Trong 2 tháng đầu năm 2018, ngành điều của cả nước xuất khẩu được 46.137 tấn nhân điều, đạt giá trị trên 473,4 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng nhân điều xuất khẩu tăng tới 47,7%, còn giá trị tăng 66,2%. Các dự báo cho thấy, nhu cầu tiêu dùng hạt điều trên toàn cầu đang tăng khoảng 10%/ năm. Vì thế, năm 2018 vẫn là một năm có nhiều thuận lợi về đầu ra cho hạt điều.
Trong điều kiện giá hạt điều tăng lên, nhu cầu thị trường xuất khẩu tăng hiện nay thì nông dân trồng điều tại Đông Nam bộ lại lo mất mùa vì thời tiết thất thường. Những cơn mưa trái mùa và kéo dài từ Tết Nguyên đán Mậu Tuất đến nay khiến cho tỷ lệ đậu trái của cây điều giảm mạnh. Tại Bình Phước, thù phủ trồng điều của cả nước, nông dân trồng điều đang đứng ngồi không yên bởi tình trạng mưa trái mùa, sương muối diễn ra thời gian gần đây đã làm héo trái non, khô bông…, dự báo sản lượng điều năm nay sẽ giảm sâu.
Đối với Bình Dương, nông dân huyện Phú Giáo cũng đang rất lo lắng khi cây điều đang bị thiệt hại nặng do thời tiết thất thường. Trước tình hình trên, Hội Nông dân huyện Phú Giáo khuyến cáo bà con không nên vì ảnh hưởng thời tiết nhất thời mà chặt bỏ cây điều.
Biến đổi khí hậu đang thể hiện rõ nét trong vài năm gần đây tại Bình Dương. Mưa kéo dài, khô hạn thất thường, triều cường liên tục vượt đỉnh… làm ảnh hưởng rất lớn đến năng suất cây trồng của các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng nhiều đề án về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thích ứng tốt với biến đổi khí hậu. Các chuyên gia cho biết, ngành nông nghiệp chịu nhiều tác động từ việc biến đổi khí hậu. Chính vì thế, hơn ai hết, người nông dân cần nâng cao ý thức, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, lựa chọn cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với điều kiện thời tiết thất thường như hiện nay.
HOÀNG PHONG