Bình Dương 40 năm - Sự đổi thay diệu kỳ

Những kỳ tích trên vùng đất lửa - Kỳ 22

Cập nhật: 22-04-2015 | 08:10:44

Kỳ 22: Bắc Tân Uyên - Nỗ lực vượt khó

 Dù là huyện mới thành lập nhưng với bề dày truyền thống, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bắc Tân Uyên quyết tâm hoàn thiện cơ sở hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế để trở thành trung tâm công nghiệp mới của tỉnh.

 Nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông dân huyện Bắc Tân Uyên đã có cuộc sống ổn định hơn trước. Trong ảnh: Gia đình anh Trần Trung Câu ở ấp Bà Cố, xã Lạc An bên vườn bưởi của mình. Ảnh: D.CHÍ

 Kinh tế khởi sắc

Trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên hiện có 4 khu, cụm công nghiệp với tổng diện tích 828,79 ha đang triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư gồm: Khu công nghiệp Đất Cuốc 212,84 ha, đã hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng và lấp đầy 47,4% diện tích; Khu công nghiệp - đô thị Tân Uyên (xã Tân Bình) 173,7 ha; Khu công nghiệp Tân Bình 353 ha và Cụm công nghiệp Tân Mỹ 88,9 ha, đang thi công cơ sở hạ tầng. Việc đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng với diện tích khá lớn sẽ là điều kiện thuận lợi để Bắc Tân Uyên đón nhận dòng đầu tư mới trong tương lai không xa.

Hiện nay, huyện Bắc Tân Uyên đã có 296 doanh nghiệp, chi nhánh đang hoạt động với tổng vốn đăng ký là 1.658 tỷ đồng…

Tuy nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của huyện, nhưng với sự nỗ lực vận động, đưa kỹ thuật công nghệ hiện đại vào trong sản xuất phù hợp chủ trương của tỉnh, đến nay Bắc Tân Uyên đã có 109 trang trại gồm 55 trang trại trồng cây lâu năm, 51 trang trại chăn nuôi và 3 trang trại tổng hợp. Các trang trại đã giải quyết việc làm cho trên 1.130 lao động; thu nhập bình quân 1 trang trại đạt 3 tỷ đồng/năm.

Nhiều hộ dân trong huyện đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư phát triển các vườn cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 1.298 ha cây ăn quả và bước đầu hình thành được vùng chuyên canh cây có múi với diện tích 940 ha, tập trung ở địa bàn các xã ven sông Đồng Nai và sông Bé. Bên cạnh đó, địa phương còn có 30 trại nuôi heo với gần 54.670 con, 22 trại gà với trên 1,6 triệu con và đàn trâu, bò trên 1.950 con. Số lượng, chất lượng gia súc, gia cầm ở đây ngày càng được nâng cao; giá trị sản phẩm chăn nuôi ngày càng tăng trong tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Huyện cũng xác định chăn nuôi là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, mô hình trang trại là chủ yếu.

Tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng

Hiện tại, các khu chức năng như: Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu nhà ở, khu dân cư, tái định cư… trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên đều có quy hoạch chi tiết như: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Bắc Tân Uyên đến năm 2025; Quy hoạch chung xây dựng đô thị Tân Thành; Quy hoạch Trung tâm Hành chính và khu tái định cư huyện mới Bắc Tân Uyên; Quy hoạch 10 xã nông thôn mới…

Về hạ tầng giao thông, toàn huyện hiện có 494 tuyến đường với tổng chiều dài là 535km; trong đó đường tỉnh có 4 tuyến với tổng chiều dài 73km, đường huyện có 10 tuyến với tổng chiều dài 59km và 11 cầu bê tông cốt thép. Hạ tầng giao thông cơ bản phục vụ tốt nhu cầu dân sinh; tỷ lệ nhựa hóa chiếm 26,7%, còn lại là sỏi đỏ và đường đất. Điều quan trọng nữa là, các tuyến giao thông huyết mạch, đường tạo lực quan trọng của tỉnh Bình Dương qua địa bàn huyện Bắc Tân Uyên, nối huyện Bắc Tân Uyên với TX.Tân Uyên và các địa phương khác trong tỉnh.

Định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, ông Nguyễn Ngọc Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên cho biết, huyện sẽ tập trung phát huy mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015-2020 một cách đồng bộ, bền vững và toàn diện trên tất cả lĩnh vực. Theo đó, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp đi đôi với phát triển dịch vụ, đô thị và các khu dân cư theo quy hoạch; từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn theo hướng nông nghiệp công nghệ cao; đồng thời duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển văn hóa - xã hội bền vững... Ông Hiệp cũng cho rằng, hiện nay Bắc Tân Uyên đã hình thành bước đầu được một số dự án du lịch như: Khu du lịch nghỉ dưỡng Mắt Xanh, Khu du lịch sinh thái Hàn Tam Đẳng, Khu du lịch sinh thái Phước Lộc Thọ…., qua đó tạo tiền đề cho huyện phát triển các điểm du lịch và các tuyến du lịch kết nối trong tỉnh trong thời gian tới.

Kỳ 23: Phú Giáo - Phát triển đồng bộ các ngành kinh tế

 DUY CHÍ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=513
Quay lên trên