Sáng 13-1, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và dự toán ngân sách năm 2022; dự thảo kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và Nghị quyết số 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tham dự hội nghị có ông Phạm Văn Chánh, Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị
Tạo động lực phát triển
Theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tình hình phát triển KT-XH của tỉnh vẫn có những điểm sáng trên một số lĩnh vực. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 2,79% so với năm 2021; tỷ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, nông - lâm nghiệp - thủy sản và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm trong cơ cấu kinh tế tương ứng ước đạt 68,12% - 21,42% - 3,1% - 7,36%; GRDP bình quân đầu người ước đạt 153,6 triệu đồng/năm; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 4,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 3,4%; kim ngạch xuất khẩu ước tăng 13,5%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 14,7%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước giảm 4,3%; ước tổng thu ngân sách năm 2021 đạt 61.200 tỷ đồng; tổng chi cân đối ngân sách địa phương ước đạt 32.201 tỷ đồng; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt trên 2 tỷ đô la Mỹ. An sinh, phúc lợi xã hội và các lĩnh vực xã hội khác được bảo đảm, đời sống người dân được ổn định.
Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Văn Minh ghi nhận nỗ lực của các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trong thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng chống dịch, vừa bảo đảm mục tiêu phát triển KT-XH. Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng KT-XH của tỉnh vẫn có những điểm sáng. Đây là kết quả của sự cố gắng, nỗ lực chung của toàn Đảng bộ, của các nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Kết quả đó là nền tảng quan trọng tạo động lực để đạt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Tập trung phòng chống dịch, phục hồi và phát triển
Để tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022; mục tiêu trọng tâm năm 2022 là tiếp tục phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả, nhanh chóng khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh, tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN và người lao động, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn; chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng trên nền tảng chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; huy động tối đa các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông làm tiền đề để xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; chú trọng phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân; ưu tiên nguồn lực đầu tư nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng và nguồn nhân lực y tế; bảo đảm quốc phòng, an ninh và giữ vững trật tự an toàn xã hội.
Trong năm 2022, UBND tỉnh xác định 34 chỉ tiêu chủ yếu: Tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) đạt 8 - 8,3% so với năm 2021; tỷ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, nông - lâm nghiệp-thủy sản và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm trong cơ cấu kinh tế tương ứng đạt 67,41% - 21,87% - 3,04% - 7,67%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,9%; GRDP bình quân đầu người khoảng 169,8 triệu đồng/năm; kim ngạch xuất khẩu tăng 14,5%; kim ngạch nhập khẩu tăng 17%; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 60.000 tỷ đồng; tổng chi cân đối ngân sách địa phương đạt 20.682 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 16%; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 1,8 tỷ đô la Mỹ… |
Về kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác mà phải tiếp tục tập trung mọi nguồn lực, duy trì trạng thái “bình thường mới” bảo đảm an toàn, hiệu quả. UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ban, ngành chủ động phối hợp thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 theo đúng chế độ, chính sách hiện hành; sử dụng hiệu quả nguồn lực nhà nước, huy động tối đa các nguồn lực xã hội để đầu tư hạ tầng KT-XH của tỉnh, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hạ tầng văn hóa - xã hội.
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Võ Văn Minh nhấn mạnh, để Bình Dương tiếp tục thực hiện thành công những nhiệm vụ, chỉ tiêu, kế hoạch của năm 2022, yêu cầu từng cấp, từng ngành, từng đơn vị, địa phương, từng lãnh đạo chủ chốt căn cứ vào tình hình thực tế để chỉ đạo, điều hành một cách chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt, đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra; nêu cao tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, ưu tiên nguồn lực, thực hiện hiệu quả chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi và phát triển, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân. Ông Võ Văn Minh lưu ý trong thời gian này, các đơn vị, địa phương tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
NGỌC THANH