Đất nước trải qua chiến tranh, hàng triệu người đã hy sinh trên khắp các chiến trường và hiện có biết bao phần mộ còn ẩn khuất nơi rừng sâu núi thẳm. Những liệt sĩ (LS) may mắn hơn được quy tập về an nghỉ nơi nghĩa trang hương khói đàng hoàng thì cũng còn nhiều lắm trong tình trạng chưa xác định được tên. Thể hiện nghĩa tình đồng đội, cũng như tấm lòng tri ân, nhiều cựu chiến binh (CCB), thanh niên, không quản mưa nắng dốc lòng canh “giấc ngủ” cho LS.
Nghĩa tình đồng đội
Năm nay ông Nguyễn Văn Xuân, 81 tuổi. Ở cái tuổi đáng được nghỉ ngơi, nhưng ngày ngày ông vẫn cần mẫn chăm sóc Nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) Bến Cát. Sau gần 24 năm trở thành người canh “giấc ngủ” cho LS, tóc ông giờ bạc đi nhiều, mắt cũng ngày càng mờ, duy chỉ tấm lòng là vẫn mãi son sắt. Ông sinh ra và lớn lên tại Quảng Ngãi, tham gia kháng chiến chống Pháp (năm 1950), tập kết ra Bắc (1954-1958). Sau đó, ông được điều về làm kinh tế tại Nông trường Bò sữa Ba Vì (Hà Tây). Năm 1975, ông được chuyển công tác về nông trường của Trung tâm Nghiên cứu trâu sữa và đồng cỏ, thuộc Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp), đóng ở xã Lai Khê, huyện Bến Cát, tỉnh Sông Bé (cũ). Nghỉ hưu năm 1990, trở về với đời thường bằng đôi chân đã từng băng qua lửa đạn chiến tranh, mỗi ngày ông đều thầm lặng với công việc chăm sóc phần mộ các LS.
Ông Thạch Hà bên những phần mộ của liệt sĩ
Ông Xuân kể lại, trước đây, NTLS Bến Cát giao cho dân quản lý nên ngập trong cỏ. Muốn tìm được mộ LS phải “vượt qua” thảm cỏ dày đặc. Lúc này, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đã thuê 80 công về dọn dẹp. Hiện nay, NTLS Bến Cát có 1.413 mộ có tên, 2.094 mộ không tên, 17 mộ cựu chiến binh từ trần. “Để làm tốt việc chăm sóc nghĩa trang không đơn giản mà phải có một cái tâm, một tình yêu đồng đội và cả một bầu nhiệt huyết của người lính Cụ Hồ”, ông Xuân nhấn mạnh.
Đối với ông, công việc này không quy định giờ làm việc và cũng không có ngày nghỉ. Ban ngày ông dọn dẹp nghĩa trang, đêm đến thắp hương cho đồng đội. Nhiều đêm khó ngủ, ông tới mộ LS, ngồi tâm sự như đang nói chuyện với đồng đội của mình. “Sống tại đây 24 năm, nơi đây như nhà của tôi. Đi đâu, tôi cũng nhớ và muốn trở về. Nhiều lúc phải đi xa, tâm can tôi cứ bồn chồn không yên. Hàng ngày, tôi thích đi lòng vòng để LS dưới kia biết có người vẫn luôn bên họ”, ông Xuân bộc bạch. Ông nói thêm, được chăm sóc, canh “giấc ngủ” cho các đồng chí, đồng đội trong cuộc sống hòa bình hôm nay, tôi cảm thấy rất vinh dự và sẽ làm cho đến khi nào không còn sức khỏe.
Đến với NTLS Dĩ An, cây cảnh được chăm sóc xanh tốt, hàng trăm phần mộ LS được dọn vệ sinh sạch sẽ. Có được điều đó, phần lớn là nhờ bàn tay cần mẫn, khéo léo và tinh thần trách nhiệm của người quản trang nơi đây - CCB Thạch Hà (SN 1967). Cũng là một người lính từng xông pha trận mạc, sau khi xuất ngũ, ông về địa phương sinh sống và tình nguyện làm quản trang. “Mấy năm nay, thời gian tôi sống ngoài nghĩa trang, bên phần mộ của các LS có khi còn nhiều hơn ở nhà”, ông Thạch Hà nói.
