Chia sẻ bài viết lên facebook

Những mốc son lịch sử của Đảng qua các kỳ đại hội - Bài 16

Cập nhật: 26-03-2015 | 09:41:07

Bài 16: Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng

(tiếp theo

Mặt khác, khó khăn còn do khuyết điểm, sai lầm của các cơ quan Đảng và Nhà nước ta từ Trung ương đến cơ sở về lãnh đạo và quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Đó là, chúng ta thấy chưa hết những khó khăn, phức tạp của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nền kinh tế mà sản xuất nhỏ còn phổ biến; lại phải gánh chịu hậu quả hết sức nặng nề của chiến tranh lâu dải và chủ nghĩa thực dân; 5 năm qua, chúng ta phải tiến hành chiến tranh giữ nước ngót 3 năm, lại thêm kẻ địch thường xuyên phá hoại về nhiều mặt. Cùng một lúc, nền kinh tế phải đáp ứng 3 yêu cầu cơ bản, rất cấp bách là bảo đảm nhu cầu bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm đời sống nhân dân và xây dựng từng bước cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Trong hoàn cảnh đó, khó khăn, mất cân đối là điều không thể tránh khỏi.

Tổng Bí thư Lê Duẩn với thanh niên Hà Nội, năm 1982 (ảnh tư liệu)

Khó khăn còn do chủ quan, nóng vội đề ra một số chỉ tiêu quá lớn về quy mô và quá cao về tốc độ xây dựng cơ bản và phát triển sản xuất, nhất là lúc ban đầu. Chúng ta đã duy trì quá lâu cơ chế quản lý hành chính quan liêu, bao cấp, chậm thay đổi các chính sách, chế độ kìm hãm sản xuất.

Báo cáo còn nhấn mạnh về tổ chức thực hiện, khuyết điểm, sai lầm của chúng ta là quan liêu, xa thực tế, không nhạy bén với cuộc sống, là bảo thủ, trì trệ, thiếu trách nhiệm trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội.

Công tác xây dựng Đảng có những mặt trì trệ kéo dài, chưa đi kịp và chưa bám sát những nhiệm vụ mới, nhất là những nhiệm vụ về cải tạo và xây dựng kinh tế. Đặc biệt, công tác cán bộ rất chậm trễ và bảo thủ trên tất cả các khâu đào tạo, sắp xếp, sử dụng và đãi ngộ.

Hiện nay, bọn phản động được Mỹ phụ họa và tiếp sức, đang tiến hành một kiểu chiến tranh phá hoại đối với Việt Nam trên các mặt trận quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa bằng nhiều lực lượng khác nhau và nhiều thủ đoạn rất thâm độc. Bằng chiến tranh tâm lý, chiến tranh gián điệp, chúng ra sức phá hoại ta về chính trị, tư tưởng và tổ chức, âm mưu chia rẽ các dân tộc, chia rẽ nhân dân với Đảng, ngấm ngầm nhen nhóm các lực lượng phản động, tổ chức các hoạt động chống đối hòng gây bạo loạn và lật đổ. Chúng phá hoại kinh tế, phá hoại sản xuất, đồng lõa với đế quốc thi hành chính sách cấm vận, đồng thời gieo rắc nọc độc văn hóa phản động, đồi trụy. Chúng tìm mọi cách bôi nhọ hình ảnh của Việt Nam hòng cô lập nước ta trên trường quốc tế…

Như vậy, đất nước ta đang ở trong tình thế vừa có hòa bình vừa phải đương đầu với một kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt… đồng thời, phải sẵn sàng đối phó với tình huống địch có thể gây chiến tranh xâm lược quy mô lớn.

Xuất phát từ tình hình nói trên, trong giai đoạn mới của cách mạng, toàn dân, toàn quân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phải đoàn kết một lòng, ra sức phấn đấu làm hai nhiệm vụ chiến lược:

Một là, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

Hai là, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hai nhiệm vụ chiến lược đó quan hệ mật thiết với nhau. Phải xây dựng chủ nghĩa xã hội đạt những kết quả thiết thực làm cho đất nước ta mạnh lên về mọi mặt và trong mọi hoàn cảnh thì mới có đủ sức đánh thắng mọi cuộc chiến tranh xâm lược của địch, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Ngược lại, có tăng cường phòng thủ đất nước, làm thất bại chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch và bảo đảm cho đất nước luôn luôn được bảo vệ vững chắc thì mới có điều kiện để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

“Tất cả vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc của nhân dân!”. Đó là khẩu hiệu hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, là sứ mệnh cao cả và thiêng liêng mà các thế hệ người Việt Nam chúng ta từ nay về sau phải gánh vác trước lịch sử dân tộc.

