Cuối tuần, dọn lại chiếc tủ gỗ đã lâu không nhìn đến. Trong lộn xộn những cuốn sách, những quyển giáo trình thời sinh viên là một chồng thư cũ. Những chiếc phong thư có viền xanh đỏ, những con tem nhỏ xinh đã được đóng dấu từ nhiều địa danh khác nhau. Ngồi lần giở từng phong thư, bỗng ùa về cả một khung trời thương nhớ đầy kỉ niệm.
Là những bức thư của bố gửi mẹ những ngày tôi còn nhỏ. Ấy là những tháng năm bố công tác xa nhà. Mỗi năm bố về một đôi lần, mọi thương nhớ nhắn nhủ đều thông qua những cánh thư.
Những năm ấy, mỗi lần thấy chú bưu điện dừng nơi ngõ là chị em tôi tíu tít chạy ra. Thư bố gửi cho mẹ luôn nồng nàn những yêu thương mong nhớ. Tôi không biết trong những lời yêu thương bố dành cho mẹ ấy, bao lời là thật lòng, bao lời là tô vẽ thêm. Nhưng mẹ tôi mỗi lần đọc thư xong đều ngồi thẫn thờ nơi bậc cửa. Thư được mẹ đọc đi đọc lại rồi mới chuyền sang chị em tôi.
Bố vắng nhà từ lúc chúng tôi chưa lọt lòng, đến khi tôi vào đại học bố mới nghỉ hưu về bên mẹ. Tôi không mường tượng nổi trong quãng đời thanh xuân dằng dặc ấy, nếu không có những cánh thư bố gửi về mỗi tháng, mẹ sẽ đi qua những vất vả, chông chênh của người đàn bà với lũ con thơ dại như thế nào.
Là bức thư anh trai gửi tôi, trong đó có hứa hẹn sẽ đặt cho tôi mấy tháng báo Hoa học trò. Ngày đó, có một tờ báo như Hoa học trò, Mực tím, hay Áo trắng, lũ học sinh chuyền tay nhau xem đến nát nhàu. Đến nhà ai, thấy tờ báo là rón rén hỏi mượn đọc nhờ. Những thứ viết trong ấy sao mà hay, khác hoàn toàn với những ruộng vườn, những lúa khoai hàng ngày tôi đối diện.
Anh tôi nghỉ học sớm theo phong trào thiếu niên nghỉ học thời bấy giờ. Thầy cô khuyên ngăn, mẹ tôi van nài, chỉ có bố tôi không ép anh đi học. Bố nói “Nó không muốn làm thầy thì làm thợ”. Anh nghỉ học, rồi cũng theo bố tha phương. Cuộc sống của anh tuy có nhiều cung bậc thăng trầm, nhiều khó khăn vất vả, nhưng anh nói anh thích công việc anh đã chọn, nó hợp với “chủ nghĩa xê dịch” của anh, ưa đi đây đi đó.
Chữ anh tôi đẹp lắm. Mỗi dòng thư anh viết đều được nắn nót, chăm chút. Thi thoảng anh còn vẽ vào đó vài hình vẽ, như một bông hoa, một cô gái mặc áo dài đội nón trắng, hoặc vài câu thơ anh tự làm. Anh sống nội tâm nên nhiều suy nghĩ. Đôi khi những suy nghĩ tiêu cực thốt ra thành lời khiến người khác lo lắng hoang mang. Nhưng thà vậy, còn hơn anh nghĩ gì mà không nói ra, mà không ai hay biết.
Là bức thư cuối cùng mối tình đầu gửi cho tôi. Nó không hẳn là một bức thư, nó chính xác là một lời hăm dọa: “Nếu em bỏ anh, cả đời này anh sẽ chẳng lấy ai nữa cả. Nếu anh chết, em có thương anh không?”. Tôi còn nhớ tôi đã hoang mang cỡ nào, lo sợ cỡ nào khi đọc bức thư đó nhét ở ô cửa sổ. Đã bao lần tính nối lại rồi cảm thấy tình cảm không còn đủ thiết tha nên lại thôi.
