Những người mẹ kiên trung

Cập nhật: 22-07-2012 | 00:00:00

(BDO) Hơn 37 năm sau ngày đất nước thống nhất, những người mẹ, người vợ liệt sĩ, nữ thương binh, nữ chiến sĩ cách mạng bị tù đày kiên trung của TX.Thuận An mới có dịp gặp nhau trong không khí ấm áp và đầy xúc động. Trong lòng mỗi người đều thổn thức nhiều kỷ niệm về một thời hào hùng, mà cái giá phải trả là cả tuổi thanh xuân dành cho cách mạng với những trận đòn tra tấn dã man, những chuồng cọp tăm tối nơi nhà tù. 

Tại buổi họp mặt những người mẹ, người vợ liệt sĩ, nữ thương binh, nữ chiến sĩ cách mạng bị tù đày kiên trung mới đây, bà Dương Thúy Huyền, Chủ tịch Hội LHPN TX.Thuận An cho biết: Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp - Mỹ, toàn thị xã có 1.136 liệt sĩ, 302 thương bệnh binh và 741 gia đình có công với cách mạng. Chừng ấy gia đình, có nghĩa là có chừng ấy người phụ nữ là vợ, là mẹ của những liệt sĩ đã hi sinh; những người phụ nữ kiên trung một lòng sắt son với Đảng, với cách mạng; và biết bao người mẹ, người chị mấy lần âm thầm đưa tiễn chồng, con, em mình đi kháng chiến, sẵn sàng chấp nhận hi sinh, mất mát vì độc lập của Tổ quốc. Tại buổi họp mặt hôm nay, chúng ta được vinh dự gặp gỡ một số ít các mẹ, các dì là minh chứng sống, là tư liệu qúy giá cho một quá khứ hào hùng, đồng thời cũng là hành trang qúy cho các thế hệ phụ nữ đang tiếp tục gánh vác trọng trách mới là xây dựng đất nước ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh.

 Những câu chuyện “tù đày” dù đã trải qua hàng chục năm nhưng khi nhắc lại vẫn làm nhiều người xúc động.  Trong 65 người mẹ, vợ liệt sĩ, nữ thương binh, nữ chiến sĩ cách mạng bị tù đày kiên trung được tôn vinh, cái tên Nguyễn Thị Hoa, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Lái Thiêu khiến nhiều người cảm phục. Bà Nguyễn Thị Hoa có gần 16 năm bị giam trong ngục tù Mỹ - Ngụy từ trại giam Lái Thiêu đến khám đường Bình Dương, Phú Lợi, Chí Hòa, Côn Đảo… Mỗi nhà tù đi qua là những trận đòn tra tấn vô cùng dã man của địch.

Bà Nguyễn Thị Hoa kể: Bà quê ở xã Chánh Hiệp (nay là xã Chánh Mỹ, TP.TDM). Tháng 6-1959, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một điều bà về làm Phó Bí thư Huyện ủy Lái Thiêu. Thời kỳ này, Mỹ - Diệm đã ban hành Luật 10-59, một thứ luật tàn bạo, dã man hòng tiêu diệt những người cộng sản, những người kháng chiến cũ. Chúng lê máy chém đi khắp nơi để hù dọa, trấn áp tinh thần của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Bọn tề ngụy, mật vụ, lính tráng đi đến đâu cũng rêu rao: “Ai chứa chấp Việt Cộng trong nhà nếu bị chúng bắt được sẽ tịch thu tài sản, tù đầy không ngày về”. Nhiều cán bô, đảng viên bị bắt bớ, tù đày, bắn giết; một số thì dao động, phản bội đầu hàng chỉ điểm cho địch đánh phá cơ sở, cách mạng bị tổn thất nghiêm trọng. Vì vậy, khi bà về Lái Thiêu nhận nhiệm vụ thì Huyện ủy chỉ còn 4 cán bộ. Đến tháng 8-1959, Tỉnh ủy đưa thêm bà Mười Nghĩa về làm Bí thư Huyện ủy. 4 cán bộ nam chỉ hoạt động được ban đêm, ban ngày phải ẩn nấp. Chỉ có bà và bà Mười Nghĩa có thể hoạt động bán hợp pháp ban ngày.

Khi thì bà giả dạng đi thăm bệnh, đám cưới, buôn gánh bán bưng để đi lại các xã móc nối quần chúng tốt, nắm tình hình hoạt động của địch, xây dựng cơ sở cách mạng, hướng dẫn bà con đấu tranh hợp pháp - trực diện với địch.

Việc đi lại lâu ngày của bà Hoa đã bị theo dõi, và đêm 8-11-1959, bà Hoa bị bắt tại ấp Thạnh Qúy (An Thạnh). Từ đó đến ngày giải phóng, bà Hoa đã bị đày ải qua 19 lượt ở 8 nhà tù.

Câu chuyện “tù đày” đã trải qua mấy chục năm nhưng mỗi khi nhắc lại lòng bà Hoa vẫn còn quặn thắt. Bà nói: “Không có thứ cực hình nào mà tôi không từng niếm trãi từ cú đánh lên gối, máy điện giật chết đi sống lại, đánh bằng roi gân bò, chày vồ, đổ nước xà bông cho đến ngợp, khi tỉnh lại bị trói ngược hai tay rồi treo lơ lửng trên sàn nhà… Nhưng với ý chí của một người cộng sản tôi đã chịu đựng, không hề khai ra một lời. Hôm nay, nhìn những tấm huy hiệu “50 năm tuổi Đảng”, “60 năm tuổi Đảng” tôi tự thấy mình không hổ thẹn với lời thề trung thành với Đảng và trong lòng luôn thấy xuân tươi dù đã quá cái tuổi “cổ lai hy”.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ vô cùng ác liệt, để dành được độc lập có biết bao nữ anh hùng luôn sẵn sàng chống lại sự hung ác của địch. Và hậu quả của những trận đòn roi, của chất độc hóa học đã khiến nhiều người phụ nữ mất đi thiên chức làm mẹ. Điển hình như bà Nguyễn Thị Trung (tên thật là Thái Thị Bạc) ở phường An Thạnh.

Bà Trung nhớ lại: Năm 1962, bà tham gia cách mạng khi vừa tròn 15 tuổi. Bà được phân công phụ trách tự vệ mật, nhiệm vụ của bà khi ấy là làm công tác binh vận, rải truyền đơn, phá ấp chiến lược, gỡ trái, nắm tình hình địch… “Hồi đó tui là học sinh. Cái tuổi 15 ăn chưa no, lo chưa tới, tôi đâu hiểu thế nào là cách mạng. Tôi chỉ đi theo truyền thống của gia đình, bởi cả gia đình tôi đều theo cách mạng. Đặc biệt mẹ tôi đều khuyến khích con cái theo cách mạng”, bà Trung chia sẻ.

Đến năm 1963, bà Trung thoát ly theo cách mạng và được phân công về làm ở văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương. Đến năm 1964, bà được điều về làm thư ký Khu ủy Miền Đông đặt ở Cát Tiên (Đồng Nai). Đến năm 1968, bà được phân công về làm Phó Bí thư Chi bộ xã An Thạnh. Đến ngày 22-6-1969, bà đã bị bắt trên đường đi công tác. Từ đó, chúng đã giải bà đi khắp các nhà tù từ khám đường Bình Dương, Thủ Đức, Gò Công, cuối cùng là Côn Đảo. Trong thời gian tù đày, bà cũng như bao chị em tù chính trị khác đều bị tra tấn dã man. Nhưng dù hoàn cảnh nào, bà cùng đồng đội chống đối quyết liệt, chống ly khai, chào cờ…

“Ngày giải phóng, được tự do rồi mà tôi còn không tin đó là sự thật. Tôi nói chị bạn chung phòng: Mày nhéo tao một cái coi có đau không? Bởi thật sự, khi bị bắt, tôi cứ nghĩ mình sẽ chết trong tù”, bà Trung cho biết.

Hậu quả chiến tranh để lại với bà Trung không chỉ là những trận đòn roi, đói khát nơi địa ngục trần gian mà còn là nỗi đau về tinh thần. Ảnh hưởng của chất độc hóa học khiến bà Trung không thể có con, mất đi thiên chức làm mẹ. Tuy nhiên, với bà Trung có niềm an ủi khác  - đó là những đứa cháu. Bà Trung tâm sự: “Tôi có đến 4 người anh là liệt sĩ. Sau ngày giải phóng, họ để lại cho tôi tới 8 đứa cháu. Tôi là út nên dì cháu chênh lệch tuổi tác không nhiều. Vì vậy cô cháu nuôi nhau. Hiện giờ, điều mừng nhất là các cháu tôi đều có cuộc sống ổn định, tôi coi đây như đó là niềm an ủi của riêng mình”.

Bà Nguyễn Thị Én, nguyên Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Sông Bé thì cho rằng, mình may mắn hơn rất nhiều chị em. Bởi, hai năm bị giam cầm bà không bị những trận đòn roi hay tra tấn dã man. Nghe bà nói có vẻ như nhẹ nhàng, nhưng ngược lại là nỗi đau quặn thắt. Bà tham gia cách mạng hồi 16 tuổi (năm 1948), làm thư ký Ban chấp hành xã. Từ năm 1949-1954, bà làm Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Tân An, rồi Ban chấp hành Hội Phụ nữ huyện Châu Thành. Năm 1954, bà được phân công làm giao liên cho Xứ ủy Miền Đông. Đến năm 1959, bà bị bắt khi đang làm nhiệm vụ. Khi ấy bà mang thai gần đến ngày sinh nở. Bà đã sinh con trong tù, vì vậy mới tránh được những trận đòn roi tra tấn của địch. Bà cười nói: “Đứa con chính là lá chắn cho tôi trước những trận đòn roi dã man”.  

Dù chiến tranh đã lùi xa, hậu quả chiến tranh đã phai mờ theo năm tháng nhưng với những người mẹ, vợ liệt sĩ, nữ thương binh, nữ chiến sĩ cách mạng bị tù đày kiên trung thì đây luôn là quãng thời gian gian khổ, khó khăn nhưng đầy hào hùng mà mãi mãi họ không bao giờ quên. Vì vậy họ luôn giáo dục con cháu phải sống sao cho xứng đáng, cố gắng xây dựng và bảo vệ đất nước độc lập, phát triển.

Thu Thảo

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên