Chia sẻ bài viết lên facebook

Những mốc son lịch sử của Đảng qua các kỳ đại hội - Bài 17

Cập nhật: 27-03-2015 | 08:35:28

Bài 17: Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng

Đại hội đã xác định những chính sách lớn về kinh tế - xã hội:

1. Trước hết và quyết định hơn hết là kết hợp đúng đắn công nghiệp và nông nghiệp.

Trong 5 năm 1981-1985 và những năm 80, cần tập trung sức phát triển mạnh nông nghiệp, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, đưa nông nghiệp một bước lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, ra sức đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng và tiếp tục xây dựng một số ngành công nghiệp nặng quan trọng; kết hợp nông nghiệp, công nghiệp hàng tiêu dùng và công nghiệp nặng trong một cơ cấu công - nông nghiệp hợp lý. Đó là những nội dung chính của công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong chặng đường trước mắt. Đó cũng chính là thực hiện “ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ”, tạo ra lực lượng sản xuất mới trong chặng đường đầu tiên này, đồng thời chuẩn bị tiền đề và lực lượng cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong những năm tiếp sau, mà nội dung chính sẽ là xây dựng cơ cấu công - nông nghiệp hiện đại, lấy hệ thống công nghiệp nặng tương đối phát triển làm nòng cốt.

Tổng Bí thư Lê Duẩn (thứ hai từ trái sang) thăm một cơ sở sản xuất

2. Kết hợp đúng đắn xây dựng kinh tế Trung ương với phát triển mạnh kinh tế địa phương trong một cơ cấu kinh tế quốc dân thống nhất. Quan hệ giữa Trung ương và địa phương phải thể hiện đúng đắn nguyên tắc tập trung dân chủ, trên dưới gắn bó thống nhất với nhau. Khắc phục bệnh tập trung quan liêu, đồng thời uốn nắn những biểu hiện phân tán, vô tổ chức.

3. Bảo đảm sự phù hợp giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, luôn luôn kết hợp chặt chẽ cải tạo quan hệ sản xuất với tổ chức lại và phát triển sản xuất. Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác hóa nông nghiệp ở các tỉnh Nam bộ, từng bước phát huy tác dụng của hợp tác hóa đối với việc đưa nông nghiệp lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa và xây dựng nông thôn mới. Khắc phục xu hướng chần chừ, do dự, thiếu tích cực trong việc chỉ đạo phong trào hợp tác hóa, đồng thời tránh nóng vội, giản đơn, làm ồ ạt và nặng về hình thức. Tiếp tục điều chỉnh ruộng đất để bảo đảm cho mọi người nông dân lao động đều có ruộng cày; ở những nơi chưa cải tạo, phải thực hiện ngay việc điều chỉnh ruộng đất, tạo tiền đề cho hợp tác hóa. Cùng với việc phát triển tập đoàn sản xuất và hợp tác xã nông nghiệp, cần phát triển các hợp tác xã mua bán và hợp tác xã tín dụng.

Bằng những chính sách và các hình thức tổ chức sản xuất thích hợp, Nhà nước tăng cường mối liên hệ chặt chẽ với các tổ chức kinh tế tập thể và cá thể, chú ý liên kết các thành phần kinh tế dưới sự lãnh đạo của kinh tế quốc doanh, để khắc phục lợi ích của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và cải tạo xã hội chủ nghĩa theo hướng của kế hoạch Nhà nước.

4. Kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế theo một phương hướng cơ bản, lâu dài, đồng thời có dự kiến trước để kịp điều chỉnh cho phù hợp khi xảy ra biến động bảo đảm đánh thắng quân thù.

5. Kết hợp phát triển kinh tế trong nước với mở rộng quan hệ kinh tế với nước ngoài. Do tầm quan trọng đặc biệt của nó, công tác kinh tế đối ngoại phải được tăng cường. Nắm vững nguyên tắc chiến lược và phương hướng chủ yếu của công tác kinh tế đối ngoại là: mở rộng và tăng cường hợp tác toàn diện với Liên Xô và phát triển hợp tác với các nước khác trong Hội đồng Tương trợ kinh tế(1), theo hướng liên kết kinh tế xã hội chủ nghĩa, tích cực tham gia vào quá trình phân công lao động quốc tế, chuyên môn hóa và hợp tác sản xuất trên những lĩnh vực thích hợp; mở rộng hợp tác toàn diện và giúp đỡ lẫn nhau với Lào và Campuchia để phát huy tiềm năng kinh tế của mỗi nước; đồng thời mở rộng thích đáng quan hệ kinh tế với các nước ngoài hệ thống xã hội chủ nghĩa. Hết sức xem trọng hiệu quả kinh tế, sử dụng tốt vốn vay và viện trợ; ra sức phát huy tác dụng cực kỳ to lớn của sự giúp đỡ của Liên Xô và các nước anh em khác; phấn đấu thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình, xây dựng sự tín nhiệm quốc tế rộng rãi; kiên quyết khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự viện trợ của bên ngoài.

Chính sách của ta là Nhà nước độc quyền ngoại thương và Trung ương thống nhất quản lý công tác ngoại thương. Theo tinh thần ấy, Nhà nước cần có những chính sách và quy chế thích hợp để khuyến khích mở rộng và để quản lý tốt các hoạt động xuất - nhập khẩu. Một phương hướng quan trọng của Nhà nước ta là tổ chức sự hợp tác có hiệu quả với nước ngoài để tăng nhanh năng lực xuất khẩu của ta.

