Cách đây 70 năm, tại khu rừng nguyên sinh Trần Hưng Đạo thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (ĐVNTTGPQ) chính thức được thành lập. Từ thuở ban đầu với 34 người, trang bị vũ khí thô sơ… nhưng chỉ sau 10 năm, đội quân huyền thoại ấy đã phát triển hùng mạnh, làm nên chiến thắng lẫy lừng ở chiến dịch Điện Biên Phủ và nhiều chiến công oanh liệt khác, khiến cho giới quân sự thế giới nể phục và đánh giá là một trong những lực lượng quân sự tinh nhuệ nhất từ sau thế chiến thứ hai.
Trên đỉnh S Lam Cao
Từ thủ đô gió ngàn ATK Định Hóa (Thái Nguyên), nhằm hướng tây thẳng tiến, chúng tôi tìm về vùng đất giàu truyền thống cách mạng Cao Bằng, trên chuyến xe đêm từ Hà Nội vừa lên. Xe băng băng qua các rặng đèo núi gập ghềnh, khiến cho những người khách lạ ở phương xa như chúng tôi không khỏi lo âu, hồi hộp. Mùa hoa rừng nở vàng rực hai bên đường, tỏa hương thơm dịu dàng vào không gian tĩnh lặng. Sau lộ trình dài hơn 300km, 9 giờ sáng hôm sau, chúng tôi đã đến được vùng đất “phát tích” của Quân đội nhân dân Việt Nam nằm trên một ngọn đồi, tả hữu có nhiều nhánh hội tụ, chếch về phía trước là vực sâu thăm thẳm… mà theo binh pháp thì thế đất này “tiến - thoái đều thuận lợi”. Giữa một khu đất bằng phẳng, nay Nhà nước đã xây dựng tượng đài, phù điêu chạm khắc hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang giao nhiệm vụ cho 34 chiến sĩ nhìn rất đỗi trang trọng, oai nghiêm khiến lòng chúng tôi ai cũng trào dâng xúc cảm, tự hào. Rừng xưa, cảnh cũ còn đây mà bóng người ngày đó đâu rồi! 34 chiến sĩ của đội quân đầu tiên ấy, giờ chỉ còn lại mỗi một người đang sống ở Lâm Đồng.
Phóng viên Báo Bình Dương chụp ảnh lưu niệm cùng với các em học sinh trước bức phù điêu chạm khắc hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang giao nhiệm vụ cho 34 chiến sĩ Đội VNTTGPQ. Ảnh: T.SƠN
Cách đây 70 năm về trước, khi đồng chí Võ Nguyên Giáp lên Pác Pó gặp Bác Hồ vừa thoát khỏi ngục tù của Tưởng Giới Thạch về nước, Bác nói: “Bây giờ nên tập hợp những cán bộ chiến sĩ anh dũng nhất tổ chức thành một đội vũ trang, một đội quân chủ lực có nhiệm vụ với toàn quốc”. Ngay trong buổi họp này, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã được Hồ Chí Minh chỉ định đảm nhiệm công tác ấy. Bác hỏi: “Việc này chú Văn có làm được không?”. Đại tướng đáp: “Thưa, có thể được”. Thế là từ giờ phút ấy, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã nhận nhiệm vụ phụ trách quân sự của Đảng, do Bác Hồ giao phó. Đó là giây phút lịch sử!
17 giờ chiều ngày 22-12-1944, tại khu rừng thiêng Trần Hưng Đạo, một buổi lễ tuy giản dị nhưng long trọng, trang nghiêm đã được tổ chức để đánh dấu sự ra đời của quân đội nhân dân cách mạng, được Bác đặt tên là ĐVNTTGPQ gồm 34 đội viên và cán bộ, do đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng, Xích Thắng làm chính trị viên.
Phía sau địa điểm thành lập đội quân ban đầu, đi sâu vào rừng khoảng 200m nay dựng nhà bia khắc lại chỉ thị của Bác Hồ về nhiệm vụ của ĐVNTTGPQ. Chỉ thị ra đời cách đây đã 70 năm, nhưng giờ đọc lại vẫn còn mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc: “…Tên ĐVNTTGPQ, nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự… Về chiến thuật vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực, nay đông mai tây, “lai vô ảnh, khứ vô tung”. ĐVNTTGPQ là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội quân đàn em khác…”. Bên cạnh lời chỉ thị của Bác là bảng khắc tên 34 chiến sĩ.
Mặc dù khu di tích nằm sâu trong rừng, đường khó đi, nhưng chúng tôi vẫn thấy có nhiều du khách tìm vào tận nơi thăm viếng. Khoảng 20 em học sinh vừa đến đây, những khuôn mặt ngây thơ, áo trắng quàng khăn đỏ, các em quây quần bên tượng đài của cha ông. Chúng tôi được các em giới thiệu là nên lên đỉnh S Lam Cao sẽ rất thú vị, cách mặt đất chừng hơn 1.000m. Chà! Chuyến leo cao này khá vất vả đây nhưng chúng tôi ai cũng muốn đi. Đường lên S Lam Cao dốc thẳng đứng, qua hàng trăm bậc tam cấp xen giữa khu rừng rậm vẫn còn lưu giữ nét xưa. Thi thoảng lại nghe tiếng chim rừng càng làm cho cảnh vật nơi này dường như thêm hoang vắng. Chúng tôi tiếp tục leo lên đỉnh. Đi mãi, đi mãi cho đến khi tầm mắt không còn nhìn thấy cây rừng, chỉ thấy sương trắng giăng đầy trên các đỉnh núi xung quanh. Đỉnh S Lam Cao đây rồi! Nơi đây, vào trung tuần tháng 12-1944, đồng chí Văn (tức Đại tướng Võ Nguyên Giáp) đã quan sát trận địa đồn Phai Khắt, quyết định trận đánh mở màn đầu tiên của ĐVNTTGPQ. Từ trên đỉnh núi cao, phóng tầm mắt ra xa sẽ thấy cảnh rừng núi bao la, một màu xanh bất tận. Và ở dưới những khu rừng ấy, đâu đâu cũng đã từng lưu dấu chân của thế hệ ông cha trong những ngày đầu tham gia cách mạng với mục tiêu cao cả là “cứu nước, cứu dân”.
Rừng xưa vang vọng chiến công
Trong buổi lễ thành lập ĐVNTTGPQ, Bác Hồ đã chỉ thị: “Trong vòng một tháng phải có hoạt động để gây tin tưởng cho các chiến sĩ, đồng bào và gây truyền thống hành động tích cực, nhanh chóng cho bộ đội…”. Thi hành đúng chỉ thị của Bác, từ trên đỉnh S Lam Cao, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có kế hoạch tiêu diệt đồn Phai Khắt cách đó khoảng 8km, thuộc làng Phai Khắt, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình.
Phóng viên Báo Bình Dương trên đỉnh S Lam Cao. Ảnh: T.SƠN
Về trận đánh này, gần đây tác giả Georges Boudarel trong cuốn sách “Võ Nguyên Giáp” được ta dịch lại, miêu tả như sau: Đồn Phai Khắt có hơn 10 lính dõng, do 1 viên thiếu tá người Pháp chỉ huy. Vào 17 giờ ngày 25-12, tức chỉ 3 ngày sau khi thành lập, ĐVNTTGPQ cải trang tiến vào đồn, chìa ra “giấy đi tuần” cho tên lính gác rồi đi thẳng vào phía trong, theo sau là đồng chí Thu Sơn mặc bộ kaki đóng giả đội sếp. “Chúng tao đang đi tuần, quan đồn có nhà không?”. Thu Sơn hỏi tên lính gác, giọng hách dịch rồi đàng hoàng tiến vào; mọi người lập tức bao vây, thu giữ súng của địch. Thu Sơn hô lớn: “Chúng tôi là quân cách mạng, anh em đầu hàng sẽ không giết ai hết, giơ tay lên!”. Bị bất ngờ, không kịp trở tay, quân địch buộc phải đầu hàng. Một lúc sau, tên đồn trưởng và 10 lính đi tuần về đã bị ta phục kích tiêu diệt tên đồn trưởng và bắt sống toàn bộ.
Tiêu diệt và bắt sống địch ở đồn Phai Khắt là chiến công mở đầu cho truyền thống “trăm trận trăm thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Chiến công nối tiếp chiến công, khoảng 3 giờ sáng ngày 26-12-1944, ta tiếp tục hành quân đến Nà Ngần, một ngôi nhà được biến thành đồn lính, có 22 lính khố đỏ, do 2 sĩ quan người Pháp chỉ huy, nằm cách đồn Phai Khắt 25km. Tại đây, các chiến sĩ của ta đã rất mưu trí, nhanh gọn tiêu diệt tên chỉ huy và 3 tên lính liều chết chống cự. Còn tất cả đều bị bắt sống, sau đó giải thích cho họ hiểu chủ trương, chính sách của Việt Minh. Đa phần tù binh xin được trở về quê, họ được trả lại quân trang.
Chúng tôi đến thăm di tích lịch sử đồn Phai Khắt cùng lúc có một số đoàn điện ảnh đang làm phim về trận đánh này. Trong đồn hiện là nhà trưng bày rất nhiều hình ảnh về buổi đầu hoạt động của ĐVNTTGPQ, trong đó có hình ảnh của 34 chiến sĩ. Điều trùng hợp là người còn sống duy nhất trong số các chiến sĩ ban đầu lại là người con của quê hương xã Tam Kim. Ông chính là cựu chiến binh Tô Văn Cắm, đang sống vui vẻ với con cháu ở Lâm Đồng.
70 năm, một chặng đường lịch sử hào hùng đã đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Bắt đầu từ đội quân “thuở ban đầu” ấy, đến nay quân đội ta đã từng bước chính quy hiện đại sẵn sàng nhận và thực hiện mọi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
KIẾN GIANG