Khi vay tiền, người vay thường dùng lời ngon tiếng ngọt để có thể mượn được tiền, lãi suất bao nhiêu cũng đồng ý. Đến khi không còn khả năng chi trả thì quay sang nói ngang khiến “chủ nợ”… điêu đứng!
Vợ chồng bà Nguyễn Thị Xuân vốn có mối thâm tình với vợ chồng ông Tô Thanh Hùng. Từ chỗ thâm tình ấy, khi ông Hùng lên tiếng vay tiền để kinh doanh bất động sản, bà Xuân đồng ý ngay! Ông Hùng ngỏ lời muốn vay số tiền là 1 tỷ đồng, với lãi suất 5%/tháng. Dù không đủ tiền cho vay nhưng bà Xuân vẫn đi vay mượn thêm bà con gần 300 triệu đồng, với lãi suất 3%/tháng. Như vậy, bà vẫn còn được hưởng 2% tiền chênh lệch khi ông Hùng trả lãi. Sau khi gom đủ tiền, bà Xuân đưa cho ông Hùng đúng 1 tỷ đồng. Ông Hùng thế chấp lại tài sản là 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) mang tên N.V.T. Ông nói giấy này là của người em ruột cho ông mượn thế chấp làm ăn. Vợ chồng bà Xuân vì quá tin tưởng nên không nghi ngờ!
Sau khi vay, ông Hùng chỉ trả tiền lãi được 6 tháng khoảng 300 triệu đồng. Từ đó đến nay đã 3 năm, ông làm ăn. thua lỗ không còn khả năng chi trả nên bà Xuân không còn nhận được bất cứ khoản tiền nào từ ông Hùng. Đi đòi thì ông Hùng nói ông chỉ còn “cái mạng già này, muốn lấy thì lấy!”. Trước thái độ ngang ngược của ông Hùng, bà làm đơn khởi kiện mong tòa xem xét để lấy lại số tiền trên.
Dù ông Hùng không trả lãi cho bà nhưng bà vẫn phải trả lãi cho những người bà con kia. Bà Xuân thật sự rơi vào tình thế khó khăn, điêu đứng khi hàng tháng mình vẫn phải lấy tiền túi bù vào! Bà yêu cầu ông phải trả đủ số tiền, đồng thời trả thêm phần lãi suất trong 3 năm qua thì bà sẽ trả lại giấy CNQSDĐ mà bà đang giữ.
Về phần giấy CNQSDĐ trên là do ông N.V.T. đánh rơi trên đường khi đi làm giấy tờ. Sau đó, ông T. có trình báo các cơ quan chức năng và đã làm đơn xin cấp phó bản và đã được cấp phó bản như luật định. Ông không hề biết chuyện vay mượn giữa hai người kia là như thế nào! Trước sự việc trên, tòa xét thấy việc thế chấp giấy CNQSDĐ này chưa có công chứng, chứng thực của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 2, điều 689 của Bộ luật Dân sự nên việc thế chấp này bị vô hiệu. Do đó, giấy tờ đất mà ông Hùng thế chấp cho bà Xuân không còn giá trị. Về phần tiền mà bà Xuân yêu cầu, lãi suất bà đưa ra là vượt rất nhiều lần so với quy định của pháp luật nên chỉ đồng ý xem xét cho ông Hùng trả phần lãi theo lãi suất ngân hàng cùng với số tiền vay ban đầu.
Bản án có hiệu lực, điều bà Xuân nhận được chỉ là những lời hứa hẹn, trốn tránh của ông Hùng, vì làm ăn thua lỗ nên ông đã bán hết tài sản, không có khả năng trả nợ! Có nợ phải trả nhưng để thi hành một bản án mà người vay không còn tài sản gì để thi hành thì quả là một vấn đề nan giải!
THỦY TRINH