Nông dân bắt nhịp chuyển đổi số

Cập nhật: 18-05-2022 | 08:12:16

 Khó khăn hiện nay của người nông dân là tìm thị trường tiêu thụ nông sản ổn định. Triển khai thỏa thuận hợp tác hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản được xem là một trong những giải pháp thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Các sản phẩm, thương hiệu đặc trưng của nông dân sẽ được đưa lên sàn thương mại điện tử (TMĐT), mở thêm kênh tiêu thụ hiệu quả.

 Bưu điện tỉnh và Hội Nông dân tỉnh ký kết kế hoạch phối hợp hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm

Thỏa thuận hỗ trợ nông dân

 Một trong những hạn chế trong tiêu thụ hàng hóa của nông dân là thường rơi vào cảnh “được mùa, mất giá” hoặc không tìm được kênh cung ứng ổn định. Để hỗ trợ nông dân, ngay từ cuối năm 2021, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã ký kết thỏa thuận, tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ chính, gồm: Phối hợp tuyên truyền, giới thiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm; triển khai chuỗi cung ứng các hàng hóa, nông sản nông nghiệp an toàn, chất lượng cao; hợp tác xây dựng và phát triển chuỗi sản xuất giá trị bền vững gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia; phát triển lực lượng cộng tác viên, đại lý bán hàng; Bưu điện Việt Nam cung cấp các sản phẩm, dịch vụ với chính sách ưu đãi.

Việc tham gia giao dịch trên các sàn TMĐT giúp nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp chủ động sử dụng công nghệ, từng bước áp dụng chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh. Đã có hàng chục ngàn tấn nông sản tiêu thụ thông qua sàn TMĐT Postmart.vn trong thời điểm dịch Covid-19 đã cho thấy dự hiệu quả của kênh tiêu thụ này. Một trong những nội dung hợp tác quan trọng giữa Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam là phối hợp xây dựng sàn TMĐT Agripostmart. vn, hỗ trợ đưa nông sản lên sàn TMĐT, giúp nông dân tiếp cận công nghệ, chuyển đổi số để thúc đẩy, tăng giá trị trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ.

Mục tiêu của sàn TMĐT Agripostmart.vn sẽ trở thành sàn giao dịch với quy mô quốc gia đối với các sản phẩm nông sản an toàn, hàng hóa của người dân tại khu vực nông thôn. Các thông tin sản phẩm nông nghiệp an toàn sẽ lên bản đồ số V-MAP (vmap.vn), cập nhật liên tục nhằm phục vụ công tác quản lý, quy hoạch và tra cứu thông tin. Bên cạnh đó, hai đơn vị sẽ phối hợp xây dựng Bưu điện Văn hóa xã và hệ thống các điểm giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm với chính sách ưu đãi, cạnh tranh.

5.000 nông hộ Bình Dương sẽ lên sàn giao dịch

Ông Đỗ Ngọc Huy, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, Bưu điện Bình Dương đã ký kết cùng Hội Nông dân tỉnh kế hoạch phối hợp hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa năm 2022. Việc ký kết nhằm cụ thể hóa thỏa thuận hợp tác giữa Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam. Qua đó, hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, hợp tác xã, chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp đăng ký tham gia các sàn TMĐT để kết nối, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước.

Thông qua các sàn TMĐT và nền tảng số cung cấp cho hộ sản xuất nông nghiệp thông tin hữu ích về thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất. Lựa chọn đưa lên sàn các sản phẩm, nguyên liệu, vật tư đầu vào, các công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp... Dự kiến, Hội Nông dân các cấp của tỉnh sẽ thu thập thông tin của tối thiểu 5.000 hộ sản xuất nông nghiệp giới thiệu và bán sản phẩm trên sàn giao dịch Postmart. vn/Agri-postmart.vn.

Để nông dân nâng cao năng lực chuyển đổi số, hai đơn vị sẽ phối hợp tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn để nâng cao năng lực sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, internet và TMĐT cho cán bộ, hội viên, nông dân, các chi, tổ hội nghề nghiệp... Ông Nguyễn Hữu Thịnh, Giám đốc Bưu điện tỉnh, cho biết với kinh nghiệm cũng như mạng lưới bưu điện trên địa bàn tỉnh đây sẽ là tiềm năng lớn để khai thác làm kênh trung gian đưa sản phẩm của người nông dân đến với khách hàng trong thời gian sớm nhất với chi phí hợp lý.

 Ông Phạm Quốc Liêm, Chủ tịch HĐQT Công ty Nông nghiệp U&I (Unifarm): Vấn đề đặt ra hiện nay cho nông dân không chỉ vấn đề chuyển đổi số mà còn đòi hỏi nông sản phải bảo đảm chất lượng. Từ khâu thu hoạch, vận chuyển, logistics… đến tay người tiêu dùng trong thời gian sớm, chi phí hợp lý thuyết phục được người tiêu dùng, đồng thời góp phần mang lại giá trị tốt nhất cho nông dân. Mô hình Unifarm áp dụng hiện nay từ thu hoạch, vận chuyển chỉ trong 4 - 6 giờ là sản phẩm đã được đóng gói, bảo quản ở kho logistics của doanh nghiệp.

 MINH DUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=289
Quay lên trên