Xây dựng thành phố thông minh (TPTM) đang trở thành một xu hướng của các đô thị trên thế giới và Việt Nam cũng đang bước đầu tiếp cận trào lưu này. Bình Dương được đánh giá là một trong những tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi để xây dựng TPTM. Một mùa xuân mới lại về, mang theo bao niềm tin và hy vọng cho người dân Bình Dương về một TPTM trong tương lai gần.
Xây dựng thành công TPTM Bình Dương đang là quyết tâm lớn của lãnh đạo tỉnh nhà. Trong ảnh: Trung tâm Thành phố mới Bình Dương hiện nay. Ảnh: XUÂN THI
Cơ sở nền móng
Trong cái nắng của chiều muộn cuối đông, chúng tôi có dịp thả bộ trên các con đường của Thành phố mới Bình Dương. Những cung đường nơi đây đang ngập tràn hoa và cờ đón chào năm mới 2017, cùng những hàng cây lá xanh mượt đang rung rinh trước gió đông. Thành phố mới Bình Dương trong tương lai sẽ đi đầu để trở thành TPTM. Cơ sở để đặt nền móng, niềm tin thành phố mới này sẽ trở thành TPTM được bắt đầu từ sự kiện ký kết bản ghi nhớ ngày 16- 1-2015, về việc tăng cường hợp tác giữa tỉnh Bình Dương và thành phố Eindhoven (Hà Lan); biên bản ghi nhớ về tăng cường quan hệ hợp tác giữa Tổng Công ty Đầu tư Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC), tỉnh Bình Dương và Công ty Bainport Development, TP.Eindhoven. Cùng với những biên bản đã được ký kết là sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh và các doanh nghiệp được chỉ định xây dựng TPTM, mà cụ thể là Becamex IDC.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Becamex IDC, cho biết sau nhiều cuộc khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng, lãnh đạo, chuyên gia tỉnh Bình Dương và thành phố Eindhoven đã khẳng định tính khả thi trong việc ứng dụng mô hình “Ba nhà” (Nhà nước - trường, viện - nhà doanh nghiệp) vào Bình Dương, có sự điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện của địa phương. Các bên cũng nhận thấy có thể áp dụng những kinh nghiệm của vùng Eindhoven trong việc ứng dụng mô hình kinh tế “Kiềng ba chân” vào Bình Dương, với mục tiêu nhằm tăng cường lợi thế cạnh tranh của chuỗi cung ứng địa phương thông qua việc thu hút các tập đoàn, công ty đa quốc gia đang đầu tư tại Bình Dương trong thời gian tới.
Nhằm cụ thể hóa Chương trình số 22-CTr-TU ngày 15-8-2016 của Tỉnh ủy về “Phát triển đô thị theo hướng văn minh, giàu đẹp và nâng cao chất lượng sống của nhân dân”, ngày 21- 11-2016, UBND tỉnh đã phê duyệt Chương trình chiến lược đột phá của Bình Dương đến năm 2021 (Binh Duong Navigator 2021). Đây là trọng điểm của dự án TPTM Bình Dương. Mô hình này tập trung vào sự hợp tác chặt chẽ giữa Nhà nước - nhà khoa học - nhà trường và doanh nghiệp. Đây là một chương trình giúp Bình Dương phát triển nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ đó từng bước chuyển hóa từ nền công nghiệp sản xuất truyền thống sang sản xuất công nghệ cao và dịch vụ có hàm lượng chất xám cao, ít thâm dụng lao động, nâng cao giá trị gia tăng cho nền kinh tế địa phương. Chương trình này sẽ cụ thể hóa và hỗ trợ các chương trình đột phá khác của tỉnh.
