(Tiếp theo kỳ trước)
Năm là, nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) nông nghiệp vượt hạn mức đối với hộ gia đình, cá nhân theo quy định: Hạn mức giao đất nông nghiệp giao cho hộ gia đình, cá nhân như sau: Đối với đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối là không quá 3 ha đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc Đông Nam bộ; không quá 2 ha cho các tỉnh, thành phố khác. Đối với đất trồng cây lâu năm hạn mức là không quá 10 ha đối với các xã đồng bằng; không quá 30 ha đối với các xã trung du, miền núi. Đối với đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất hạn mức là không quá 30 ha.
Sáu là, SDĐ, thực hiện giao dịch về QSDĐ mà không đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền: NSDĐ phải đăng ký, kê khai và ghi nhận tình trạng pháp lý về QSDĐ, QSHNO, tài sản khác gắn liền với đất và quyền quản lý đất đối với mỗi thửa đất vào hồ sơ địa chính. Đây là cơ sở pháp lý để Nhà nước quản lý, giám sát việc thực hiện QSDĐ.
Bảy là, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước: NSDĐ phải nộp tiền SDĐ khi được Nhà nước giao đất có thu tiền SDĐ, cho phép chuyển mục đích SDĐ, công nhận QSDĐ mà phải nộp tiền SDĐ; tiền thuê đất; thuế SDĐ; thuế thu nhập từ chuyển QSDĐ; tiền thu từ việc xử phạt vi phạm pháp luật về đất đai; tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và SDĐ; phí và lệ phí trong quản lý SDĐ.
Tám là, lợi dụng chức vụ quyền hạn để làm trái quy định về quản lý đất đai: Đó là việc cán bộ, công chức có chức năng trong việc giải quyết giao đất, thu hồi đất, cho phép thực hiện các quyền về QSDĐ lợi dụng thẩm quyền gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân và Nhà nước, giảm lòng tin của nhân dân vào Nhà nước và đội ngũ cán bộ thực thi công vụ nhằm trục lợi.
Chín là, không cung cấp hoặc cung cấp thông tin về đất đai không chính xác theo quy định của pháp luật: Đó là việc kê khai các thông tin về nguồn gốc, diện tích, vị trí thửa đất, mục đích, thời hạn SDĐ không chính xác, có biểu hiện gian dối, không trung thực, từ đó làm sai lệch hồ sơ về đất đai, gây khó khăn trong việc giao đất, thu hồi đất và giải quyết tranh chấp đất đai của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Mười là, cản trở, gây khó khăn đối với việc thực hiện quyền của người SDĐ theo quy định của pháp luật: Về phía NSDĐ, như lấn chiếm, rào chắn, gây ô nhiễm môi trường nguồn nước; về phía Nhà nước (cụ thể là cán bộ công chức có thẩm quyền) như: làm sai lệch hồ sơ, cố tình kéo dài thời gian giải quyết để trục lợi.
Chương trình này được Hội Luật gia tỉnh Bình Dương và Báo Bình Dương cùng phối hợp thực hiện theo Quyết định số 1539/QĐ-UBND ngày 13-6-2017 của UBND tỉnh Bình Dương. Chúng tôi rất mong nhận được thư, bài góp ý hoặc yêu cầu tư vấn xin gửi về địa chỉ: Số 26 đường Đoàn Thị Liên, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một tỉnh Bình Dương.