Bài 4: Xoay chuyển tình thế, phát triển đi lên
Sau Đại hội (ĐH) Đại biểu lần thứ III, Đảng bộ tỉnh Sông Bé đã tập trung lãnh đạo nhân dân vượt qua khó khăn thử thách, nỗ lực xoay chuyển tình hình, từng bước đưa kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển đi lên.
Ông Nguyễn Hảo Đức, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sông Bé khóa III cho biết, sau ĐH lần thứ III, Đảng bộ tỉnh Sông Bé ngày ấy đã bắt tay ngay vào việc lãnh đạo chỉ đạo, đề ra các giải pháp nhằm thực hiện nghị quyết, xoay chuyển tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, chủ trương của Tỉnh ủy đối với sản xuất nông nghiệp lúc bấy giờ là quy hoạch lại sản xuất, bố trí hợp lý cơ cấu cây trồng, bố trí lại mùa vụ, chú trọng xây dựng đồng ruộng cạn, mở thêm đồng ruộng bưng, thực hiện thâm canh, xen canh tăng vụ và chuyên canh các loại cây trồng vật nuôi nhằm bảo đảm phát triển nông nghiệp toàn diện, gắn với bảo vệ tài nguyên rừng theo quy hoạch tổng thể và cụ thể ở từng địa bàn.
Thừa ủy nhiệm của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé Nguyễn Văn Luông (giữa) trao tặng lẵng hoa cho Xí nghiệp Chăn nuôi heo giống 2-9 (năm 1981). Ảnh: DUY HIỀN
Đối với chăn nuôi, Tỉnh ủy chủ trương đẩy mạnh ở cả 3 khu vực gia đình, tập thể và quốc doanh; chú trọng phát triển đàn trâu, bò, dê ở các huyện phía Bắc có nhiều đồng cỏ; tăng cường sản xuất chế biến thức ăn gia súc, bảo đảm nguồn thức ăn chăn nuôi cho quốc doanh và một phần của tập thể. Đối với lâm nghiệp, tỉnh chỉ đạo phải tập trung bảo vệ, khôi phục và phát triển vốn rừng; tổ chức việc khai thác lâm sản ở vùng trọng điểm đã định, bảo đảm chế biến và cung ứng vật tư lâm nghiệp cho các ngành sản xuất, xây dựng, xuất khẩu và nhu cầu cần thiết của nhân dân.
Bên cạnh phát triển nông nghiệp, tỉnh tập trung phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gắn với bước đầu bung ra sản xuất các mặt hàng tiêu dùng và hướng đến xuất khẩu. Theo chủ trương của tỉnh, công nghiệp phấn đấu đến năm 1985 đạt giá trị sản lượng 75 triệu đồng (giá cố định). Sắp xếp lại các cơ sở tiểu, thủ công nghiệp, nhất là các cơ sở chế biến lương thực, thực phẩm, chế biến lâm sản và các cơ sở sản xuất gốm sứ, vật liệu xây dựng, sơn mài, hàng mộc, mây tre lá, cao su... là những ngành kinh tế có thế mạnh của tỉnh, bảo đảm ổn định từ khâu khai thác, cung ứng vật tư nguyên liệu đến sản xuất tiêu thụ.
Trong lĩnh vực phân phối lưu thông, tỉnh từng bước củng cố và phát triển lực lượng thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán, nắm cho được những mặt hàng chủ lực về lương lực, nông sản và thủ công mỹ nghệ có thế mạnh địa phương, bảo đảm nguyên liệu cho sản xuất, phục vụ tiêu dùng, trao đổi với các tỉnh bạn và tăng cường xuất khẩu. Đối với thương nghiệp và dịch vụ tư nhân cần phải vừa cải tạo, vừa có chính sách sử dụng những người tốt có tay nghề giỏi trong việc thu mua nắm nguồn hàng và đấu tranh quản lý thị trường.
Qua các định hướng chung về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp địa phương cho thấy, tỉnh đã có nhiều chủ trương cởi mở hơn, thích hợp với tình hình địa phương, hướng mạnh trọng tâm vào sản xuất lương thực, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu.
Trong giai đoạn này, Tỉnh ủy có chủ trương văn hóa, giáo dục phải gắn chặt với nhiệm vụ kinh tế, quốc phòng và xây dựng con người mới. Vì vậy, về giáo dục, trước mắt phấn đấu thực hiện tốt nghị quyết về cải cách giáo dục của Bộ Chính trị, phát triển mạng lưới nuôi dạy trẻ, mẫu giáo ở các khu vực nhà nước và nông thôn, nhất là các hợp tác xã nông nghiệp. Chỉ tiêu đề ra là thu nhận 4.500 cháu vào nhà trẻ, 15.000 cháu vào lớp mẫu giáo, 145.000 học sinh phổ thông và 63.000 học viên bổ túc văn hóa; tập trung xây dựng cơ sở vật chất cho trường học, đến năm học 1984- 1985 chấm dứt tình trạng học 3 ca.
Về văn hóa thông tin, Tỉnh ủy chủ trương hoạt động này phải nhằm vào việc phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tổ chức rộng rãi phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng. Xây dựng từng bước có trọng điểm các trung tâm, các cụm và mô hình văn hóa phù hợp với khả năng từng địa phương... Phong trào văn hóa văn nghệ, đặc biệt là văn nghệ quần chúng phát triển mạnh. Hàng năm, tỉnh đều có tổ chức hội diễn văn nghệ quần chúng, phát triển đội văn nghệ ở các xã vùng đồng bào dân tộc, nông trường công nhân cao su, xí nghiệp... Về y tế, đến năm 1985, toàn tỉnh đã có 131 trạm y tế xã, 7 huyện đều có bệnh viện, có 2.190 giường bệnh và 3.795 cán bộ y tế. Đi đôi với chú trọng đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, Đảng bộ, chính quyền tỉnh rất quan tâm chăm lo chính sách xã hội đối với các gia đình thương binh, liệt sĩ, cán bộ già yếu, nghỉ hưu, mất sức, lão thành cách mạng. Tuy chưa có đội ngũ chuyên trách nhưng cán bộ kiêm nhiệm làm công tác đã bước đầu tập hợp được số liệu, xác nhận hồ sơ thương binh, liệt sĩ, thăm hỏi các gia đình chính sách, cứu trợ kịp thời cho các gia đình neo đơn, thiếu đói...
Ông Trần Quang Minh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa III cho biết, trong giai đoạn này, bên cạnh đề ra các giải pháp để nhanh chóng đưa kinh tế - xã hội phát triển, tỉnh xác định phải giữ vững ổn định chính trị và an ninh quốc phòng. Thực hiện tinh thần Nghị quyết số 03-NQ/TW của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy đã tăng cường giáo dục, làm rõ âm mưu của địch, đề cao cảnh giác cách mạng cho toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân, khắc phục bệnh chủ quan, mất cảnh giác, xác định nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội cho mỗi người. Công tác an ninh quốc phòng toàn dân và pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tỉnh ngày càng được củng cố. Cấp ủy và Đảng bộ các cấp đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện những chủ trương quan trọng trong mặt trận an ninh quốc phòng, từ việc giáo dục nhận thức, quan điểm đến việc thực hiện các công tác cụ thể.
Bên cạnh đó, nghĩa vụ đối với tỉnh Kratie (Campuchia) được Đảng bộ và nhân dân nhận thức sâu sắc hơn. Đoàn chuyên gia và bộ đội ta thể hiện tinh thần trách nhiệm cao và giúp bạn có hiệu quả. Sự hợp tác về kinh tế, văn hóa, xã hội đối với tỉnh kết nghĩa được mở rộng và ngày càng đạt hiệu quả thiết thực. Còn đối với tỉnh Hà Tuyên ở biên giới phía Bắc, tỉnh đã tích cực giúp đỡ và sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu thiết yếu từng lúc cho bộ đội.
Đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ trong giai đoạn 1981-1985, ông Nguyễn Hảo Đức cho biết, trong giai đoạn này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sông Bé đã ra sức khắc phục khó khăn, từng bước khôi phục kinh tế, phát triển sản xuất, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân, đồng thời cố gắng hoàn thành tốt các nghĩa vụ đối với Trung ương. Trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh đã tiến hành thâm canh tăng vụ, khai hoang phục hóa, làm thủy lợi, tăng gia sản xuất đạt được thành tích đáng phấn khởi. Việc quy hoạch đất nông - công - lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh để sử dụng phù hợp với từng loại cây, tiến hành trồng xen canh, thâm canh... đã thực hiện bước đầu có hiệu quả. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được sắp xếp lại, tận dụng những nguyên vật liệu hiện có, đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng phần nào nhu cầu tiêu dùng cho xã hội.
Nhìn chung, việc phát triển kinh tế của tỉnh có tiến bộ, từ vùng chiến tranh ác liệt nay địa phương đã trở thành vùng đất xanh tươi, trù phú. Các nhu cầu về ăn, mặc, học hành, đi lại của nhân dân đã được quan tâm, đáp ứng. Từ đây, những ý tưởng, mô hình ban đầu của đổi mới đã manh nha hình thành, nhất là trong thực hiện khoán sản phẩm, sử dụng những tư nhân có vốn, tay nghề trong sản xuất và khẩu hàng tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp và hàng thủ công mỹ nghệ. Tỉnh đã xuất hiện một vài doanh nghiệp năng động trong sản xuất, kinh doanh, biết liên kết kinh doanh, mở được thị trường xuất khẩu, đào tạo được những cán bộ lãnh đạo sản xuất, kinh doanh của tỉnh biết xoay trở và hoạt động thành công trong cơ chế kinh tế đương thời.
Những thành tích mà Đảng bộ tỉnh đạt được đã phản ánh nỗ lực, quyết tâm cao độ của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân địa phương. Đây cũng là những thành quả rất đáng tự hào và được ghi nhận là một tiền đề quan trọng cho sự phát triển của tỉnh trong những năm tiếp theo sau này. (Còn tiếp)
THU THẢO