Tập trung cải cách hành chính (CCHC) là một trong những giải pháp trọng tâm của Bình Dương để hiện thực hóa các chủ trương về thu hút đầu tư. Từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) phát triển trong môi trường kinh doanh thuận lợi, cũng chính là giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Bình Dương luôn tạo điều kiện cho DN phát triển trong môi trường kinh doanh thuận lợi để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và của tỉnh. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty RK Resoureces, huyện Bàu Bàng
Minh bạch hóa dịch vụ công
Để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho DN, sự ra đời của Cổng dịch vụ công Quốc gia đã cung cấp 406 dịch vụ công trực tuyến. Trong đó có 235 dịch vụ công trực tuyến cho DN, bao gồm cả 6 dịch vụ công hỗ trợ người dân, DN gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Như vậy có nghĩa là mọi dịch vụ công đang được minh bạch hóa một cách tối đa, người dân và DN thì giảm được rất nhiều thời gian, chi phí đi lại và những vấn đề bất cập khác
Tại Bình Dương, nhằm triển khai một cách sáng tạo, hiệu quả “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” đối với DN, tỉnh đã xây dựng và thực hiện tốt cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của DN nhằm tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển DN. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tập trung cải cách TTHC, đơn giản hóa một số thủ tục để phục vụ DN và đã đạt được kết quả tích cực. Nhìn chung, các đơn vị sản xuất, kinh doanh đều xác nhận sự cải thiện tích cực trong công tác hỗ trợ DN từ thủ tục thành lập đến những nỗ lực đáp ứng nhu cầu kê khai, nộp thuế, tiếp cận điện năng, nguồn vốn vay hoặc thủ tục xây dựng... từ phía cơ quan chức năng.
Ông Mai Bá Trước, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), cho biết sở đã phối hợp với các sở, ngành hỗ trợ tối đa cho DN để hoàn thiện các thủ tục liên quan đến đầu tư; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án; triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ DN trên địa bàn tỉnh. Về hoạt động đăng ký DN, Sở KH&ĐT đã rút ngắn tối đa thời gian xử lý hồ sơ đăng ký DN bằng cách bãi bỏ nhiều thủ tục, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh, hỗ trợ đăng ký kinh doanh qua mạng, chuyển trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua đường bưu điện, hỗ trợ đăng ký DN tại nhà, thậm chí tại các quốc gia khác đối với DN FDI… Đến nay, tỷ lệ hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng chiếm trên 95%.
Các sở, ngành, địa phương cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Trong thời gian tới, Sở KH&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, sẽ hoàn thành rà soát tổng thể các cơ chế, chính sách hỗ trợ DN; đánh giá hiệu quả và đề xuất cụ thể đối với các chính sách triển khai không có hiệu quả.
Đơn giản hóa thủ tục để thu hút đầu tư
Song hành với phát triển kinh tế, chính quyền tỉnh luôn nỗ lực trong việc nâng cao vai trò kiến tạo, phục vụ DN và người dân. Điều đó được thể hiện qua việc tỉnh luôn nằm trong nhóm các địa phương xếp hạng cao của cả nước và đứng đầu khu vực Đông Nam bộ về các chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAPI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAR Index), chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam (ICT Index)…
Nhờ những nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong bảng xếp hạng PCI năm 2019, Bình Dương đứng vị trí thứ 13 toàn quốc với 67,38/100 điểm, thuộc nhóm “tốt”. Bình Dương cũng là địa phương đứng đầu bảng xếp hạng PCI 2019 khu vực Đông Nam bộ. Trong số 10 chỉ số thành phần PCI, Bình Dương có một số chỉ số đạt điểm cao như: tiếp cận đất đai (7,67/100), đào tạo lao động (7,41/100), chi phí thời gian (6,89/100), gia nhập thị trường (6,83/100).
Để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và duy trì bền vững chỉ số PCI, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1390 phê duyệt đề án “Nâng cao PCI”. Để thực hiện có hiệu quả đề án này, tỉnh đã nâng cao hiệu quả, rút ngắn thời gian giữa ban hành và thực thi chính sách; tiếp tục đẩy mạnh quá trình công khai, minh bạch các chính sách, chủ trương, nguồn lực phát triển, cơ hội tiếp cận thị trường đầu tư cho DN (đất đai, vốn hỗ trợ, đầu tư công, mua sắm công…). Cùng với đó, Bình Dương tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN và thu hút đầu tư; ứng dụng rộng rãi hơn, triển khai hiệu quả hơn TTHC công trực tuyến; tạo cơ hội bình đẳng cho các DN trong kinh doanh, đầu tư theo quy luật thị trường và pháp luật.
NGỌC THANH