Trong khi thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược nói trên, chúng ta phải luôn luôn tăng cường tình đoàn kết chiến đấu và sự hợp tác toàn diện với Liên Xô, với Lào và Campuchia, với các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác, luôn luôn ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân tất cả các nước chống chủ nghĩa đế quốc và phản động quốc tế, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Báo cáo nhấn mạnh, trong khi không một phút lơi lỏng nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, Đảng và nhân dân ta phải đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội. “Đại hội chúng ta đã khẳng định tiếp tục thực hiện đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa và đường lối xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa do Đại hội lần thứ IV của Đảng vạch ra”.(1)

Báo cáo chính trị đề ra mục tiêu kinh tế - xã hội những năm 80 là:

1. Đáp ứng những nhu cầu cấp bách và thiết yếu nhất, dần dần ổn định, tiến lên cải thiện một bước đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân, trước hết giải quyết vững chắc vấn đề lương thực, thực phẩm, đáp ứng tốt hơn những nhu cầu về mặc, về học hành, chữa bệnh, về ở, đi lại, về chăm sóc trẻ em và các nhu cầu tiêu dùng thiết yếu khác.

2. Tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, chủ yếu nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, hàng tiêu dùng và xuất khẩu, đồng thời tăng thêm trang bị kỹ thuật cho các ngành kinh tế khác và chuẩn bị cho sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa của công nghiệp nặng trong chặng đường tiếp theo.

3. Hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở các tỉnh miền Nam; tiếp tục hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc; củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong cả nước.

4. Đáp ứng các nhu cầu của công cuộc phòng thủ đất nước, củng cố quốc phòng và giữ vững an ninh, trật tự.

Việc thực hiện 4 mục tiêu tổng quát nói trên đòi hỏi phải chuyển biến một bước cơ bản thực trạng của nền kinh tế:

Một, làm cho sản xuất thu nhập quốc dân từ chỗ chưa đủ để trang trải tiêu dùng xã hội, tiến tới bảo đảm được nhu cầu tiêu dùng xã hội và có tích lũy từ nội bộ nền kinh tế.

Hai, làm cho khối lượng và cơ cấu tổng sản phẩm xã hội từ chỗ quá thấp và mất cân đối nặng so với nhu cầu của nền kinh tế và của đất nước tiến tới đáp ứng được một phần quan trọng nhu cầu, kể cả thông qua xuất khẩu để nhập khẩu những sản phẩm mà trong nước chưa tạo ra được hoặc tạo ra chưa đủ.
(Còn tiếp)

(Theo “Đảng và Hồ Chí Minh - cuộc song hành lịch sử”, NXB Lao Động năm 2013)

 (1): Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, NXB Sự Thật, Hà Nội năm 1982, tập 1, tr.47  

“Đường lối xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa là: Đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa nước nhà, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, đưa nền kinh tế nước ta từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, kết hợp xây dựng công nghiệp và nông nghiệp cả nước thành một cơ cấu công - nông nghiệp; vừa xây dựng kinh tế Trung ương vừa phát triển kinh tế địa phương, kết hợp kinh tế Trung ương với kinh tế địa phương trong một cơ cấu kinh tế quốc dân thống nhất; kết hợp phát triển lực lượng sản xuất với xác lập và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới; kết hợp kinh tế với quốc phòng; tăng cường quan hệ hợp tác, tương trợ với các nước xã hội chủ nghĩa anh em trên cơ sở chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa, đồng thời phát triển quan hệ kinh tế với các nước khác trên cơ sở giữ vững độc lập, chủ quyền và các bên cùng có lợi; làm cho nước Việt Nam trở thành một nước xã hội chủ nghĩa có kinh tế công - nông nghiệp hiện đại, văn hoá và khoa học kỹ thuật tiên tiến, quốc phòng vững mạnh, có đời sống văn minh và hạnh phúc.

Đường lối chung và đường lối kinh tế là một thể thống nhất hoàn chỉnh, trong đó có mấy vấn đề cần đặc biệt chú ý là: nắm vững chuyên chính vô sản, xây dựng chế độ làm chủ tập thể của nhân dân lao động và tiến hành công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa.

Toàn bộ đường lối đó là sự vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta, là sự thể hiện luận điểm của Lênin về khả năng tiến lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa.

Đường lối chung và đường lối kinh tế chỉ đạo mọi hoạt động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong cả thời kỳ quá độ. Suốt quá trình cách mạng đó, chúng ta phải hiểu đúng và cụ thể hoá đường lối chung và đường lối kinh tế, căn cứ vào đường lối để vạch ra chiến lược kinh tế - xã hội, những kế hoạch phát triển, những chủ trương, chính sách và biện pháp lớn cho cả nước, cũng như cho từng ngành, từng lĩnh vực, sát với những điều kiện lịch sử cụ thể của đất nước, với những yêu cầu và khả năng của nhân dân ta trong từng chặng đường”.

(Báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1136
Quay lên trên