Bài 21: Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra từ ngày 28-6 đến 1-7-1996, tại hội trường Ba Đình, Hà Nộ. (Ảnh tư liệu)
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra từ ngày 28-6 đến 1-7-1996, tại hội trường Ba Đình, Hà Nội. Dự đại hội có 1.198 đảng viên đại diện cho gần 2 triệu 130 ngàn đảng viên trong cả nước.
Sau 4 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, đại hội đã thông qua những văn kiện quan trọng sau đây:
1.Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII.
2. Phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (1996-2000).
3. Điều lệ Đảng (bổ sung, sửa đổi).
4. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Đảng Cộng sản Việt Nam.
Báo cáo đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VII như sau:
5 thành tựu quan trọng:
1. Đẩy nhanh nhịp độ phát triển kinh tế, hoàn thành vượt mức nhiều mục tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm.
2. Tạo được một số chuyển biến tích cực về mặt xã hội.
3. Giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh.
4. Thực hiện có hiệu quả một số đổi mới quan trọng về hệ thống chính trị.
5. Phát triển mạnh mối quan hệ đối ngoại, phá thế bao vây cấm vận, tham gia tích cực vào đời sống cộng đồng quốc tế.
Những khuyết điểm và yếu kém:
1. Nước ta còn nghèo và kém phát triển. Chúng ta chưa thực hiện tốt cần kiện trong sản xuất, tiết kiệm trong tiêu dùng, dồn vốn cho đầu tư phát triển.
Nhà nước còn thiếu chính sách để huy động có hiệu quả nguồn vốn trong dân. Sử dụng nguồn lực còn phân tán, kém hiệu quả, chưa kiên quyết tập trung cho các chương trình, dự án kinh tế - xã hội cấp thiết.
2. Tình hình xã hội còn nhiều vấn đề tiêu cực và nhiều vấn đề phải giải quyết. Nạn tham nhũng, buôn lậu, lãng phí của công chưa ngăn chặn được. Tiêu cực trong bộ máy Nhà nước, Đảng và đoàn thể, trong các doanh nghiệp Nhà nước, nhất là trên các lĩnh vực nhà đất, xây dựng cơ bản, hợp tác đầu tư, thuế, xuất nhập khẩu… nghiêm trọng kéo dài. Việc làm đang là vấn đề gay gắt. Sự phân hóa giàu nghèo giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn và giữa các tầng lớp dân cư tăng nhanh.
3. Việc lãnh đạo xây dựng quan hệ sản xuất mới có phần vừa lúng túng, vừa buông lỏng. Chậm tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Nhà nước nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân. Chưa quan tâm tổng kết thực tiễn.
4. Quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội, các hoạt động khoa học và công nghệ, bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái, giáo dục, đào tạo, thông tin, báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ chưa tốt.
5. Hệ thống chính trị còn nhiều nhược điểm. Năng lực và hiệu quả lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý, điều hành của Nhà nước, hiệu quả hoạt động của các đoàn thể chính trị, xã hội chưa nâng lên kịp với đòi hỏi của tình hình.
Đánh giá tổng quát sau 10 năm thực hiện đường lối đổi mới toàn diện và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VII, Báo cáo chính trị khẳng định đất nước ta vượt qua một giai đoạn thử thách gay go và đạt những thắng lợi nổi bật trên nhiều mặt.
Công cuộc đổi mới trong 10 năm qua đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa rất quan trọng. Nhiệm vụ do Đại hội VII, đề ra cho 5 năm 1991-1995 đã được hoàn thành về cơ bản. Nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, nhưng một số mặt còn chưa vững chắc.
Nhiệm vụ đề ra cho chặng đường đầu của thời kỳ quá độ là chuẩn bị những tiền đề cho công nghiệp hóa đã cơ bản hoàn thành cho phép chuyển sang thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tổng kết 10 năm đổi mới và 6 bài học chủ yếu:
1. Giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong quá trình đổi mới; nắm vững hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kiên trì chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
2. Kết hợp chặt chẽ ngay từ đầu đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, đồng thời từng bước đổi mới chính trị.
3. Xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường đi đôi với tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
4. Mở rộng và tăng cường đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh của cả dân tộc.
5. Mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân thế giới, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
6. Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt”.
Trên cơ sở phân tích những đặc điểm nổi bật của tình hình thế giới, những xu thế chủ yếu trong quan hệ quốc tế, nêu rõ những thời cơ và thách thức lớn, đại hội định ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2000 và 2020 của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là: Tiếp tục nắm vững hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nước ta thành một nước công nghiệp có cơ sở - kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần cao, quốc phòng, an ninh vững chắc, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.
Từ nay đến 2020, ra sức phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp.
Trên cơ sở mục tiêu tổng quát, đại hội chỉ rõ nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu của giai đoạn 1996-2000 là:
Tập trung sức cho mục tiêu phát triển, đến năm 2000, GDP bình quân đầu người tăng gấp đôi năm 1990. Nhịp độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm đạt khoảng 9 - 10%.
Phát triển toàn diện nông, lâm, ngư nghiệp, gắn với công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và đổi mới cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp bình quân hàng năm 4,5 - 5%.
Phát triển các ngành công nghiệp, chú trọng trước hết công nghiệp chế biến, công nghiệp hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu; xây dựng có chọn lọc một số cơ sở công nghiệp nặng về dầu khí, than, xi măng, cơ khí, điện tử, thép, phân bón, hóa chất, một số cơ sở công nghiệp quốc phòng. Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân hàng năm 14 - 15%.
Đến năm 2000, tỷ trọng công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 34 - 35% trong GDP; nông, lâm, ngư nghiệp chiếm khoảng 45 - 46%.
Tăng nhanh khả năng và tiềm lực tài chính của đất nước, lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia. Huy động 20 - 21% GDP vào ngân sách thông qua thuế và phí; kiềm chế bội thu ngân sách không quá 4,5% GDP; thực hiện cam kết trả nợ.
Mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại.
Giải quyết tốt một số vấn đề xã hội.
Bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của Tổ quốc, giữ vững ổn định chính trị và an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vững mạnh, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống.
Tích cực chuẩn bị và tạo tiền đề vững chắc cho bước phát triển cao hơn sau năm 2000, chủ yếu là phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực khoa học và công nghệ, xây dựng kết cấu hạ tầng và một số công trình công nghiệp then chốt, hình thành đồng bộ cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII gồm có 170 đồng chí ủy viên chính thức. Hội nghị lần thứ nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) đã bầu Bộ Chính trị gồm 23 đồng chí. Tháng 12-1997, đồng chí Nguyễn Minh Triết được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị khóa VIII.
Bộ Chính trị cử ra Thường vụ Bộ Chính trị gồm 7 đồng chí: Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt, Lê Khả Phiêu, Nguyễn Tấn Dũng, Nông Đức Mạnh (bổ sung từ tháng 1-1998), Phạm Thế Duyệt (bổ sung từ tháng 10-1998).
Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công. (Còn tiếp)
(Theo “Đảng và Hồ Chí Minh - cuộc song hành lịch sử”, NXB Lao Động năm 2013)