Tiếp đó, ngày 16-12-2016, UBND tỉnh đã phối hợp với Tổng lãnh sự quán Hà Lan tổ chức Hội thảo “Thành phố thông minh - Mô hình ba nhà”. Hội thảo đồng thời là sự kiện công bố cơ cấu tổ chức Dự án TPTM Bình Dương, các chương trình hành động cho năm 2017, cũng như đánh dấu sự khởi đầu hợp tác chính thức giữa tỉnh Bình Dương với Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF), qua đó nâng cao uy tín thương hiệu Bình Dương lên tầm quốc tế. Cơ cấu tổ chức Dự án TPTM được phê duyệt và đi vào hoạt động sẽ là cơ sở để đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án TPTM Bình Dương, từ đó mang lại cuộc sống chất lượng và công việc tốt hơn cho người dân Bình Dương, đưa tỉnh Bình Dương sớm gia nhập ICF.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đã nhấn mạnh trong bối cảnh và cơ chế như hiện nay, việc xây dựng tỉnh Bình Dương trở thành đô thị thông minh là một tiến trình còn khá mới mẻ, chưa có tiền lệ với nhiều cơ hội và thách thức. Từ hội thảo này, lãnh đạo tỉnh sẽ lắng nghe để xác định phương hướng, tầm nhìn, giải pháp và nội dung cụ thể sẽ thực hiện để triển khai đề án trong năm 2017; đồng thời xác định vai trò then chốt của Mô hình “Ba nhà” xét trong mối quan hệ tổng thể đối với công tác quản lý nhà nước về xây dựng đô thị thông minh. Qua đó góp phần tạo cơ sở lý luận và thực tiễn trong việc hoạch định một chính sách phát triển thành công cho tỉnh Bình Dương trong tương lai.
Niềm tin và hy vọng
Để kiến tạo một TPTM cần rất nhiều yếu tố và Bình Dương đã hội đủ các yếu tố để xây dựng một TPTM. Ông Peter Portheine, Giám đốc phát triển Tập đoàn Brainport, đánh giá: “Bình Dương là thành phố mới phát triển, tuy nhiên cơ sở hạ tầng giao thông, viễn thông cáp quang đã được nối kết. Đó là điều kiện tiên quyết để thực hiện xây dựng thành phố thông minh. Với kinh nghiệm hơn 20 năm qua, chúng tôi sẽ tận dụng những gì Bình Dương đã có để hỗ trợ chuyển đổi theo hướng giảm dần những ngành công nghiệp thâm dụng lao động, tăng các ngành sử dụng công nghệ cao, ít thâm dụng lao động. Với những điều kiện thuận lợi mà Bình Dương đang có, tôi tin rằng trong thời gian tới, Bình Dương sẽ tiến lên một bước khác rất nhanh và sớm trở thành TPTM”.
Chị Lê Thị Hiền, giảng viên trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương chia sẻ: “Tôi rất vui mừng trước sự phát triển của quê hương. Tôi đã từng nghe một số nước trên thế giới xây dựng TPTM, Bình Dương cũng đang hướng đến trở thành TPTM. Tôi được biết tỉnh đã có những bước khởi động để kiến tạo TPTM. Với những điều kiện và lợi thế mà tỉnh nhà đang có, tôi tin Bình Dương sẽ sớm trở thành TPTM. Cũng như trước đây, chúng tôi đã tin vào chủ trương của tỉnh về việc xây dựng một thành phố hoàn toàn mới trên vùng đất hoang vắng với cây chồi, cỏ dại và đầm lầy của cánh đồng Bàu Bèo này. Niềm tin đó của người dân nơi đây đã thành hiện thực, đó chính là Thành phố mới Bình Dương hôm nay. Và, hôm nay chúng tôi lại được nghe sắp tới, nơi chúng tôi đang sinh sống sẽ trở thành TPTM. Tôi tin điều đó sẽ thành hiện thực trong tương lai gần, như chúng tôi đã từng tin cánh đồng Bàu Bèo sẽ trở thành thành phố trước đây vậy”.
Sau 30 năm thực hiện đường lối đổi mới và 20 năm phát triển, Bình Dương từ một tỉnh nông nghiệp với nhiều khó khăn đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành một tỉnh công nghiệp phát triển ổn định trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là một điểm sáng trên bản đồ kinh tế Việt Nam với những thành tựu nổi bật về đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế. Phát huy những thành tựu đã đạt được, phấn đấu xây dựng để Bình Dương trở thành TPTM là điều Bình Dương có thể làm được như sự kỳ vọng của người dân.
Hội đồng cố vấn “Ba nhà” là cơ quan đại diện và cũng là đại sứ của hoạt động hợp tác này, bao gồm các lãnh đạo đến từ Nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà trường - viện nghiên cứu. Đây không chỉ là tổ chức có ảnh hưởng đến các quyết định, mà còn có ý nghĩa và tác động lớn đến dự án với sự tham gia của một số lãnh đạo quan trọng nhất trong các lĩnh vực. Hội đồng cố vấn “Ba nhà” sẽ được đặt dưới sự chỉ đạo chung của Ban chỉ đạo và chương trình hành động sẽ được thực thi bởi Ban điều hành và Văn phòng TPTM Bình Dương.
PHƯƠNG LÊ