Hiện nay nhiều địa phương trong tỉnh đã chủ động khơi gợi ý tưởng, sẵn sàng kết nối, sẻ chia giúp nông dân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Chỉ cần nông dân có ý tưởng hoặc đam mê về một mô hình kinh tế nông nghiệp, Hội Nông dân tỉnh và ngành nông nghiệp các cấp sẽ phối hợp các đơn vị, tổ chức hữu quan mở lớp tập huấn, kết nối tham quan, học tập.
Anh Bùi Đức Dũng bên vườn mai được đầu tư hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt công nghệ Israel, vận hành từ nguồn năng lượng mặt trời
Kiên trì kết nối, hỗ trợ
Theo thống kê của Hội Nông dân tỉnh và các địa phương, hướng tới mục tiêu giúp nông dân làm giàu, hiện nay danh sách các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi qua các năm của Bình Dương đã gia tăng đáng kể. Điều đáng nói là tỷ lệ thành công của các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng, sản xuất khá cao. Nhìn chung, ngoài việc tạo ra chuỗi quy trình khép kín với nhiều dây chuyền tự động, bán tự động giúp giảm sức người, các mô hình kinh tế nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn giúp người nông dân tăng năng suất, sản lượng nông sản với chất lượng sản phẩm luôn tuân thủ VietGAP, GlobalGAP…
Phát biểu trong buổi lễ tổng kết phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở huyện Dầu Tiếng mới đây, bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết kế thừa những kết quả, thành quả đạt được trong nhiệm kỳ qua, thời gian tới Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp các sở ngành và địa phương tăng cường tập huấn, phổ biến các mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả để nông dân học tập, áp dụng.
Minh chứng rõ nhất cho quyết tâm giúp nông dân thoát nghèo vươn lên làm giàu bền vững là sự kiện ký kết hợp tác giữa Hội Nông dân tỉnh với Sở Khoa học và Công nghệ được tổ chức vào ngày 17-1-2022 vừa qua. Theo nhận định của các chuyên gia về phát triển kinh tế vùng, đây là một tín hiệu đáng mừng, khẳng định thời gian tới nông dân Bình Dương sẽ tiếp tục hưởng lợi từ chương trình ký kết nói trên. Phát biểu tại buổi lễ ký kết, ông Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết Sở Khoa học và Công nghệ luôn ủng hộ và sẵn lòng đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân tham gia chuyển đổi số và ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào hoạt động canh tác, nuôi trồng nông nghiệp. Hoạt động này giúp người nông dân kịp thời nắm bắt quy trình chăn nuôi, trồng trọt khép kín hiệu quả, đồng thời gia tăng lợi nhuận một các nhanh chóng so với phương thức truyền thống.
Sau khi thảo luận và thống nhất một số nội dung trong chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung vào đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng quảng bá thương hiệu, nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa nông sản, cải thiện đời sống của nông dân, góp phần phát triển nông thôn trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Theo đó trong mỗi nội dung phối hợp, hai đơn vị sẽ thống nhất đề xuất thực hiện những nhiệm vụ cụ thể sau khi ký kết.
Đột phá bằng khoa học công nghệ
Cùng với sự thành công của mô hình kinh tế khu, cụm công nghiệp tập trung, Bình Dương đang huy động mọi nguồn lực, tiếp tục mục tiêu xây dựng đô thị thông minh, phát triển bền vững. Nhiều năm qua, mỗi khi có dịp rời xa phố thị xô bồ để trở về với những miền quê, điều đáng tự hào là dễ dàng cảm nhận được “sức xuân” đang chảy mạnh trong cộng đồng dân cư. “Sức xuân” đó càng mãnh liệt hơn khi các địa phương đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới với mục đích sau cùng là nâng cao chất lượng, giá trị cuộc sống cho người dân.
Một trường hợp nông dân tiêu biểu vươn lên làm giàu nhờ sự hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh và ngành nông nghiệp các cấp là ông Đinh Ngọc Khương, chủ trang trại kinh tế tổng hợp ở xã An Bình, huyện Phú Giáo, với mô hình gà trại lạnh kết hợp vườn cây ăn trái trên diện tích hàng chục ha. Ông Khương cho biết khi nắm bắt tâm tư nguyện vọng của gia đình ông và một số nông hộ khác về việc tìm kiếm, học hỏi mô hình chăn nuôi gà trại lạnh, Hội Nông dân xã Bình An và Hội Nông dân huyện Phú Giáo đã lập danh sách gửi Hội Nông dân tỉnh để mở lớp tập huấn trang trại chăn nuôi gia cầm ứng dụng công nghệ cao. Ngay trong thời gian tổ chức lớp tập huấn, học viên còn được tổ chức tham quan, học hỏi những mô hình kinh tế trang trại phát triển hiệu quả.
Tương tự ông Khương, anh Bùi Đức Dũng, chủ trang trại ở xã An Tây, TX.Bến Cát, cũng là một cái tên đáng được nhắc đến. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh Dũng tiếp tục theo nghiệp nông dân mà gia đình đã truyền bao đời nay. Tuy nhiên, sống trong thế hệ @, anh Dũng đã mạnh dạn nghiên cứu, tìm hiểu, đầu tư số tiền lớn để lắp đặt dây chuyền phân tích thời tiết, khí hậu và tưới tiêu tự động hoạt động trồng mai.
Cùng với nghề trồng mai vốn đã ăn sâu vào máu và nhờ sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật, vườn mai của gia đình anh Dũng càng làm càng đẹp. Đến nay, trang trại của gia đình anh đang sở hữu vườn mai cảnh ứng dụng công nghệ cao rộng hơn 2 ha. Anh Dũng cho biết để giảm chi phí vận hành hệ thống điện, anh đã đầu tư lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái với công suất 60kw. Số điện năng thu về từ hệ thống này dư dùng cho toàn bộ trang trại, ngoài số tiền thu về từ việc bán mai hàng, hệ thống điện năng lượng mặt trời cũng giúp gia đình thu về một khoản tiền khá.
ĐÌNH THẮNG