Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của bộ, ngành, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự phối hợp tích cực của các cấp, các ngành trong công tác phòng, chống dịch bệnh, ngành công thương kịp thời tháo gỡ vướng mắc khó khăn, bảo đảm thông quan nhanh hàng hóa, xây dựng các phương án vừa phòng, chống dịch, vừa bảo đảm sản xuất, kinh doanh thuận lợi, duy trì phát triển.
Công nghiệp Bình Dương nhanh chóng phục hồi sau khi trở lại trạng thái “bình thường mới”. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Hưng Hải Thịnh (Cụm công nghiệp Tam Lập, huyện Phú Giáo)
Duy trì đà tăng trưởng
Trong năm 2021, dịch bệnh bùng phát ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh thương mại - dịch vụ trên địa bàn. Các doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn để sắp xếp, tổ chức lại hoạt động. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của cộng đồng DN, sự hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời của chính quyền các cấp, hoạt động sản xuất đã dần khôi phục từ tháng 10 và hiện nay đã đi vào ổn định, tạo tiền đề cho sự tăng tốc trong năm 2022.
Ông Lý Ngọc Minh, Giám đốc Công ty Gốm sứ Minh Long I (TP.Thuận An), cho biết tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp gây khó khăn cho chuỗi cung ứng nguồn nguyên vật liệu và hoạt động sản xuất, xuất khẩu của DN. Tuy nhiên, ở các nước Mỹ và châu Âu thị trường bắt đầu hồi phục, đây là cơ hội để các DN đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chủ lực của tỉnh, trong đó có gốm sứ. “Chúng tôi đã được ngành công thương hỗ trợ tiêm vắc xin cho công nhân để sớm ổn định sản xuất, bảo đảm các đơn hàng xuất khẩu bị trễ trước đó. Hiện nay, công ty đang bước vào giai đoạn tăng tốc…”, ông Lý Ngọc Minh chia sẻ.
Điều đáng mừng, trong năm 2021, tỉnh tiếp tục xuất siêu 7 tỷ đô la Mỹ, trong đó khu vực kinh tế có vốn đầu tư trong nước xuất siêu 3 tỷ đô la Mỹ, khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài xuất siêu 4 tỷ đô la Mỹ. Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu ở các thị trường truyền thống: Mỹ chiếm 34,6%; Hàn Quốc chiếm 11,2%; thị trường EU chiếm 9,7%; Nhật Bản chiếm 8,8%; Đài Loan chiếm 7,5%... Hiện các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện và hiệu quả hơn, đã và đang tạo điều kiện để hàng hóa xuất khẩu của tỉnh thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi.
Đến cuối năm 2021, nhiều hoạt động kinh doanh thương mại - dịch vụ đang dần phục hồi và tăng trưởng trở lại. Với việc tổ chức tốt phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các cơ sở kinh doanh tạo tiền đề cho sự bứt phá của ngành thương mại - dịch vụ. Trong năm 2022, dự báo nền kinh tế toàn cầu tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam nói chung sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được trong năm 2021 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra, Sở Công thương tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 như Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,9% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 16% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu tăng 14,5%, kim ngạch nhập khẩu tăng 17% so với cùng kỳ.
Tăng cường chuyển đổi số
Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, năm 2022, ngành tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển, duy trì tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp. Trong đó, ngành chú trọng phát triển công nghiệp theo chiều sâu, ưu tiên thu hút, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và ít thâm dụng lao động, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; đẩy nhanh tiến độ triển khai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch.
Đối với lĩnh vực thương mại, ngành chủ trì triển khai tốt chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu và sách, tập vở, dụng cụ học sinh; theo dõi diễn biến thị trường, tình hình dự trữ hàng hóa thiết yếu ứng phó với dịch bệnh Covid-19 và phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân; tăng cường công tác phát triển hạ tầng thương mại, tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp phát triển dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ logistics; thực hiện kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh; triển khai thực hiện các giải pháp về tăng cường năng lực hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu của Bình Dương.
Ông Nguyễn Thanh Toàn đánh giá, đến nay việc kịp thời chuyển đổi ứng dụng công nghệ thông tin và các nền tảng số trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, đầu tư thông qua hình thức tổ chức các hội nghị trực tuyến, tổ chức hội chợ triển lãm ảo bằng nền tảng số đã nhận được nhiều kết quả tích cực. Ngành tiếp tục triển khai các hoạt động tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, sản phẩm của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử... Cùng với đó, ngành hỗ trợ DN ứng dụng thương mại điện tử, ứng dụng công nghệvào sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi số.
TIỂU MY - CÔNG THƯƠNG