6. Mở rộng phân công lao động, phân bố lại và sử dụng tốt lao động trong cả nước để tăng năng suất lao động. Trong những năm 1981-1985, phải mở rộng phân công lao động, bố trí, sử dụng tốt lực lượng lao động tại chỗ trên địa bàn huyện, đồng thời chuyển một lực lượng lớn lao động của các vùng đông dân, các thành phố, đi đến những huyện ít dân cùng đồng bào địa phương phát triển sản xuất, đi xây dựng các vùng kinh tế mới về nông nghiệp và lâm nghiệp, đi xây dựng các công trình thủy lợi, giao thông và công nghiệp quan trọng.

7. Đẩy mạnh công tác khoa học, kỹ thuật. Gắn các hoạt động khoa học, kỹ thuật với sản xuất, đời sống, quốc phòng. Làm tốt công tác nghiên cứu khoa học. Phát huy đích đáng vai trò của từng bộ môn khoa học; đồng thời kết hợp chặt chẽ khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật; rất coi trọng tổ chức sự cộng tác và phối hợp giữa các bộ môn khoa học bằng những hình thức hoạt động liên ngành, để cùng nhau nghiên cứu, giải quyết các vấn đề khoa học, kỹ thuật quan trọng. Đặc biệt phải làm tốt công tác ứng dụng rộng rãi, nhanh chóng các thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, vào quản lý, vào các mặt khác của đời sống kinh tế, xã hội.

8. Giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa tích lũy và tiêu dùng, vừa bảo đảm đời sống và nhu cầu quốc phòng và an ninh hiện nay, vừa xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội để cải thiện đời sống, bảo đảm nhu cầu quốc phòng và an ninh ở mức cao hơn trong tương lai.

9. Thiết lập trật tự mới, xã hội chủ nghĩa, trên mặt trận phân phối, lưu thông, để góp phần ổn định đời sống, đẩy mạnh sản xuất, chuyển biến tốt tình hình kinh tế và xã hội. Phải kết hợp chặt chẽ cả 3 loại biện pháp: Kinh tế, hành chính và giáo dục, trong đó biện pháp kinh tế là gốc. Nhà nước phải có chính sách thúc đẩy sản xuất và nắm nguồn hàng của khu vực kinh tế tập thể và cá thể bằng thu thuế hiện vật, thu mua theo nghĩa vụ và qua hợp đồng hai chiều; các ngành, các cấp, phải ra sức đấu tranh chống ăn cắp, lãng phí hàng hóa, vật tư của Nhà nước. Sớm thực hiện một chính sách tài chính, tiền tệ tích cực phù hợp với chặng đường hiện nay. (Còn tiếp)

“Đưa nông nghiệp lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa hoàn toàn không phải là phát triển nông nghiệp một cách đơn độc, mà chính là trong một cơ cấu kết hợp chặt chẽ và đúng đắn nông nghiệp với công nghiệp. Phát triển nông nghiệp phải kết hợp với phát triển công nghiệp hàng tiêu dùng, cả chiều rộng lẫn chiều sâu từ công nghiệp thực phẩm, công nghiệp nhẹ đến các ngành, nghề tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp ở thành thị và nông thôn. Đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng là một hướng cực kỳ quan trọng để đáp ứng nhu cầu vật chất và văn hóa của xã hội, mở rộng thị trường trong nước, tạo nguồn hàng xuất khẩu quan trọng, mở rộng thị trường ra ngoài nước. Đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng là nâng cao giá trị nông sản, làm cho Nhà nước có hàng để trao đổi với nông dân, kích thích sản xuất nông nghiệp; là mở rộng phân công lao động, tạo thêm việc làm, phát triển kinh tế, tăng năng suất lao động xã hội, tăng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân trong chặng đường hiện nay. Kiểm kê, phân loại tất cả các ngành, nghề, thực hiện một sự phân công và hiệp tác hợp lý trong cả nước, phát huy khả năng của công nghiệp Trung ương, công nghiệp địa phương, tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp và sử dụng từng người thợ thủ công cá thể, để phát triển sản xuất ở các thành phố lớn, các thị xã và ở nông thôn. Tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp ở nước ta có tiềm năng to lớn, là một bộ phận quan trọng của công nghiệp hàng tiêu dùng, đã và đang được cải tạo và tổ chức lại thành một bộ phận kinh tế xã hội chủ nghĩa, có vị trí trọng yếu lâu dài trong nền kinh tế quốc dân, đặc biệt trong chặng đường đầu tiên này. Trước mắt, coi trọng giải quyết tốt việc tăng cường trang bị kỹ thuật và cải tiến kỹ thuật, sản xuất và cung ứng nguyên liệu, sử dụng các đòn bẩy kinh tế, khuyến khích thích đáng tập thể và cá nhân người lao động, để phát triển mạnh mẽ tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, từ những ngành, nghề cổ truyền đến những ngành, nghề mới xuất hiện”.

(Báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V)

 

(1): Hội đồng Tương trợ kinh tế (SEV) ra đời vào tháng 1-1949, nhằm tăng cường hợp tác giữa các nước xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm dần sự chênh lệch về trình độ kinh tế giữa các nước này

 

(Theo “Đảng và Hồ Chí Minh - cuộc song hành lịch sử”, NXB Lao Động năm 2013)

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1092
Quay lên trên