Chia sẻ bài viết lên facebook

Những mốc son lịch sử của Đảng qua các kỳ đại hội - Bài 23

Cập nhật: 03-04-2015 | 08:57:25

Bài 23: Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X Đảng Cộng sản Việt Nam - Đại hội của trí tuệ, đổi mới, đoàn kết và phát triển bền vững - họp từ ngày 18 đến 25-4-2006 tại thủ đô Hà Nội. Dự đại hội có 1.176 đại biểu thay mặt cho hơn 3,1 triệu đảng viên trong toàn Đảng, trong đó có 144 đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, 1.023 đại biểu được bầu cử từ đại hội các Đảng bộ trực thuộc Trung ương và 9 đại biểu của Đảng bộ ngoài nước do Trung ương chỉ định theo quy định của Điều lệ Đảng.

Dự đại hội có các đại biểu khách mời: Đồng chí Đỗ Mười, đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đồng chí Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam và các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng; các đồng chí nguyên Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ các khóa; các đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Đảng các khóa II, III, IV; các đồng chí Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa IX; đại biểu các bà mẹ Việt Nam anh hùng; các nhân sĩ trí thức; đại biểu các tôn giáo; đại biểu thanh niên tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam.

 Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X Đảng Cộng sản Việt Nam họp từ ngày 18 đến 25-4-2006 tại thủ đô Hà Nội (Ảnh tư liệu)

Đồng chí Trần Đức Lương, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thay mặt Đoàn Chủ tịch đọc Diễn văn khai mạc đại hội. Diễn văn nhấn mạnh: Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra trong thời điểm lịch sử có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Sự nghiệp đổi mới trên đất nước ta đã trải qua 20 năm. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vừa kết thúc 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, cũng là 5 năm đầu tiên của thế kỷ XXI. Nhìn khái quát 20 năm đổi mới chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, đã đưa lại cho đất nước ta một sự thay đỏi cơ bản, toàn diện, làm cho thế và lực, uy tín quốc tế của nước ta tăng lên nhiều so với trước.

Đại hội X của Đảng có nhiệm vụ nhìn thẳng vào sự thật để kiểm điểm, đánh giá khách quan, toàn diện thành tựu và những yếu kém, khuyết điểm, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm qua việc thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2001-2005), chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2001-2010) và nhìn lại 20 năm đổi mới; từ đó tiếp tục phát triển và hoàn thiện đường lối, quan điểm, định ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm tới (2006-2010); phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng; bổ sung sửa đổi một số điểm trong Điều lệ Đảng; bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa X.

Đồng chí Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đọc báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về các văn kiện trình Đại hội X. Báo cáo chính trị đã nêu: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001 - 2005 được triển khai thực hiện trong tình hình chính trị, xã hội nước ta cơ bản ổn định, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và thực lực nền kinh tế tiếp tục được tăng cường, quan hệ quốc tế không ngừng mở rộng, những tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế - tài chính khu vực năm 1997 đã được khắc phục. Tuy nhiên, những diễn biến phức tạp của tình hình chính trị và an ninh quốc tế, sự phục hồi chậm của nền kinh tế thế giới và những biến động giá cả trên thị trường quốc tế, nạn dịch bệnh mới xuất hiện, những diễn biến phức tạp về thời tiết và khí hậu, sự chống phá của các thế lực thù địch đã gây nhiều khó khăn cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ do Đại hội IX đề ra. Công cuộc phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được những thành tựu rất quan trọng nhưng vẫn còn dưới mức khả năng phát triển của đất nước; hoạt động kinh tế, xã hội còn nhiều yếu kém, bất cập.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã quyết định:

- Thông qua Báo cáo chính trị, Báo cáo về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006- 2010) và Báo cáo về công tác xây dựng Đảng của Ban Chấp hành Trung Đảng khóa IX trình đại hội; giao Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X căn cứ vào kết quả biểu quyết và những kết luận của đại hội để hoàn chỉnh và chính thức ban hành.

- Thông qua toàn văn Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam đã được bổ sung, sửa đổi.

- Giao Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X và các cấp ủy, tổ chức Đảng xây dựng chương trình và kế hoạch hành động cụ thể để tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối và những chủ trương đã nêu trong các văn kiện đại hội.

Đồng chí Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đọc diễn văn bế mạc đại hội đã nhấn mạnh: Thành công của Đại hội X của Đảng cổ vũ mạnh mẽ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiến lên tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ hơn, phát triển với tốc độ nhanh hơn và bền vững hơn. Đại hội chân thành cảm ơn các Đảng Cộng sản và công nhân, các Đảng cầm quyền của các nước, các tổ chức quốc tế đã gửi thiệp chúc mừng đến đại hội.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X gồm 160 ủy viên chính thức và 21 ủy viên dự khuyết. Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã bầu Bộ Chính trị gồm 14 đồng chí, Ban Bí thư Trung ương Đảng gồm 8 đồng chí. Đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu lại làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X. (Còn tiếp)

“Kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh theo phương châm: Phát triển kinh tế - xã hội là nền tảng để bảo vệ Tổ quốc; ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh vững mạnh là điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện tốt đường lối đối ngoại, tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ mọi cơ hội củng cố hòa bình, ổn định để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đặc biệt là vùng biển, đảo. Sự kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh phải được thực hiện ngay trên từng địa bàn lãnh thổ, từ công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch và hình thành các dự án đầu tư phát triển. Xây dựng tỉnh, huyện thành khu vực phòng thủ vững chắc.

Bố trí thế trận quốc phòng, an ninh phù hợp với tình hình mới và kết hợp chặt chẽ với phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy các nguồn lực, lồng ghép các chương trình, các dự án để xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng ở vùng biên giới, hải đảo. Rà soát lại quy hoạch và điều chỉnh đất quốc phòng, an ninh đáp ứng được yêu cầu về bố trí chiến lược quốc phòng, dành thêm đất cho phát triển kinh tế - xã hội. Có chính sách đặc biệt phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân tại các khu vực có yêu cầu đặc thù về quốc phòng, an ninh.

Tiếp tục sắp xếp lại và nâng cao khả năng bảo đảm của công nghiệp quốc phòng; tập trung đầu tư vào những khâu đặc thù phục vụ quốc phòng, an ninh mà công nghiệp dân sinh không có khả năng bảo đảm. Mở rộng phương thức huy động vốn xây dựng công nghiệp quốc phòng. Có chính sách khuyến khích các nhà máy công nghiệp quốc phòng sản xuất các sản phẩm dân dụng để tăng thêm năng lực phát triển”.

(Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010)

 

(Theo “Đảng và Hồ Chí Minh - cuộc song hành lịch sử”, NXB Lao Động năm 2013)

 

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1683
Quay lên trên