Nơi em sinh: Trường Sa

Cập nhật: 01-06-2011 | 00:00:00

Mỗi một công dân chào đời là một sự kiện được quân và dân Trường Sa đón đợi trong niềm vui vô bờ bến. Thêm một mầm sống mới như thêm sự khẳng định về sức sống mãnh liệt ở nơi giữa trùng khơi sóng gió cách đất liền mấy trăm cây số.

Những cái tên đặc biệt

Ngày 1-6, tết của thiếu nhi năm nay, bé Hồ Song Tất Minh vui lắm. Mới tròn 2 tuổi từ ngày 16-5 nhưng đôi chân nhỏ nhắn của Bé Tư (tên thân mật ở nhà của Tất Minh) đã có thể thoăn thoắt chạy theo các anh, các chị thăm các chị Đoan Trang, Bảo Trâm, Thu Quyền... cùng xóm đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

Nhìn theo dáng con khỏe khoắn nô đùa, chị Trương Thị Liền, mẹ Bé Tư, như ánh lên niềm vui từ quyết định mà chồng chị, anh Hồ Dương, vẫn thường nói là quyết định của cuộc đời. Cuộc sống xã đảo Song Tử Tây cũng như nhiều hòn đảo khác trên huyện đảo Trường Sa mỗi ngày được cải thiện. Đâu đâu cũng có điện, nhà cửa khang trang, chắc chắn. Trường lớp rộng rãi, sáng sủa, trạm xá đầy đủ trang thiết bị cùng đội ngũ y - bác sĩ chuyên môn... Song nói gì thì nói điều kiện nơi đảo xa này vẫn chưa thể bằng đất liền. Đó cũng là băn khoăn, lo lắng nhất của chị Liền, anh Dương khi quyết định sinh con trên đảo. Khi Tất Minh ra đời, cả đảo vỡ oà trong niềm vui.

Bé Thu Quyền, học sinh giỏi nhiều năm liền trong giờ làm bài tập ở nhà

“Anh biết vì sao mà cháu tên là Hồ Song Tất Minh không?” - anh Hồ Dương hào hứng hỏi. “Hồ thì là họ của bố rồi. Song là chữ đầu của Song Tử Tây đấy. Còn Minh là tên của bác Minh (Chuẩn đô đốc Phạm Ngọc Minh, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân) vì hôm cháu sinh đúng vào ngày có đoàn công tác do bác dẫn đầu ra thăm”. Có tên với ý nghĩa tương tự bé Hồ Song Tất Minh là bé Nguyễn Ngọc Trường Xuân, chào đời trong ca sinh mổ qua cầu truyền hình trực tiếp giữa thị trấn đảo Trường Sa và Bệnh viện 175 (TPHCM) ngày 4-4. Bố của bé, anh Nguyễn Tấn Thi, cho biết Ngọc và Xuân là tên đệm của hai bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc và Hồ Xuân Lãng, những người trực tiếp đón bé cất tiếng khóc chào đời. “Trường là Trường Sa, là mảnh đất quê hương thân yêu mà cháu cất tiếng khóc chào đời, chôn nhau cắt rốn” - anh Thi không giấu được tự hào.

Nơi chắp cánh ước mơ

Vừa cất cặp sách, thay bộ đồng phục là Phan Thị Thu Quyền đã tíu tít cùng mẹ sắp bữa trưa cho cả nhà. Ở thị trấn đảo Trường Sa này, không mấy ai là không biết cô bé Thu Quyền, 10 tuổi, học lớp 4 trường tiểu học thị trấn đảo. Vừa xinh xắn, học giỏi, lại hay làm, nhường nhịn khi chơi đùa với những em như Bé Tư. Cả 4 năm nay, Thu Quyền đều đạt danh hiệu học sinh giỏi.

Các cháu thiếu nhi trên đảo Song Tử Tây trong giờ chơi

Thầy Đoàn Quốc Thái rất vui khi thấy sự tiến bộ của hai học sinh Nguyễn Thị Đoan Thùy và Huỳnh Thị Bảo Trâm. Mới học gần hết chương trình lớp 1 nhưng bài chính tả “Bác đưa thư” trong chủ điểm gia đình của sách tập viết lớp 1 đã được hai em viết ngay ngắn, tròn trịa trên tấm bảng xanh. Thầy Thái bảo Trường Tiểu học xã đảo Song Tử Tây chỉ có 7 học sinh (2 em học lớp 1, 2 lớp 2, 1 lớp 3 và 2 lớp 4) nhưng tất cả sách giáo khoa, vở, đồ dùng học tập đều theo chuẩn của Bộ GD-ĐT. Một học sinh một lớp nhưng chương trình dạy tuân thủ đúng chương trình chuẩn. Mỗi khi chấm bài kiểm tra, thấy điểm thấp hơn sức học của học sinh là các thầy lại đến tận nhà tìm hiểu rồi phối hợp cùng các bậc phụ huynh kèm cặp thêm. Cùng hiếu học như Thu Quyền, chị của bé Trường Xuân là Nguyễn Thị Minh Nguyệt cũng muốn học thật giỏi để sau này làm bác sĩ chữa bệnh cho mẹ, em và cô bác hàng xóm láng giềng xã đảo Trường Sa.

Những con chim non Thu Quyền, Minh Nguyệt, Đoan Thùy, Bảo Trâm hay Tất Minh, Trường Xuân rồi sẽ có ngày thành những cánh hải âu vững chãi vượt sóng gió đại dương. Song dù có đi đâu, về đâu thì Trường Sa mãi mãi là quê hương yêu dấu, nơi các em chôn nhau cắt rốn và cất tiếng khóc chào đời.

Vượt khó học giỏi

Thầy Trương Xứ Long nói về cô học trò cưng lớp 4 của mình: “Tôi bảo đảm em Thu Quyền hoàn toàn có thể thi học sinh giỏi với các bạn ở đất liền. Xã đảo có khó khăn, học sinh ít nhưng chúng tôi giảng dạy nghiêm túc như đất liền. Có những học sinh trên xã đảo Song Tử Tây chuyển vào học ở đất liền đều theo được các bạn. Nếu ở xã đảo là học sinh giỏi thì vào bờ các em cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi”.

Theo NLĐ
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên