Những người… “đếm nắng, đo mưa”

Cập nhật: 19-07-2011 | 00:00:00

Bất chợt giữa đêm khuya có một cơn mưa lớn, với nhiều người thì cứ vô tư trùm kín chăn chìm sâu trong giấc ngủ; nhưng với anh em làm công tác khí tượng thủy văn thì lương tâm không cho phép. Bất kể giờ nào, ở đâu, họ cũng phải lập tức quay về trạm để nắm tình hình, đưa ra những số liệu cụ thể kịp thời cảnh báo. Cái công việc “đếm nắng, đo mưa” ấy, xem ra chỉ dành riêng cho những ai thực sự yêu nghề...

Tôi gặp lại một số anh em đang công tác ở Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh một ngày đầu tháng 7, bây giờ họ đã già đi nhiều nhưng niềm đam mê công việc thì vẫn không đổi. Ở họ, ai cũng có chút hài hước, mến khách, nhưng luôn nghiêm khắc với những con số, việc làm. Nói như các anh thì cái tính hài hước ấy một phần do nghề nghiệp tạo ra. Bởi ai cũng đi nhiều, từng trải bao gian nguy, khổ cực; nên hài là để xả stress, để xóa dần những toan tính nhỏ nhoi trong cuộc sống.

Chinh phục rừng sâu

Ông Phan Văn Chức, Giám đốc trung tâm kể: vào năm 1985, ông cùng các đồng nghiệp phải đi khắp các trạm thủy văn trong tỉnh. Có khi chỉ là kiểm tra, cũng có khi được phân công trực chiến ở các trạm cấp 1 để đo mực nước, lưu lượng nước để kịp báo cáo tình hình về trung tâm. Gian khổ rất nhiều, nhưng đã để lại trong lòng ông không ít kỷ niệm đẹp, những kỷ niệm mà chỉ theo nghề mới có. Ông nhớ nhất là những ngày ở trạm Sơn Giang, một trạm thủy văn nằm lọt giữa rừng bên bờ sông Bé. “Từ đường lộ vào đến trạm chỉ khoảng 20km, nhưng ông cùng các đồng nghiệp có khi phải mất gần cả ngày mới vào được trạm. Hồi đó không có xe máy như bây giờ, chúng tôi chỉ đi xe đạp. Đường vào trạm bùn đất sình lầy, lại phải băng qua nhiều cây cầu, nên thường vác xe trên vai lội bộ nhiều hơn đạp. Cả tuần, chúng tôi mới dám ra Phước Long một lần để tìm mua thêm nhu yếu phẩm, nhưng khổ lắm. Gặp những lúc mưa to, nước ở các con suối đổ về như thác không thể vượt qua, vậy là chỉ còn cách quay ra xin ngủ nhờ nhà dân. Có khi mệt quá thì vào đại căn chòi trên rẫy của người dân tộc thiểu số ngủ luôn” - ông Chức nhớ lại.

 Ông Chức đang nói về hệ thống đo ánh nắng mặt trời

Trạm thủy văn Sơn Giang lúc ấy có 5 người trực chiến, hầu hết đều có gia đình ở dưới Bình Dương. Hàng ngày, họ đo đạc, làm số liệu rất kỹ để gửi về trung tâm. Rảnh ra là họ lao ra sông cắm câu, giăng lưới. Công việc ấy vừa giúp anh em thư giãn, vừa cải thiện bữa ăn. Lúc đó, những cán bộ như ông Chức được phát lương thực theo chế độ tem phiếu nên rất khó khăn. Ông tâm sự: “Khổ nhưng vui, lúc đó cá ở trên sông rất nhiều, giờ nhớ lại tôi ao ước được một lần cắm câu trên dòng sông Bé ngày nào”. Sống đơn độc giữa rừng sâu, không điện, không tivi; nhu cầu thưởng thức văn hóa của các anh chỉ là chiếc radio luôn theo sát bên người. Mỗi lần về thăm nhà, các anh tranh thủ tìm mua, mượn thật nhiều sách, truyện để đọc dần. Và một món không thể thiếu trong mỗi chuyến đi là bao thuốc rê và mấy ký trà. “Buồn lắm, đêm nào cũng chỉ nghe tiếng xào xạc của lá cây, tiếng mễn tác; anh em pha ấm trà ngồi kể nhau nghe chuyện gia đình, thời sinh viên, bạn gái, phân tích nội dung vài bộ phim... chỉ có vậy mà năm này qua năm khác cũng không hết chuyện” - ông Chức trầm ngâm nhớ chuyện xưa.

 Giống như những đồng nghiệp của mình, chị Nguyễn Thị Tuyến đang công tác ở bộ phận dự báo viên của trung tâm cũng từng “nếm” không ít khó khăn khi mới vào nghề. Đặc biệt với nữ giới, nghề nghiệp đòi hỏi phải nỗ lực gấp bội. Quê ở Hải Phòng, năm 1990, sau khi tốt nghiệp trung học, chị vào công tác ở Đài Khí tượng thủy văn Tiền Giang. Thời gian đầu, khi được điều xuống Trạm Thủy văn Long Định huyện Châu Thành, chị đã gặp không ít khó khăn trong sinh hoạt. Trạm nằm sát mép sông Kênh Xáng, nơi đây có một khu chợ khá lớn, vậy là hàng ngày bao nhiêu chất thải đều tuồn hết xuống sông. Người dân thì vô tư làm nhà vệ sinh trên mặt nước. Chị bảo, có khi vừa đi vệ sinh xong, họ lại quay sang múc nước sông lên sinh hoạt. Nhìn thấy cảnh tượng ấy mà chị không khỏi rùng mình. Thời gian đầu cơ thể chị gầy đi rất nhiều, nhưng vì yêu nghề, quyết tâm bám trụ với công việc, chị buộc mình phải thích nghi với môi trường. Hàng ngày, phải lắng lọc từng xô nước để tắm, chắt chiu từng giọt nước mưa để dành nấu ăn...

Đối mặt hiểm nguy

Tuy là lớp đàn em của anh Chức, nhưng anh Nguyễn Duy Bân, đang đảm nhận công việc dự báo cũng đã từng trải bao thăng trầm của nghề. Anh Bân kể, sau khi tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành khí tượng ở Hà Nội, anh về nhận công tác tại Trạm Thủy văn Phước Hòa, Phú Giáo. Đây cũng là trạm cấp một nên có đến 6 người đảm nhận lượng công việc khá lớn. Nhà trạm cách nhà dân khá xa, không chỉ khó khăn về đi lại, sinh hoạt, mà còn thường xuyên đối mặt với sự thiếu thốn. Anh tâm sự: “Đồng lương lúc đó chỉ hơn 100.000 đồng/tháng, nên chỉ đủ tiền mua gạo, mắm, muối chứ không dám xài vặt. Vì thế, các anh em trong trạm phá thêm miếng đất nhỏ trồng rau, đu đủ... nhưng ăn hoài cũng ngán, bởi ngày nào cũng hết đu đủ xào, lại đến đu đủ luộc. Và trong những lúc khó khăn như vậy, anh em tận dụng tối đa thời gian để cắm câu bắt cá. Không ít lần gia đình điện vào bảo trở về quê tìm công việc khác, nhưng tôi không chịu, một phần vì yêu nghề, một phần vì tự ái. Bố mẹ đã cho mình ăn học, vậy mà làm không đủ nuôi thân. Tôi quyết tâm đến cùng cho đường mình đã chọn”.

