Thực hiện Luật Bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh từ năm 2007 đến nay, công tác bình đẳng giới đã và đang dần trở thành công việc trọng tâm mà các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, gia đình… và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Nhằm bảo đảm tỷ lệ thích đáng nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, nữ tham gia quản lý, lãnh đạo phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới của Trung ương và của tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nội vụ, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã phối hợp tổ chức các hoạt động hỗ trợ nữ ứng cử như mở lớp tập huấn bồi dưỡng, kỹ năng cho nữ lần đầu ứng cử HĐND các cấp nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng xây dựng chương trình hành động, trang phục và phong cách thuyết trình… tạo sự bình tĩnh, tự tin, phát huy tốt khả năng của các ứng cử viên nữ trong hội nghị tiếp xúc cử tri để thuyết phục cử tri tín nhiệm. Kết quả, tỷ lệ UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ tăng qua các nhiệm kỳ. Cụ thể, nhiệm kỳ 2011-2016, có 49/101 UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ, đạt tỷ lệ 48,51%; nhiệm kỳ 2016-2021 có 56/101 cơ quan, đạt tỷ lệ 55,4%, tăng 6,89% so với nhiệm kỳ trước. Đối với công tác quy hoạch tạo nguồn, bổ nhiệm cán bộ nữ: Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể luôn chú trọng công tác quy hoạch cán bộ, lấy quy hoạch cấp ủy làm cơ sở để xây dựng quy hoạch các chức danh lãnh đạo, trong đó bảo đảm tỷ lệ cán bộ nữ không dưới 15%.
Bình Dương thu hút đông lao động ngoài tỉnh, trong đó có lao động nữ
Bình Dương là tỉnh chú trọng thu hút đầu tư phát triển kinh tế, tỉnh tạo điều kiện cho người dân bao gồm cả nam và nữ tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tiếp cận thông tin, nguồn vốn, thị trường; giới thiệu việc làm; giải quyết cho vay từ các nguồn vốn ưu đãi. Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, hàng năm, ngành giáo dục và đào tạo đã chỉ đạo các đơn vị từng bước thực hiện rà soát trên quan điểm giới nhằm phát hiện, tham mưu cấp có thẩm quyền xóa bỏ các nội dung, hình ảnh dẫn đến cách hiểu định kiến giới trong chương trình sách giáo khoa các cấp học; thường xuyên lồng ghép các mục tiêu và hoạt động của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ vào hoạt động của nhà trường; lồng ghép giáo dục về giới, giới tính và bình đẳng giới vào chương trình học. Kết quả, đến thời điểm hiện tại nữ tham gia các cấp học từ mầm non đến trung học cơ sở đạt tỷ lệ từ 47 đến 57%; nữ tốt nghiệp các cấp học từ 47 đến 55%...
Bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội cho biết, theo báo cáo Tổng kết 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới, đến nay, công tác bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh được thực hiện trong mọi lĩnh vực xã hội và gia đình, làm thay đổi nhận thức và hành vi của người dân về vị trí, vai trò của phụ nữ. Phụ nữ tham gia vào hầu hết các lĩnh vực chính trị, kinh tế, hoạt động xã hội; được luật pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng; độc lập về kinh tế và tham gia quyết định các vấn đề quan trọng trong gia đình. Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới được tăng cường và đa dạng về hình thức thể hiện… Nhờ đó hoạt động bình đẳng giới được tăng cường, đẩy mạnh trên các lĩnh vực và các địa bàn trong toàn tỉnh, góp phần quan trọng đưa Luật Bình đẳng giới đi vào cuộc sống.
T.NG