Những điểm nhấn qua các kỳ đại hội – Bài 5

Cập nhật: 22-09-2015 | 08:31:28

Bài 5: Tìm hướng đi mới

Trước những tình hình diễn ra sôi động trên thế giới, trong nước những năm 1980-1985, tỉnh Sông Bé cũng như các tỉnh, thành trong cả nước đã vượt qua khó khăn và tìm hướng phát triển mới. Đó là con đường đổi mới phù hợp với hoàn cảnh, đặc thù đất nước và dân tộc Việt Nam, đổi mới trong quan điểm tư tưởng, tư duy từ mỗi con người, đơn vị đến toàn Đảng, toàn dân... 

Ông Trần Quang Minh, nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy khóa III, cho biết giai đoạn 1980-1985, bên cạnh những thành tích đạt được thì tỉnh Sông Bé cũng như các địa phương khác trong cả nước vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Có thể khái quát những khó khăn của địa phương trong giai đoạn đó như sau: Vốn ít, lại bị chôn và dàn đều, sản xuất tăng chậm so với khả năng và yêu cầu. Năng suất chất lượng, hiệu quả giảm sút, hàng hóa khan hiếm, đời sống người dân gặp khó khăn, thiếu việc làm… Nguyên nhân bao trùm nhất của tình trạng này là do có sự chủ quan nóng vội, trì trệ, chủ yếu bắt nguồn từ tư duy phát triển kinh tế còn bị hạn chế.

Nữ tướng Nguyễn Thị Định (thứ tư, từ phải sang), nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam gặp gỡ các đại biểu gia đình có công với cách mạng tại Thủ Dầu Một ngày 27-7-1981.
Ảnh: DUY HIỀN

Lúc này, nhân lực, tiềm năng của tỉnh có không ít nhưng cơ chế tập trung quan liêu bao cấp nói chung ràng buộc và điều quan trọng là chính chúng ta cũng tự trói buộc mình. Sự trói buộc ấy bắt đầu ngay từ quan niệm và nhận thức không theo kịp với tình hình thực tế của cách mạng nước ta đang diễn ra ở chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Hệ thống các quy luật đang tác động lên xã hội ở chặng đường này hết sức phức tạp, song nhận thức quan điểm còn khá giản đơn, tư duy kinh tế phát triển chậm, chưa hiểu rõ vai trò, vị trí, nội dung bước đi của cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư... Tình hình này đòi hỏi sự bức thiết phải chuyển hướng đổi mới, giải phóng, phát triển lực lượng sản xuất để nền kinh tế và đời sống xã hội phát triển năng động, lành mạnh.

Trong giai đoạn này tình hình thế giới có nhiều biến động. Công cuộc cải tổ, cải cách ở các nước xã hội chủ nghĩa đã có nhiều tác động sâu sắc đến nước ta. Còn trong nước thì sau những năm thống nhất đất nước, chúng ta đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới. Tư tưởng chủ quan, say sưa thắng lợi, nóng vội, muốn tiến nhanh lên chủ nghĩa xã hội trong thời gian ngắn, việc bố trí sai cơ cấu kinh tế, cộng với những khuyết điểm của mô hình kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp bộc lộ ngày càng rõ, làm cho tình hình kinh tế - xã hội rơi vào trì trệ, khủng hoảng. Nước ta lại bị các thế lực thù địch bao vây, cấm vận; chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc xảy ra... Để đưa nước ta thoát khỏi tình trạng đó, vấn đề có ý nghĩa quyết định là phải đổi mới mạnh mẽ, cơ bản cách nghĩ, cách làm. Ngay từ cuối những năm 1970, ở một số địa phương bắt đầu có những tìm tòi, thử nghiệm cách làm ăn mới, đưa ra những lời giải đáp cho những vấn đề thực tiễn đặt ra. Qua những thành công bước đầu đạt được trong quá trình tìm tòi, thử nghiệm đó, Đảng và nhân dân ta càng nhận thấy sự cần thiết phải đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy, đổi mới cách làm nhằm xây dựng chủ nghĩa xã hội một cách hiệu quả hơn.

Trước đó, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IV) với chủ trương và quyết tâm làm cho sản xuất “bung ra” có thể coi là bước đột phá đầu tiên của quá trình đổi mới ở nước ta. Hội nghị đã tập trung vào những giải pháp nhằm khắc phục những yếu kém trong quản lý kinh tế và cải tạo xã hội chủ nghĩa; điều chỉnh những chủ trương, chính sách kinh tế, phá bỏ rào cản, mở đường cho sản xuất phát triển: ổn định nghĩa vụ lương thực trong 5 năm, phần dôi ra được bán cho Nhà nước hoặc lưu thông tự do; sửa lại chế độ phân phối trong nội bộ hợp tác xã nông nghiệp, bỏ lối phân phối theo định suất, định lượng để khuyến khích tính tích cực của người lao động...

Sau một thời gian thử nghiệm tại nhiều địa phương, ngày 13-1-1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị 100-CT/TW về khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã, thể hiện sự đổi mới quan trọng trong cơ chế quản lý hợp tác xã. Trước đây thực hiện chế độ “3 khoán” (khoán chi phí sản xuất, khoán công điểm, khoán sản lượng) trong hợp tác xã, thì nay khoáng sản phẩm đến nhóm và người lao động nhằm phát huy quyền làm chủ và tính tích cực trong sản xuất của mỗi người, mỗi gia đình, làm cho người lao động thực sự gắn bó với sản phẩm cuối cùng, do đó đem hết nhiệt tình lao động và khả năng ra sản xuất. “Khoán 100” bước đầu đã tạo ra một động lực mới trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta lúc bấy giờ.

Về tình hình công nghiệp, bước đầu xác định quyền tự chủ của cơ sở trong sản xuất, kinh doanh với chủ trương “ba phần kế hoạch” (phần Nhà nước giao có vật tư bảo đảm, phần xí nghiệp tự làm và phần sản phẩm phụ) theo Quyết định số 25/QĐ-CP ngày 21-1-1981 của Hội đồng Chính phủ, cùng với Quyết định số 26/QĐ-CP về việc mở rộng hình thức trả lương khoán, lương sản phẩm và vận dụng hình thức tiền thưởng trong các đơn vị sản xuất, kinh doanh được áp dụng.

Tại tỉnh Sông Bé lúc bấy giờ, Tỉnh ủy đã chủ trương, tổ chức sắp xếp lại các xí nghiệp quốc doanh theo hướng xí nghiệp nào cần thiết cho nền kinh tế thì để lại và tăng cường cán bộ, vốn cho doanh nghiệp. Những xí nghiệp nào không quan trọng, sản xuất, kinh doanh thua lỗ thì sáp nhập vào xí nghiệp khác hoặc giải thể. Cụ thể, tỉnh quyết định thành lập Liên hiệp Sành sứ Sông Bé và mạnh dạn giao quyền tự chủ trong sản xuất và kinh doanh cho liên hiệp. Thời kỳ này, đây là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của cả nước có quyền tự chủ và kinh doanh. Đây là quyết định táo bạo và hết sức khó khăn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Nội dung tự chủ là tự chịu trách nhiệm trong sản xuất và kinh doanh; tự quyết định giá mua bán nguyên liệu và hàng hóa theo giá thỏa thuận; được quyền thanh toán tiền mặt trong sản xuất, kinh doanh; tự chọn hình thức tổ chức trong ngành gốm sứ của tỉnh theo hướng hợp tác kinh tế với các cơ sở sản xuất tư nhân và cá thể là chính. Hoạt động theo mô hình tự chủ này chưa được một năm đã đem lại hiệu quả: Ngành gốm sứ của tỉnh khôi phục và phát triển nhanh; hiệu quả kinh tế cao, đạt 40% tỷ suất lợi nhuận. Và mô hình tự chủ của Liên hiệp Sành sứ Sông Bé đã được coi là một trong những cơ sở thực tiễn để Trung ương xem xét chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế.

Như vậy, đến đầu những năm 1980, chúng ta không còn xem kế hoạch hóa là công cụ duy nhất để định hướng phát triển kinh tế; đã khẳng định sự cần thiết phải kết hợp kế hoạch với thị trường; kết hợp thị trường có kế hoạch với thị trường không có kế hoạch; có sự nhìn nhận tích cực hơn đối với kinh tế tư nhân; xem tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá đúng - sai của chính sách kinh tế là năng suất lao động có được nâng cao hay không, có làm cho sản xuất phát triển và đời sống nhân dân có được cải thiện hay không.

Ông Trần Quang Minh cho rằng, sau khi nhìn nhận các hạn chế trong những năm 1980-1985, tỉnh Sông Bé cũng như các tỉnh, thành trong cả nước đã phải tìm hướng đi mới. Đó là con đường đổi mới phù hợp với hoàn cảnh, đặc thù đất nước và dân tộc Việt Nam. Đổi mới trong quan điểm tư tưởng, tư duy từ mỗi con người, đơn vị đến toàn Đảng, toàn dân là một sự đòi hỏi bức thiết của đời sống xã hội lúc bấy giờ. (Còn tiếp)

 Trong giai đoạn 1981-1985, nhiều huyện trong tỉnh đã phát triển thêm những cơ sở chế biến thực phẩm, nông cụ, ván ép, gạch ngói... sản xuất thức ăn gia súc, ép đường và liên kết lắp ráp máy bơm nước. Về phân phối lưu thông, lực lượng thương nghiệp quốc doanh và tập thể của tỉnh đã phát triển hầu khắp các xã, phường, mở rộng ra đến nhiều ấp, vùng đồng bào dân tộc, vùng xa xôi hẻo lánh. Trong hoàn cảnh vốn thiếu, giá cả luôn biến động nhưng tỉnh đã tổ chức thu mua các sản phẩm chủ yếu của địa phương ngày càng tăng lên, đã đạt và vượt kế hoạch năm 1985 về lương thực (30.800 tấn/30.000 tấn). Việc ký kết hợp đồng thu mua được mở rộng hơn, mua theo giá thỏa thuận cũng có mức linh hoạt. Trong cải tạo xã hội chủ nghĩa, củng cố quan hệ sản xuất mới, toàn tỉnh đã đưa được 82% số hộ nông dân và 80% diện tích vào làm ăn tập thể.

Giai đoạn này, hoạt động khoa học - kỹ thuật của tỉnh đã phát huy tác dụng trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, tiểu thủ công mỹ nghệ, y tế, giáo dục và điều tra quy hoạch; đã nghiên cứu gần 500 sáng kiến lớn nhỏ. Trong lâm nghiệp và nông nghiệp đã sử dụng các giống lúa ngắn ngày, trồng thử giống đậu phộng, giống bắp có năng suất cao. Trong lâm nghiệp đã áp dụng kỹ thuật trồng dày, tỉa thưa, xây dựng quy tắc kỹ thuật quản lý rừng. Trong công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đã tạo ra nhiều sản phẩm mới như dép xốp, nệm cao su, tấm lợp, gốm mỹ nghệ...

 

THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1294
Quay lên trên