  Anh Bân (bìa trái) và chị Thủy kiểm tra lượng nước bốc hơi tại trạm do đạc của trung tâm

Đó chỉ là những khó khăn kinh tế, trong công việc, trạm của anh được đánh giá là trạm đối mặt với rủi ro cao nhất. Đây là trạm cấp 1, nên hầu như phải đo mực nước sông 24/24, suốt ngày phải trèo lên, xuống mép sông dựng đứng. Nguy hiểm nhất là đo lưu lượng nước trên sông. Trung bình mỗi ngày các anh phải mặc áo phao, đưa thuyền ra giữa dòng để đo, không dưới 3 lần. “Những lúc mưa lũ phải cập nhật thường xuyên nên hết sức cam go, cả đêm lẫn ngày. Lúc đó trên sông gỗ trôi dạt nhiều lắm, những con mưa to kéo theo nhiều bè gỗ, có khi ách tắc cả khúc sông nên mình có thể đi bộ vài trăm mét trên mặt sông mà không ướt. Do gỗ trôi nhiều như thế, khi đưa thuyền ra giữa sông là hết sức nguy hiểm, bởi chỉ cần va chạm là nó đánh lật úp thuyền ngay. Vì thế, trên thuyền luôn có đủ dao, búa để chặt dây cáp neo qua sông bất kể lúc nào. Bản thân tôi cũng đã không ít lần đu người lên dây cáp thoát ra khỏi thuyền vì bị gỗ đánh trôi”- anh Bân kể.

Kỷ niệm mà anh Bân không thể quên đó là đỉnh lũ lịch sử năm 2000. Theo nhiều người dân cho biết, mực nước ở sông Bé chưa bao giờ vượt lên mép sông, vậy mà năm đó nước dâng cao hơn mép sông đến vài mét, nhấn chìm nhiều hoa màu của bà con. Lúc ban ngày, chúng tôi thấy nước dâng cao liên tục nên thường xuyên cập nhật số liệu gửi về, nhưng mọi chuyện vẫn diễn ra bình thường. Vậy mà khoảng 2 giờ sau khi trời sập tối, chúng tôi vừa ăn xong đã thấy nước dâng gần sát mép. Lúc này tôi bắt đầu thấy lo. Tôi bảo anh em nhắc ghế kê giường lên cao, chiếc thuyền của trạm được kéo gần sát nhà trạm đề phòng nguy hiểm. Khoảng 11 giờ đêm, khi chúng tôi đang ngủ thì nghe nước ọc ạch bên dưới, tôi bật đèn thì tá hỏa khi nước đã dâng lên lút gần nửa căn nhà. Trong đêm mưa lạnh giá, anh em cởi áo nhảy xuống nước thu dọn một số dụng cụ chuyên môn. Khi chúng tôi dọn dẹp chưa xong, nước đã cao lên đến nóc. Chúng tôi chỉ còn leo vào thuyền và lênh đênh trên mặt nước gần 3 ngày. Ngoài việc cử một người vào bờ chuyển giao cơm nước, các anh em còn lại vẫn ăn ngủ trên thuyền để làm việc suốt ngày đêm”.

Hết lo ngày, lại lo đêm. Để đưa ra được những dự báo chính xác về mưa, nắng trên địa bàn, hàng ngày có khi họ quên cả ăn để lao vào việc. Và để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, những người như anh Bân, chị Thủy không ngừng học tập, nghiên cứu. Dù đã lấy được bằng đại học, họ vẫn muốn được học cao hơn, mặc cho cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn. Có lúc quá mệt nhọc, không ít lần anh Bân đã lớn tiếng trách mắng những con sông hiền hòa nhưng có lúc quá hung dữ. Nhưng rồi, anh lại yêu sông tha thiết. Không ít đêm khuya, khi chèo thuyền trên con sông Thị Tính để đo lưu lượng nước, anh đã thừ người ra khi thấy dòng sông ngoi ngóp thở. Những làn bong bóng nước kéo dài hàng cây số, kèm theo đó là một mùi hôi thối nồng nặc. Đó là nguồn nước thải từ những nhà máy, công nghiệp trên địa bàn lén lút xả ra sông vào đêm tối...

QUANG TÁM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên