Khi đưa quân vào Syria, Nga đã thu hẹp khả năng hành động của Mỹ và các nước phương Tây không chỉ trong lãnh thổ Syria mà còn khiến chính quyền Iraq cộng tác chặt chẽ hơn với Nga, Syria và nhất là Iran, tức là ngày càng xa dần ảnh hưởng của Mỹ. Ðã thế, Nga còn "khuyến dụ" Mỹ cùng phối hợp hoạt động không quân với Nga trong khi vẫn duy trì khả năng cản trở các phi vụ Mỹ chống lại IS hay chính quyền Damascus.
Tổng thống Obama xuất hiện trong chương trình 60 phút của đài CBS.
Sự can thiệp quân sự của Tổng thống Nga vào Syria đang tạo ra những rạn nứt mới bên trong đội ngũ an ninh quốc gia vốn đã rất mệt mỏi của Chính phủ Mỹ.
Cả bộ sậu thân cận lẫn phe đối lập bấy lâu nay vẫn chỉ trích thái độ "quá mềm mỏng của ông chủ Nhà Trắng" đều cho rằng, Tổng thống Barack Obama cố ý không đối mặt với rủi ro bởi ông chỉ còn ở nhiệm kỳ của mình không đầy một năm nữa.
Nhiều quan chức đã và đang làm việc trong chính quyền Obama nhìn nhận, việc ông Obama miễn cưỡng phản ứng quyết liệt hơn trước người đồng cấp Putin báo hiệu rõ ràng sự yếu kém và thiếu quả quyết của người đứng đầu nước Mỹ. Việc Nga phát động các cuộc không kích ở Syria đang thúc đẩy các cuộc thảo luận trong giới chức Lầu Năm Góc về việc liệu Mỹ có nên sử dụng sức mạnh quân sự để bảo vệ lực lượng nổi dậy ở Syria, vốn được Washington huấn luyện và trang bị vũ khí.
Một số chuyên gia đánh giá, quyết định của ông Putin can thiệp quân sự trực tiếp vào Syria sau nhiều năm hỗ trợ gián tiếp chính quyền Bashar al-Assad, đã phá vỡ mọi sức đẩy mà ông Obama từng có sau khi đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Ngoại trưởng John Kerry từng hy vọng sẽ tận dụng những điều kiện vừa đạt được thông qua thỏa thuận hạt nhân với Iran sẽ khiến giới lãnh đạo Nga đi đến những dàn xếp chính trị ở Syria theo ý đồ của chính quyền Mỹ. Nhưng điều vị ngoại trưởng hy vọng đã hoàn toàn không đạt được, nỗi thất vọng càng tăng thêm khi ông biết Lầu Năm Góc chẳng thu hoạch được gì trong kế hoạch đào tạo và trang bị cho các cánh quân nổi dậy đang ngày càng suy giảm về số lượng và phạm vi ảnh hưởng đang bị những đợt không kích cấp tập của Không quân Nga làm cho "teo tóp".
Ngày 9-10, Lầu Năm Góc thông báo sẽ chấm dứt chương trình huấn luyện và trang bị cho quân nổi dậy Syria và thay vào đó sẽ tăng cường hỗ trợ khí tài cho những đơn vị được tin tưởng đang chiến đấu trên các chiến trường ở Syria. Các quan chức cao cấp trong chính quyền Obama cũng được yêu cầu "hãy xóa đi các kế hoạch cũ", và nghĩ về những cách thức tiếp cận mới với Syria và Nga.
Tuy nhiên, việc Nga can dự quân sự vào Syria đã gộp hai bài toán về chính sách ngoại giao của Obama - một nước Nga ngày càng quyết đoán và cuộc nội chiến ở Syria - vào một bài toán phức tạp.
Trong các cuộc gặp cấp cao, một số quan chức an ninh quốc gia hàng đầu của Obama luôn thúc ép ông cần có một phản ứng quyết đoán và "cao tay" trước sách lược của Nga ở Syria. Trong số này bao gồm cả Ngoại trưởng John Kerry, người muốn thiết lập một vùng cấm bay ở Syria, nhưng gợi ý này bị ông Obama cho là "chẳng tích sự gì".
Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter cho rằng, Tổng thống Mỹ dường như đang nao núng trước những loạt hành động quyết liệt khó ngờ của Tổng thống Nga Putin. Việc Tổng thống Obama từ chối có hành động cứng rắn hơn nữa chống lại Moscow cũng làm cô lập một số chuyên gia Nga trong chính quyền của ông. Gần như tất cả họ đều có lập trường cứng rắn với ông Putin hơn so với Tổng thống.
Gần đây nhất, ngày 11-10, trả lời chương trình phỏng vấn "60 phút" của Đài CBS, ông Obama phải đối mặt với một sự phản đối công khai. Ông thể hiện rõ sự lúng túng khi người dẫn chương trình Steve Kroft "đá xoáy" về những kết quả rất khiêm tốn mà Mỹ đã đạt được trong chiến dịch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, và rằng ông Putin đang công khai thách thức vai trò lãnh đạo của Mỹ. Ông Obama chỉ đơn giản phản bác: Sẽ là một sai lầm nếu như phản ứng quá mạnh với Putin, người mà ông cho là chẳng chóng thì chầy sẽ sa vào bãi lầy Syria.
Trong một bài phát biểu tại Hội đồng Đại Tây Dương (một nhóm cố vấn ở Washington), một Tư lệnh Hải quân cấp cao NATO, Đô đốc Hải quân Mỹ Mark Ferguson đề xuất Mỹ hãy hành động mạnh mẽ hơn nữa trước việc Nga triển khai 6 tàu ngầm tấn công lớp Kilo tới Biển Đen. Vị này kêu gọi một phản ứng liên minh tích cực hơn nữa - bao gồm xác định các căn cứ mới mà máy bay tấn công tàu ngầm P-8 Poseidon của Hải quân Mỹ có thể hoạt động.
Trong buổi tranh luận giữa các ứng viên đảng Dân chủ diễn ra công khai trên truyền hình vào ngày 13-10, nữ ứng viên Hillary Clinton còn lớn tiếng yêu cầu Tổng thống hãy khẩn trương chống lại sự can thiệp quân sự của Nga vào cuộc chiến Syria. Cựu Ngoại trưởng Mỹ còn nhắc lại lời kêu gọi áp đặt một vùng cấm bay ở Syria, lập luận điều này là cần thiết để ngăn ông Putin làm điều mà bà gọi là "gây hấn".
Bà Clinton nhấn mạnh: điều quan trọng là Mỹ phải cho ông Putin thấy rõ việc Nga có mặt ở Syria chỉ khiến tình hình thêm hỗn loạn và đây là điều không thể chấp nhận được. Bà Clinton quả quyết "người Nga phải là một phần của lựa chọn này, nếu không sẽ không hiệu quả".
Ngày 14-10, các nhân vật cấp cao của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ đã nhóm họp để bàn bạc các lựa chọn về Syria. Tuy nhiên, Nhà Trắng tuyên bố rõ rằng ông Obama không định đối đầu ông Putin ở đó. "Tôi nghĩ Tổng thống đã khá dứt khoát khi ông tuyên bố xung đột ở Syria sẽ không biến thành một cuộc chiến ủy nhiệm giữa Mỹ và Nga" - Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest nói - "Đó là một cam kết chắc chắn mà Tổng thống đưa ra, và đó là điều chúng ta sẽ tuân thủ". Josh Earnest nhấn mạnh thêm rằng, mục đích chính của Mỹ là kiềm chế IS.
Thực tế tại Syria cho thấy chiến đấu cơ của Nga tung hoành trên không phận nước này một mặt gây tổn thất nặng nề cho những cơ sở quân sự của IS, một mặt gây khó cho các vụ không kích của Mỹ chống IS. Nhờ vậy, Tổng thống Putin có thể đảm bảo là Mỹ không thể làm suy yếu chính quyền Al-Assad mà cũng chẳng giải quyết được mối nguy IS trong cả khu vực.
Ðã thế, Nga còn "khuyến dụ" Mỹ cùng phối hợp hoạt động không quân với Nga trong khi vẫn duy trì khả năng cản trở các phi vụ Mỹ chống lại IS hay chính quyền Damascus. Sở dĩ như vậy vì Nga đưa vào chiến trường Syria một lực lượng quy mô và có tiềm năng lớn hơn mục tiêu chính thức ban đầu là để bảo vệ thường dân và các căn cứ của Nga tại Syria.
Chi tiết kỹ thuật về các loại vũ khí được tung vào trận địa, từ máy bay đến xe tăng, tên lửa, và các căn cứ đang được Nga sử dụng tại Syria cho thấy tầm nhìn rất xa của ông Putin. Nó rộng hơn lãnh thổ Syria. Không quân Nga có thể từ Syria can thiệp vào Iraq để yểm trợ các lực lượng thân Iran và nhân tiện còn khiến các phi vụ của Mỹ khó có thể triển khai.
Theo CAND