Những con chữ nặng ân tình...

Cập nhật: 12-12-2014 | 10:28:13

Mỗi người một công việc, nhưng ở họ có chung tình yêu thương trẻ bao la. Họ luôn muốn góp một chút công sức của mình để giúp những đứa trẻ không may trong xã hội có cơ hội biết đến con chữ, biết ước mơ và cố gắng hơn vì ngày mai tươi sáng. Họ là những người thầy đang làm công việc “đưa đò” một cách thầm lặng ở những lớp học tình thương (LHTT)…

Bạn Lê Tuấn Anh, phụ trách lớp 1.2 LHTT phường Hiệp Thành đang lên lớp dạy chữ cho các em. Ảnh: H.THUẬN

Dạy chữ nơi cửa chùa

Nhiều năm qua, trong khuôn viên chùa Bồ Đề Đạo Tràng trên địa bàn phường Bình Chuẩn, TX.Thuận An có một LHTT dành cho những em hoàn cảnh khó khăn. Trước đây, nhà chùa bố trí một phòng cho các em học sinh (HS) lớp 1, còn lại 3 lớp (từ lớp 2 đến lớp 4) đều quây quần trong khu nhà ăn của chùa. Trong không gian tuy nhỏ nhưng đầy ấm cúng đó, tối nào cũng vang lên lời giảng bài của thầy cô giáo, sự ngoan ngoãn, chăm chỉ ê a học bài của các em HS. Lớp được tổ chức học vào các buổi tối trong tuần, từ 18 - 20 giờ. Những thầy, cô tham gia dạy ở đây chia nhau thời gian, mỗi người dạy 3 buổi/tuần. Có người hiện là giáo viên, có người là nhân viên văn phòng, có người là sinh viên… nhưng đều có chung một tấm lòng vì tương lai các em. Niềm vui của các thầy, cô giáo nơi đây là khi các em đến lớp đầy đủ và đều cảm thấy buồn khi một em nào đó phải bỏ học theo ba mẹ chuyển đến nơi khác làm ăn.

Cô Hoài Hương, đang phụ trách lớp 4, là nhân viên văn phòng trong cơ quan Nhà nước. Cô cho biết, để đến được với các em mỗi tối, hàng ngày cô phải tranh thủ làm việc luôn buổi trưa để chiều đến lớp đúng giờ. Cũng có khi công việc nhiều, phải đến trễ, cô và trò đều dạy - học thêm giờ để bảo đảm bài vở. Dù phải nghỉ muộn hơn bình thường nhưng cô và trò đều cảm thấy vui vì điều đó. HS ở lớp học này cũng khá đặc biệt, bởi cùng một lớp nhưng tuổi mỗi em một khác. Cô Hương cho biết, dù cùng học lớp 4 nhưng có em 9 tuổi, có em thì đã 15 tuổi, vậy mà không có em nào mặc cảm vì lớn tuổi mà phải ngồi cùng một lớp với bạn nhỏ tuổi hơn. Ngược lại, các em rất nỗ lực và trân trọng những buổi học. Cô Hương bảo rằng, đó là điều làm cô trân trọng và yêu thương các em nhất. Gần gũi với các em, mình thấy các em rất đáng yêu, cũng có những lúc mình dấu xót xa. Bởi vì, thực tế hàng ngày, nhiều em phải làm việc phụ giúp gia đình kiếm sống như bồng trẻ, bán vé số, rửa bát thuê… Mình còn nhớ, có một lần nhiều việc quá nên mình đến lớp trễ. Vội vàng chạy vào lớp thì các em đồng thanh hỏi “Cô ơi, cô mệt lắm à?”. Một em học sinh tên Được nói như an ủi cô giáo: “Cô không mệt bằng em đâu. Hôm nay em đi làm ở xưởng nhang, đến 17 giờ mới xong việc nên em chạy thẳng đến học luôn”. Lúc đó, mình chùng xuống và thấy cái mệt của mình chẳng thấm vào đâu so với sự vất vả, khó khăn đang đè nặng trên vai các em…”. Khi cô Hương nhận lớp này các em mới học lớp 3, đọc và viết vẫn còn sai chính tả. Nhưng sau một thời gian, các em đã tiến bộ rất nhiều, đam mê hơn trong việc học. Cuối năm học vừa rồi, riêng lớp cô Hương phụ trách có 6 em học khá và 2 em học giỏi. “Kết quả đó là sự nỗ lực của các em, mình và các thầy cô tham gia giảng dạy ở đây đều cảm thấy rất vui vì điều đó”, cô Hương nói.

Ở LHTT, hầu hết các em HS là con lao động nghèo, cha mẹ suốt ngày bận rộn việc mưu sinh nhưng vẫn không có điều kiện để lo cho con đi học. Đa số các em đều chưa đến tuổi lao động, nhưng vì hoàn cảnh hàng ngày phải lao động kiếm tiền để phụ giúp gia đình. Với các em, việc biết đến con chữ chỉ là ước mơ khi chưa biết đến LHTT này. Nhìn những đôi mắt tròn xoe, đầy háo hức của các em bên những con chữ, các cô chỉ mong rằng, lớp học này sẽ được duy trì dài hơn, lâu hơn nữa bởi các em rất muốn được học tiếp. “Mỗi khi gần kết thúc một lớp, các em thường hỏi, cô ơi, năm sau chúng em có được học nữa không? Chúng em muốn học nữa có được không ạ? Điều đó thôi thúc chúng tôi tiếp tục gắn bó và dìu dắt các em”, cô Hương chia sẻ.

