Chia sẻ bài viết lên facebook

Những mốc son lịch sử của Đảng qua các kỳ đại hội - Bài 10

Cập nhật: 19-03-2015 | 08:25:23

Bài 10: Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương

Trên cơ sở tổng kết những kinh nghiệm thực tiễn của hơn 20 năm lãnh đạo cách mạng nước ta, đồng thời tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của phong trào cách mạng thế giới, Báo cáo bàn về cách mạng Việt Nam của đồng chí Trường Chinh đã trình bày trước đại hội toàn bộ đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam là tiêu diệt bọn đế quốc xâm lược, làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập và thống nhất, xóa bỏ hình thức bóc lột phong kiến, làm cho người cày có ruộng, tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Nhiệm vụ chống đế quốc và nhiệm vụ chống phong kiến khăng khít với nhau. Nhưng trọng tâm của cách mạng trong giai đoạn hiện tại là giải phóng dân tộc. Kẻ thù cụ thể trước mắt của cách mạng là chủ nghĩa đế quốc xâm lược và bè lũ tay sai. Mũi nhọn của cách mạng chủ yếu chĩa vào bọn đế quốc xâm lược.

Nhiệm vụ phản phong kiến nhất định phải làm đồng thời với nhiệm vụ phản đế, nhưng làm có kế hoạch, có từng bước, để vừa bồi dưỡng và phát triển được lực lượng cách mạng của nhân dân, vừa giữ vững được khối đại đoàn kết toàn dân để kháng chiến, nhằm mau tiêu diệt bọn đế quốc xâm lược, hoàn thành giải phóng dân tộc.

Đồng chí Tôn Đức Thắng đọc diễn văn khai mạc Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng

Lực lượng cách mạng Việt Nam bao gồm giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, giai cấp tiểu tư sản và giai cấp tư sản dân tộc. Động lực của cách mạng Việt Nam bao gồm giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và giai cấp tư sản, chủ yếu là công nhân và nông dân. Lực lượng lãnh đạo cách mạng Việt Nam là giai cấp công nhân.

Cuộc cách mạng nhằm đánh đổ đế quốc và phong kiến do nhân dân tiến hành, trong đó, công nông là động lực chủ yếu và do giai cấp công nhân lãnh đạo gọi là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.

Bàn về triển vọng của cách mạng Việt Nam, Báo cáo nêu rõ con đường phát triển tất yếu của cách mạng Việt Nam là tiến lên chủ nghĩa xã hội. Nhưng con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam có những hình thái đặc biệt phù hợp với những điều kiện cụ thể của nó. Dưới chính quyền nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo, giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa có thể là một quá trình cải cách vừa ôn hòa vừa bạo lực, không có hiện tượng nổ bùng, không có nội chiến để thủ tiêu chính quyền đã có của nhân dân và sáng lập nên một chính quyền nào mới.

Hình thức của Nhà nước Việt Nam hiện nay là Cộng hòa Dân chủ, nội dung của nó là chuyên chính dân chủ nhân dân. Khi cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì chuyên chính dân chủ nhân dân chuyển thành chuyên chính vô sản. Hình thức Nhà nước Cộng hòa Dân chủ vẫn có thể tồn tại lâu dài hoặc một thời gian khi nội dung của nó đã đổi thành chuyên chính vô sản.

Căn cứ vào tình hình thế giới và tình hình trong nước, căn cứ vào nhiệm vụ và tính chất của cách mạng nước ta, Báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam vạch ra 12 chính sách của Đảng trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. 12 chính sách đó là:

- Đẩy mạnh kháng chiến đến toàn thắng, tiêu diệt bọn đế quốc xâm lược và bè lũ tay sai, làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập và thống nhất.

- Thi hành từng bước chính sách ruộng đất, tiến tới thực hiện khẩu hiệu người cày có ruộng, xóa bỏ các hình thức bóc lột phong kiến và nửa phong kiến ở nước ta.

- Xây dựng, củng cố và phát triển chế độ dân chủ nhân dân về chính trị, kinh tế và văn hóa, chuẩn bị tiến lên giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa.

- Củng cố Mặt trận Dân tộc thống nhất chống đế quốc xâm lược.

- Xây dựng và phát triển quân đội nhân dân.

- Chính sách dân tộc.

- Chính sách đối với tôn giáo.

- Chính sách đối với vùng bị địch chiếm.

- Chính sách đối với ngoại kiều.

- Chính sách đối ngoại.

- Ra sức ủng hộ cách mạng Campuchia và cách mạng Lào.

- Tích cực góp phần vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, dân chủ và độc lập dân tộc của nhân dân thế giới.

Báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam là một văn kiện lịch sử rất quan trọng. Nội dung của văn kiện đã bổ sung, hoàn chỉnh và phát triển lý luận của Đảng ta về cách mạng dân tộc dân chủ do giai cấp công nhân lãnh đạo, tiến hành trong điều kiện một nước thuộc địa, nửa phong kiến, trong thời đại mới quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, ở một dân tộc có truyền thống kiên cường, bất khuất hàng ngàn năm chống xâm lược. Nó là kim chỉ nam cho những chủ trương, chính sách cụ thể của Đảng trong cách mạng dân tộc dân chủ và phương hướng phấn đấu cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đưa sự nghiệp kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

Nội dung cơ bản của Báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam đã được đúc kết trong bản Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam.

Đại hội cũng thảo luận và nhất trí thông qua Điều lệ mới của Đảng Lao động Việt Nam. Điều lệ mới gồm có phần mục đích và tôn chỉ, 13 chương và 71 điều. Điều lệ xác định rõ mục đích của Đảng là phấn đấu để “phát triển chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên chế độ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, để thực hiện tự do, hạnh phúc cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và tất cả dân tộc đa số, thiểu số Việt Nam”.

Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và của nhân dân lao động Việt Nam. Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng và xây dựng Đảng theo nguyên tắc một Đảng vô sản kiểu mới, lấy tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt căn bản của Đảng; phê bình, tự phê bình và quy luật phát triển của Đảng; phục vụ nhân dân là mục tiêu hoạt động của Đảng.

Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Trung ương mới gồm 19 đồng chí ủy viên chính thức: Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Nguyễn Chí Thanh, Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Phan Đình Khải (Thọ), Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt, Chu Văn Tấn, Tôn Đức Thắng, Lê Văn Lương, Trần Đăng Ninh, Hoàng Văn Hoan, Trần Quốc Hoàn, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Duy Trinh, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Khiêm; 10 đồng chí ủy viên dự khuyết: Nguyễn Khang, Nguyễn Văn Trân, Hà Huy Giáp, Hồ Viết Thắng, Văn Tiến Dũng, Tố Hữu, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Văn Kỉnh, Nguyễn Chánh, Hoàng Anh.

Ban Chấp hành đã bầu Bộ Chính trị gồm có 7 đồng chí ủy viên chính thức: Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn, Hoàng Quốc Việt, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Chí Thanh và một đồng chí ủy viên dự khuyết là Lê Văn Lương. Bầu đồng chí Hồ Chí Minh là Chủ tịch Đảng. Đồng chí Trường Chinh là Tổng Bí thư.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng đánh dấu một mốc quan trọng trong quá trình lãnh đạo và trưởng thành của Đảng ta. Đường lối do đại hội vạch ra đã đáp ứng yêu cầu trước mắt của kháng chiến và yêu cầu lâu dài của cách mạng và thực sự là những đóng góp quý báu vào kho tàng lý luận cách mạng nước ta. (Còn tiếp)

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng đã tổng kết 21 năm Đảng lãnh đạo cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, 5 năm lãnh đạo chính quyền non trẻ và công cuộc kháng chiến kiến quốc; làm rõ những kinh nghiệm, bài học và lý luận cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và chiến tranh nhân dân; đánh giá bước phát triển của nửa đầu và dự báo sự phát triển của cách mạng nước ta nửa sau thế kỷ XX. Đại hội đã phát triển đường lối kháng chiến và đề ra những chính sách cụ thể để đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi hoàn toàn và chuẩn bị những tiền đề đi lên chủ nghĩa xã hội sau khi kháng chiến thành công.

Do sự phát triển và yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và kháng chiến, Đại hội quyết định xây dựng ở mỗi nước Đông Dương một Đảng Cộng sản riêng. Ở Việt Nam, Đảng lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng đánh dấu một mốc quan trọng trong quá trình lãnh đạo và trưởng thành của Đảng ta. Đường lối do Đại hội vạch ra đã đáp ứng yêu cầu trước mắt của kháng chiến và yêu cầu lâu dài của cách mạng, đồng thời đóng góp quý báu vào kho tàng lý luận cách mạng nước ta.

Dưới ánh sáng của đường lối Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng và các nghị quyết hội nghị Trung ương, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cải cách ruộng đất ngay trong chiến tranh, đẩy mạnh cuộc kháng chiến, giành nhiều thắng lợi trên các chiến trường cả nước trong Chiến dịch Đông - Xuân mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, đưa đến thắng lợi Hội nghị Giơ-ne-vơ, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, tạo tiền đề vững chắc để tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.

 

(Theo “Đảng và Hồ Chí Minh - cuộc song hành lịch sử”, NXB Lao Động năm 2013)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1573
Quay lên trên