Chỉ có điều không ngờ, chưa đầy ba tháng sau, anh xuống nhà mời tôi đi ăn cưới. Mỗi lần nghĩ đến chuyện đó tôi vẫn không khỏi buồn cười vì đã hao tâm sợ hãi. Chuyện ai đó thề sẽ yêu ai đó suốt đời, sẽ không sống nổi nếu thiếu nhau, sẽ chết nếu không được đối phương đền đáp chắc cũng chỉ là lời nói cho thêm phần long trọng. Tình cảm của con người, xét cho cùng là thứ khó thay đổi mà cũng vô cùng dễ thay đổi, đôi khi nhanh như ta trở một bàn tay. Không hẳn là dối lừa, chỉ là mọi thứ đều sẽ thay đổi. Hôm nay là thế đấy, nhưng đến ngày mai mọi thứ đã khác rồi.
Là bức thư kín hết hai mặt giấy chồng tôi viết cho tôi hồi hai đứa mới yêu. Hồi đó tôi luôn tư tưởng không yêu đàn ông kém tuổi. Con gái thói thường đều vậy, đều nghĩ người lớn tuổi sẽ vững vàng chín chắn hơn. Thực ra thì sự trưởng thành của mỗi người không phụ thuộc vào tuổi tác. Có nhiều người trên đầu đã hai thứ tóc vẫn cư xử không khác gì một đứa trẻ con.
Nhưng khi trẻ, tôi không biết điều đó, khi phát hiện ra anh thua tôi mấy tháng tuổi, tôi giận dỗi đòi chia tay. Sau hôm đó anh viết cho tôi một bức thư rất dài, đại khái nói rằng “Nếu anh nhờ nói dối mà có em thì nay cũng vì nói dối mà anh mất em. Nhưng anh nghĩ, nếu chỉ vì thế mà em rời xa anh thì là vì tình yêu em dành cho anh vẫn chưa đủ lớn”. Và tôi đã chứng minh cho anh thấy tình yêu của tôi dành cho anh đủ lớn khi theo anh về làm vợ sau khi ra trường.
Anh từng viết cho tôi rất nhiều. Đó là những dịp nghỉ hè hai đứa hai quê xa nhau. Là giờ tự học ở thư viện. Là những khi buồn khi vui. Mỗi dòng thư đều chứa chan tình cảm. Có đợt, anh vô tình giở lại những tờ thư tôi cất, xong rồi anh bảo “Anh không nghĩ ngày xưa anh có thể viết những lời sến súa đến mức như vậy. Anh không nghĩ mình đã từng yêu em nhiều như vậy”.
Nói vậy, không phải vì chúng tôi đã không còn yêu nhau. Chỉ là cuộc sống hôn nhân hoàn toàn khác với thời hoa niên. Nào là con cái, nào là nỗi lo cơm tiền. Anh đã thôi lãng mạn, tôi cùng không còn mộng mơ. Những lời nói yêu thương không dễ dàng thốt ra như thời còn xuân trẻ.
Mỗi khi nhớ về những nồng nàn của thời thanh xuân ấy, tôi lại nhắc nhở mình phải biết trân trọng hiện tại mình có hôm nay. Tôi không trách chồng đã không còn ngọt ngào, không còn lãng mạn. Làm sao tôi có thể đòi hỏi một người đàn ông gần bốn mươi hành xử như khi anh ta hai mươi được. Bởi khi trẻ người ta yêu như thể tình yêu là vĩ đại nhất. Kết hôn rồi, tình yêu cũng phải nhường bớt chỗ cho bao nhiêu thứ lo toan.
Mọi thứ tôi mong chờ từ anh bây giờ chỉ là một tin nhắn báo khi anh về muộn để tôi đừng phải chờ cơm. Một cuộc gọi “anh đã đến nơi rồi” mỗi khi có việc vắng nhà đi đâu đó để tôi đừng lo lắng. Còn không, cứ mỗi ngày mở mắt ra thấy nhau, mỗi tối thấy nhau trước khi chìm vào giấc ngủ là mãn nguyện lắm rồi.
Ngồi đọc lại những dòng thư cũ, cảm giác như quay lại cả quãng đời thơ trẻ đầy hồn nhiên và tha thiết khi xưa. Thời đại bây giờ, những bức thư tay gửi qua bưu điện như thế này chắc không còn nữa. Người ta dùng điện thoại, trang cá nhân, thư điện tử. Người ta dễ yêu nhau nhưng cũng dễ dàng kiểm soát chứ không còn dựa vào lòng tin tưởng như xưa. Có lẽ vì thế mà những nỗi nhớ mong bây giờ cũng khác, bớt đi những hồi hộp, đợi chờ, những cồn cào, da diết.
Theo Dân trí