Những con chữ yêu thương

Vào các chiều thứ 3, 5, 7 hàng tuần, bạn Nguyễn Minh Tấn, Bí thư Chi đoàn Khu phố 2, phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một lại đến sớm hơn để mở rộng cánh cổng LHTT đón các em HS vào lớp. Gọi chung là LHTT phường Hiệp Thành, nhưng ở đây HS được chia làm 8 nhóm lớp, trong đó có lớp rèn chữ, lớp mẫu giáo, lớp 1 đến lớp 5. Tấn được phân công nhiệm vụ quản lý lớp học này từ 2 năm nay, lúc Tấn còn là sinh viên. Ngoài nhiệm vụ quản lý lớp học, Tấn còn trực tiếp phụ trách lớp 1. “Lúc đầu em tham gia chỉ là hỗ trợ thêm cho các bạn đứng lớp, kèm các em luyện chữ. Qua tiếp xúc, em thấy hoàn cảnh của các em ở đây rất đáng thương, dù khó khăn nhưng đều muốn được học chữ, vả lại các em cũng yêu mến thầy cô nên em tham gia dạy luôn. Ngày đi học, tối một tuần 3 buổi lên lớp dạy các em nhưng em thấy rất vui vì mình làm được một việc ý nghĩa…”, Tấn chia sẻ.

Bạn Lê Tuấn Anh, 20 tuổi, hiện là sinh viên năm 3 ngành tiểu học, trường Đại học Thủ Dầu Một đang phụ trách lớp 1.2 LHTT phường Hiệp Thành. Tuấn Anh cho biết, bạn gắn bó với LHTT này từ những ngày đầu mới thành lập. Lớp Tuấn Anh phụ trách hiện có 3 HS. Từ những chữ cái ê a, những nét chữ tròn trịa ban đầu, đến nay các em đã đọc được những câu chữ suôn sẻ và biết tính toán những con số đơn giản... “HS lớp em phụ trách ban ngày đều đi bán vé số dạo, biết đọc chữ, biết tính toán con số thì ra ngoài các em sẽ không bị thua thiệt. Từ cái vốn ban đầu này, các em có thể học lên cao hơn nữa để thực hiện những ước mơ của mình”, Tuấn Anh bày tỏ. Hiện tại, Tuấn Anh sinh sống với gia đình tại xã Phú An, TX.Bến Cát. Ngoài học ở trường, Tuấn Anh còn đăng ký học thêm Anh văn bên ngoài. Thế nhưng, vì muốn mang những kiến thức mình đã học được truyền đạt lại cho các em nên Tuấn Anh đăng ký học Anh văn vào các buổi tối thứ 2, 4, 6; còn các tối 3, 5, 7 đều dành trọn thời gian cho các em nơi đây. Đường từ lớp học về nhà không phải là ngắn, lại đi giữa đường vắng đêm khuya nhưng cái cảm giác được đứng lớp, được nhìn thấy các em tiến bộ mỗi ngày đã tiếp thêm cho Tuấn Anh sức mạnh.

Ngoài học con chữ, các em HS nơi đây còn được thầy, cô giáo dạy cho những kỹ năng sống, biết thêm những điều hay lẽ phải, tránh xa những cám dỗ mà các em có thể gặp phải bên ngoài xã hội. Nhìn các em đứng nghiêm chỉnh, cất cao bài hát “Quốc ca”, “Đội ca” trong buổi lễ chào cờ trước giờ vào lớp thật nhiều cảm xúc. Những khi, bức tường lớp học có HS nào nghịch tay vẽ lên đó đều được các thầy cô đưa ra phân tích dưới cờ, rồi nhẹ nhàng chỉ cho các em biết điều đó là không nên làm. Một số thầy cô còn tự tay chuẩn bị những món quà nhỏ để tặng khuyến khích cho các em học tốt. Tất cả, đều xuất phát từ tấm lòng của nhưng thầy, cô nơi đây nhằm góp phần giáo dục, hình thành nhân cách tốt cho các em.

Rời LHTT này cũng là lúc ngoài phố đèn đường đã sáng rực. Giữa dòng người xuôi ngược, vội vàng chúng tôi cảm nhận được biết bao điều ý nghĩa từ những lớp học nhỏ nhưng tràn đầy tình thương. Đó không đơn giản chỉ là con chữ mà những thầy cô giáo thiện nguyện nơi đây cầm tay chỉ vẽ, truyền đạt cho các em. Cao cả hơn là, thông qua những con chữ này, những thầy cô ở những LHTT đã âm thầm gieo vào trong tâm hồn các em những ước mơ về một tương lai tươi sáng hơn. Thật đáng quý, đáng trân trọng biết bao tấm lòng của những người thầy thiện nguyện ấy

H.THUẬN - N.THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1005
Quay lên trên