Bài 8: Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất
Với phương châm, vừa làm, vừa tìm tòi, nỗ lực không ngừng vươn lên, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Sông Bé đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong việc thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV đề ra.
Đồng chí Nguyễn Văn Luông, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác quân sự địa phương và phong trào thi đua quyết thắng năm 1989, đồng thời triển khai nhiệm vụ quân sự năm 1990 Ảnh: TỪ TÂM SỰ
Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, từ năm 1986- 1990, tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, đề ra những chủ trương, chính sách tháo gỡ khó khăn trong sản xuất nhằm tạo điều kiện thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Vốn đầu tư xây dựng cơ bản dành cho nông nghiệp chiếm gần 21% trong tổng số vốn đầu tư thuộc khu vực sản xuất vật chất; hoàn thành đưa vào sử dụng 13 công trình thủy lợi, tăng gần 11.000 máy bơm nước; cung ứng cho sản xuất gần 56.000 tấn phân đạm, gần 7.200 tấn kali...; nghiên cứu và đưa vào đồng ruộng nhiều loại giống lúa mới cho năng suất cao.
Tỉnh ủy cũng đã sớm chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, chủ trương phát huy thế mạnh cây, con ở từng vùng, phát triển sản xuất hàng hóa với nhiều thành phần kinh tế, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn, nhờ đó đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện, tạo ra nguồn hàng tương đối lớn có giá trị xuất khẩu. Thực hiện Nghị quyết 10-NQ/BCT của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý trong nông nghiệp, tỉnh đề ra một số chủ trương, chính sách phù hợp, khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình, thu hồi đất đai không sử dụng hết của nông trường quốc doanh, đơn vị bộ đội cấp cho nông dân, cho dân mượn đất sản xuất, bước đầu giải phóng năng lực sản xuất trong nông thôn, nông dân, mạnh dạn đầu tư thâm canh, tăng năng suất, tăng diện tích. Những năm 1986-1990, cơ cấu cây trồng có sự biến đổi lớn, đã định hình được vùng cây cao su tập trung do Trung ương quản lý với 105.000 ha, 1/3 diện tích trồng mới đã được khai thác; diện tích trồng cao su của tỉnh và của nông dân đạt trên 10.000 ha. So với thời kỳ 1981-1985, giá trị tổng sản lượng nông nghiệp tăng gần 18,3%, riêng sản xuất mủ cao su tăng 15,4%.
Từ năm 1986-1988, sản xuất công nghiệp quốc doanh và hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp dựa vào nguồn vốn, vật tư bao cấp là chính. Khi chuyển sang cơ chế mới, nhiều xí nghiệp quốc doanh không chuyển hướng kịp nên làm ăn thua lỗ, không có khả năng củng cố, phải chuyển hình thức sở hữu hoặc chờ đợi giải thể. Từ cuối năm 1988, khi có Nghị quyết số 16-NQ/BCT của Bộ Chính trị thì sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được khôi phục dần. Nhiều xí nghiệp quốc doanh được xây dựng và mở rộng, trang thiết bị được cải tiến, chất lượng sản phẩm sơn mài, gốm sứ được khôi phục và phát triển khá. Đến năm 1990, toàn ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng thêm hơn 1.200 cơ sở mới (đại bộ phận là tư nhân, cá thể). Một số cơ sở sản xuất quốc doanh của tỉnh làm ăn có hiệu quả kinh tế, thu hút thêm nhiều lao động như quốc doanh sơn mài, đũa tre xuất khẩu, may mặc, chế biến hạt điều... Nhiều xí nghiệp do Trung ương quản lý sau những khó khăn ban đầu đã dần thích ứng với cơ chế mới, phát huy nguồn vốn, kỹ thuật, năng lực quản lý, phát triển được sản xuất, đã góp phần quan trọng và sự nghiệp phát triển kinh tế của tỉnh và đóng góp cho ngân sách địa phương.
Ông Nguyễn Hảo Đức, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sông Bé khóa IV cho biết, giai đoạn 1986-1990, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo toàn dân bước đầu thực hiện đường lối đổi mới của Đảng; lãnh đạo thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm (1986-1990) trong bối cảnh kinh tế - xã hội trong nước và trong tỉnh có nhiều biến động lớn. Những chỉ thị, nghị quyết của Đảng bước đầu tiếp cận với một nền kinh tế mới, đòi hỏi phải có thời gian và thực tiễn khảo nghiệm dần mới đi vào cuộc sống có hiệu quả. Nhưng với tinh thần tiến công cách mạng, vừa làm, vừa tìm tòi không ngừng vươn lên, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc thực hiện những nhiệm vụ giai đoạn 1986-1990 mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV đề ra. |
Về phân phối lưu thông - hoạt động kinh tế đối ngoại đã xóa bỏ tình trạng “ngăn sông cấm chợ”, áp dụng cơ chế giá thị trường và có nhiều thành phần tham gia, nhờ đó thị trường thông suốt cả trong và ngoài tỉnh. Hàng hóa, nông sản được tiêu thụ thuận lợi. Hàng tiêu dùng dồi dào, góp phần tích cực điều hòa lương thực, thực phẩm, thu hẹp chênh lệch về giá giữa các vùng trong tỉnh. Một số đơn vị quốc doanh, hoạt động có hiệu quả. Giai đoạn này, toàn tỉnh có 7 đơn vị được cấp phép đầu tư theo Luật Đầu tư có 3 đơn vị đi vào hoạt động. Đã có các hình thức chuyển giao công nghệ, mua trả chậm, gia công, liên doanh bao tiêu sản phẩm, xây dựng được các xí nghiệp may mặc, đũa tre xuất khẩu, chế biến gỗ làm ăn có hiệu quả.
Về xuất nhập khẩu, trước tình hình thị trường bị đảo lộn, tỷ giá ngoại hối biến động liên tục, chính sách, cơ chế có mặt chưa phù hợp nhưng nhiều công ty, xí nghiệp khắc phục được khó khăn, hoạt động xuất nhập khẩu trực tiếp có hiệu quả, góp phần đáng kể thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh phát triển với tốc động tăng bình quân hàng năm gần 18,4%. Tổng kim ngạch xuất khẩu của địa phương trong 5 năm (1986-1990) đạt 29,14 triệu USD. Nhập khẩu đạt trên 23,5 triệu USD.
Song song với phát triển kinh tế, tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục đào tạo. Ở bậc giáo dục phổ thông, mặc dù ngân sách cho giáo dục có hạn nhưng ngành đã có nhiều cố gắng huy động sự đóng góp của các ngành và nhân dân để sửa chữa và xây dựng thêm trường lớp để hạn chế lớp học ca 3. Chất lượng dạy và học được nâng lên, học sinh giỏi hàng năm đều tăng. Các trường chuyên nghiệp dạy nghề đạt được chỉ tiêu về số lượng đào tạo hàng năm. Công tác xóa mù chữ đạt 80% chỉ tiêu đề ra.
Trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội những năm 1986-1990, khoa học công nghệ bước đầu có sự chú trọng hướng vào nghiên cứu ứng dụng, góp phần phát triển sản xuất, thực hiện 3 chương trình kinh tế của tỉnh. Đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật ở tỉnh tuy không đông nhưng được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau, có khả năng cống hiến nhiều cho quê hương đất nước. Cơ chế quản lý khoa học và công nghệ bước đầu được đổi mới nhằm gắn khoa học với sản xuất và cuộc sống. Lực lượng vũ trang được củng cố, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng. Công tác bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được tăng cường.
Trong công cuộc đổi mới các hoạt động của Nhà nước, từ năm 1986-1990 đã có bước cải tiến, góp phần đổi mới cơ chế quản lý, thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa. Từ các Nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND, UBND tỉnh đã thể chế hóa thành các quyết định của chính quyền, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng quyền tự chủ cho các xí nghiệp, thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh phát triển. Bộ máy chính quyền các cấp đã được sắp xếp tinh giản một bước. Trong công tác pháp chế, các ngành khối nội chính đã cùng các đoàn thể có sự phối hợp tốt hơn trong việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân, giải quyết các vụ vi phạm pháp luật, các đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân.
Về công tác xây dựng Đảng, toàn tỉnh có 13.693 đảng viên với 488 cơ sở Đảng. Công tác tư tưởng đã được củng cố tạo sự thống nhất tư tưởng trong toàn Đảng bộ, đảng viên có quan điểm đúng đắn, nhất trí với đường lối, những quan điểm đổi mới của Đảng, kiên trì con đường chủ nghĩa xã hội, khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, khẳng định sự lãnh đạo của Đảng ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những nhận thức mới và chủ trương đổi mới kinh tế được đảng viên tán thành, đồng lòng thực hiện. Mặc dù đời sống còn một số khó khăn, nhưng đội ngũ đảng viên vẫn giữ phẩm chất, lối sống lành mạnh, cố gắng học tập để nâng cao kiến thức, năng lực công tác.
Theo ông Nguyễn Hảo Đức, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sông Bé khóa IV, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sông Bé lần thứ IV mở đầu thực hiện đường lối đổi mới. Vì vậy, trong quá trình chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, nhưng nhìn chung Đảng bộ tỉnh Sông Bé đã xác định rõ hơn cơ cấu, phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, gắn chặt 2 nhiệm vụ chiến lược, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, động viên mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV. (Còn tiếp)
THU THẢO