng; đổi mới tổ chức cán bộ và hành động theo quy luật, giải phóng cho kỳ được lực lượng sản xuất hiện có...
ĐH đại biểu Đảng bộ tỉnh Sông Bé lần thứ IV được tổ chức từ ngày 28-10 đến 1-11-1986.
Ông Nguyễn Hảo Đức, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sông Bé khóa IV khẳng định: ĐH đại biểu Đảng bộ tỉnh Sông Bé khóa IV là ĐH đổi mới cách suy nghĩ, cách làm, đổi mới tư duy kinh tế, đổi mới phong cách làm việc, gắn bó với quần chúng, đổi mới tổ chức cán bộ và hành động theo quy luật, giải phóng cho kỳ được lực lượng sản xuất hiện có, khai thác và phát huy mọi tiềm năng của tỉnh để phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất, ổn định tình hình kinh tế - xã hội, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sông Bé khóa IV. Ảnh: DUY HIỀN
ĐH đã tiến hành đánh giá kết quả đạt được trong suốt giai đoạn 1976-1986. Qua 10 năm, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã đạt được nhiều thắng lợi đáng kể và cả những kinh nghiệm quý báu, nhất là qua đợt tự phê bình và phê bình, chấn chỉnh, củng cố tổ chức từ cấp cơ sở trở lên đã giúp cho Đảng bộ tỉnh có những nhận thức rõ ràng, sâu sắc hơn, có sự đổi mới một bước nhất định về tư duy kinh tế, về phong cách lãnh đạo. Cùng với sự đổi mới chung của toàn quốc, nhất định sẽ tạo ra cho Sông Bé một khí thế mới, sức lực mới. Tất nhiên, sự đổi mới đó là một cuộc đấu tranh cách mạng xuất sắc, toàn diện, phải có nội dung và bước đi thật sát hợp.
Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trong 5 năm tới, Nghị quyết ĐH lần thứ IV Đảng bộ tỉnh đã đề ra cho toàn Đảng bộ và các cấp, các ngành thực hiện những nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu có ý nghĩa quyết định. Đó là kiên quyết điều chỉnh, bố trí cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư theo hướng thực sự lấy nông nghiệp làm mặt trận hàng đầu, gắn sản xuất với chế biến nhằm giải quyết một cách hợp lý yêu cầu lương thực, thực phẩm tại chỗ, tăng nhanh nguồn hàng xuất khẩu, đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng phù hợp nguồn nguyên liệu địa phương; phấn đấu ổn định và cải thiện một bước đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu về chữa bệnh, đi lại, học hành và hưởng thụ văn hóa.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh đến việc tạo sự chuyển biến về mặt xã hội, tích cực thực hiện việc phân bổ lao động và dân cư, sắp xếp cho người lao động có việc làm, thực hiện mức sống công bằng, hợp lý, giảm hẳn sự chênh lệnh quá đáng giữa các nhóm dân cư, xây dựng quan hệ xã hội và nếp sống lành mạnh, khắc phục các hiện tượng tiêu cực, động viên mọi người, nhất là thanh niên hăng hái lao động sáng tạo, sống có văn hóa, có lý tưởng, gắn bó với tiền đồ của cách mạng và Tổ quốc; tạo sự tích lũy từ kinh tế địa phương và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn, xây dựng thêm cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, xây dựng có mục tiêu, có trọng điểm, bảo đảm đầu tư có hiệu quả cao, nhanh chóng thu hồi vốn; đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa và nâng cao chất lượng quan hệ sản xuất mới, làm cho kinh tế xã hội chủ nghĩa thực sự chiếm vị trí chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân; cải tạo và sử dụng hết khả năng các thành phần kinh tế khác nhau trong sự liên kết chặt chẽ với thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa tạo ra sức mạnh tổng hợp lớn, có hiệu quả cao; hình thành đồng bộ cơ chế quản lý mới, thiết lập trật tự, kỷ cương trong quản lý kinh tế, xã hội; bảo đảm yêu cầu củng cố quốc phòng và an ninh, làm cho hai mặt không ngừng lớn mạnh, trên cơ sở phong trào an ninh - quốc phòng toàn dân, tích cực giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm tròn nghĩa vụ được giao với cả nước và quốc tế.
Ông Nguyễn Hảo Đức cho biết thêm, nhằm thực hiện mục tiêu lấy nông nghiệp làm mặt trận hàng đầu thúc đẩy nền kinh tế phát triển, tỉnh đã đề ra chính sách ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, mà trước tiên là vốn và vật tư. Cụ thể là đầu tư để hoàn chỉnh các công trình thủy lợi đầu mối hiện có, kết hợp nhiều biện pháp huy động, tập trung xây dựng đồng ruộng, gắn với thủy lợi nội đồng và giao thông nông thôn. Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật cho nông nghiệp như sản xuất phân hữu cơ, củng cố và tăng cường thêm thiết bị các trạm máy kéo, các công ty dịch vụ kỹ thuật phục vụ giống cây trồng và vật nuôi; cải tiến phương thức cung ứng vật tư, dịch vụ; sớm hình thành các cụm kinh tế kỹ thuật phục vụ nông nghiệp, kể cả chế biến; tích cực đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật cho hợp tác xã và tập đoàn sản xuất.
Song song với kế hoạch phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản lương thực, thực phẩm cũng được tỉnh quan tâm đầu tư nhằm cố gắng tiêu thụ hết nguồn nguyên liệu cho nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu đời sống, xuất khẩu và chăn nuôi; liên kết với TP.HCM trong việc tổ chức chế biến các mặt hàng nông sản. Bên cạnh đó, xuất phát từ mục tiêu lấy huyện làm địa bàn tổ chức lại sản xuất và phân công lại lao động, tỉnh còn chỉ đạo các huyện gắn nông nghiệp với tiểu thủ công nghiệp và công nghệ chế biến, gắn sản xuất với lưu thông phân phối, bảo đảm cho kinh tế huyện phát triển hài hòa từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ.
Việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong nhiệm kỳ và những năm tiếp theo được Đảng bộ tỉnh xác định là một công tác cấp bách, là điều kiện tất yếu bảo đảm huy động lực lượng to lớn của quần chúng nhân dân hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị của Đảng. Vì vậy, tỉnh phải tiến hành kiện toàn bộ máy chính quyền các cấp trong tỉnh theo hướng gọn nhẹ chất lượng cao, đủ năng lực cụ thể hóa các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị của Đảng bộ tỉnh thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đủ năng lực thực hiện tốt cả hai mặt quản lý hành chính và quản lý sản xuất, kinh doanh, làm cho hệ thống chính sách, pháp luật thực sự phục vụ sản xuất phát triển.
Nhằm lãnh đạo thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ nêu trên và đáp ứng những yêu cầu nhiệm vụ mới, Đảng bộ tỉnh coi việc đổi mới cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp là công việc cấp bách. Trong việc đổi mới cán bộ, trước hết phải đổi mới đội ngũ làm công tác tổ chức cán bộ, việc đổi mới cán bộ phải được tiến hành khẩn trương và phải bảo đảm tính kế thừa. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đặt ra một trong những nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn này là sắp xếp và kiện toàn các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước từ tỉnh xuống cơ sở; tập trung xây dựng huyện, kiện toàn cấp xã, kiện toàn Văn phòng cấp ủy và UBND; chấn chỉnh tổ chức các ban Đảng và các cơ quan tham mưu tổng hợp khác; kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cơ quan, lãnh đạo cơ quan, xí nghiệp, ưu tiên đổi mới đội ngũ cán bộ làm kinh tế. Tăng cường cán bộ trẻ có trình độ lãnh đạo toàn diện, có uy tín trong các cơ quan lãnh đạo và quản lý. Đồng thời phải đổi mới phong cách làm việc, giữ vững các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt trong Đảng; nâng cao phẩm chất cách mạng của cán bộ, đảng viên, đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực trong Đảng; nâng cao sức chiến đấu các tổ chức cơ sở Đảng; tăng cường công tác tư tưởng, lý luận và tăng cường sự đoàn kết nhất trí trong Đảng.
Nghị quyết ĐH lần thứ IV của Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết ĐH đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng ra đời đã soi sáng con đường đổi mới. Đây chính là cơ sở để Đảng bộ và nhân dân tỉnh Sông Bé cùng cả nước khắc phục khó khăn, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. (Còn tiếp)
ĐH đại biểu Đảng bộ tỉnh Sông Bé lần thứ IV được tổ chức từ ngày 28-10 đến 1-11-1986 tại TX.Thủ Dầu Một. Về dự ĐH có 385 đại biểu đại diện cho hơn 10.500 đảng viên trong toàn tỉnh. ĐH đại biểu Đảng bộ tỉnh Sông Bé lần thứ IV đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 45 ủy viên chính thức và 13 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Nguyễn Văn Luông tiếp tục được bầu là Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Lê Văn Thâm được bầu là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và đồng chí Trần Ngọc Khanh giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Ngày 31-10-1989, đồng chí Nguyễn Minh Triết (Trần Phong, Sáu Phong) được Ban Bí thư chuẩn y giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sông Bé thay cho đồng chí Lê Văn Thâm nghỉ hưu theo chế độ.
THU THẢO