Đi bộ đội năm 1985 tại D2, Trung đoàn 4, Sư đoàn 5 (Campuchia), ông Thạch Hà cùng đồng đội hết mình giúp đỡ nhân dân Campuchia. Nhiều trận đánh ác liệt, đồng đội hy sinh khiến người CCB ấy rất đau lòng. Từ đó, ông càng căm thù và quyết tâm chiến đấu, cũng như làm mọi việc thể hiện tấm lòng dành cho đồng đội đã “yên nghỉ”. Năm 2000, ông xin nhận chăm sóc NTLS Dĩ An. Công việc thường ngày của ông là nhổ cỏ, quét dọn, hương khói, bố trí hướng dẫn việc quy tập hài cốt LS vào nghĩa trang; hướng dẫn các thân nhân tìm mộ LS... Ông Thạch Hà tâm sự: “Tôi cũng từng cầm súng chiến đấu trên các chiến trường, nhưng may mắn là còn được sống, thấy cảnh đất nước thanh bình, phát triển. Vì thế, tham gia làm quản trang, chăm sóc mộ cho đồng chí, đồng đội đã hy sinh anh dũng cũng là cách để bản thân tôi tri ân và nhớ lại những kỷ niệm thời kháng chiến”.
Thế hệ trẻ tri ân
Bên cạnh việc thể hiện nghĩa tình đồng đội bằng cách chăm sóc NTLS của những CCB, chúng tôi còn được gặp gỡ những thanh niên đôi mươi nhiệt huyết với những công việc “không tên”. Tại NTLS tỉnh có 12 cán bộ trẻ, trong đó 8 người trực tiếp dọn dẹp vệ sinh, bảo vệ. Hàng ngày, họ chăm sóc hơn 5.300 mộ. Bạn Châu Thành Trung (SN 1994), ngụ tại phường Bình Hòa, TX.Thuận An là một trong những người trẻ nhất tại NTLS. Hiện nay, Trung đang theo học khoa Công tác xã hội, trường Đại học Thủ Dầu Một (hệ vừa học vừa làm). Thời gian rảnh Trung tham gia dọn dẹp nghĩa trang. Đối với Trung, công việc này giúp em nhận ra nhiều điều về cuộc sống. Hàng ngày tiếp xúc với những phần mộ, có LS hy sinh ở độ tuổi đang còn rất trẻ làm cho em thêm quyết tâm. Trung tự nhủ, các LS đã hy sinh ở để cho lớp trẻ có cuộc sống hòa bình, ấm êm, do đó bản thân sẽ cố gắng nỗ lực.
Tâm sự với chúng tôi, những người quản trang trẻ tuổi cho biết “đây vừa là trách nhiệm, vừa là cách để tri ân những anh hùng LS đã hy sinh vì độc lập của dân tộc”. Đối với anh Nguyễn Tấn Đạt (SN 1984), từ nhỏ đến lớn đã theo chân mẹ vào NTLS chăm sóc các phần mộ. Học xong Đại học Kinh tế TP.HCM, chuyên ngành Quản trị kinh doanh, Đạt không chọn làm việc tại các công ty, doanh nghiệp mà về với NTLS. Những ngày đầu, gác lại tấm bằng đại học, Đạt bắt tay nhổ cỏ, quét rác, sửa chữa mộ… Sau đó, anh được cân nhắc lên làm văn phòng quản lý danh sách LS tại NTLS tỉnh. Xong công việc văn phòng, Đạt lại xuống khu mộ cùng các thành viên tổ quản trang dọn dẹp, sơn sửa lại mộ. Tấn Đạt nói: “Chiến tranh đã đi qua, nhưng những gì mà các anh hùng LS đã dâng hiến cho đất nước thật quá lớn lao. Được làm việc ở nghĩa trang này, tôi cảm thấy rất vui và đầy tự hào”.
NTLS là nơi thiêng liêng, chôn cất các anh hùng LS có công với nước, nên trách nhiệm của mỗi người đang sống là rất lớn. Hy vọng, với tinh thần trách nhiệm của những người quản trang, sự quan tâm của toàn xã hội, các anh hùng LS khi yên giấc nơi cõi vĩnh hằng sẽ cảm thấy ấm lòng, không hề cô đơn.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 6 NTLS ở các huyện, thị (Bến Cát, Tân Uyên, Dầu Tiếng, Phú Giáo, Dĩ An, NTLS tỉnh). Thể hiện sự tri ân, nhiều địa phương đã xây dựng, sửa chữa NTLS xanh, đẹp; trồng cây xanh; gắn đèn năng lượng mặt trời, tổ chức viếng NTLS nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của những người con ưu tú của dân tộc đã hy sinh anh dũng vì dân, vì nước; phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” và đẩy mạnh phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình LS, gia đình người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh.
THIÊN LÝ - AN NHIÊN